Công ty tôi có 70% là lao động đến từ các địa phương khác trong cả nước. Trong số này đa phần còn rất trẻ, những người có thâm niên 10-15 năm khá hiếm. Nhìn sang các công ty khác trong KCX Tân Thuận, TP HCM cũng vậy. Đúng là "đất lành chim đậu", "nước chảy về chỗ trũng", TP HCM thu hút lao động các nơi vì đây là trung tâm kinh tế vào loại lớn nhất của cả nước.
Lao động cả nước đổ về, mặt tích cực thì ai cũng phải thừa nhận, còn những hạn chế thì vẫn chưa có những giải pháp căn cơ để khắc phục. 70% lao động nhập cư trong công ty của tôi bộc lộ một vấn đề nổi cộm: Doanh nghiệp thuộc loại thâm dụng lao động; cần một lượng lớn lao động nhưng lao động tại chỗ không đáp ứng được nhu cầu.
Có bao nhiêu lao động nhập cư trong dòng người đang chen chúc này?
Đơn giản là vì "người thành phố không mặn mòi với công việc nặng nhọc nhưng lương thấp". Họ không có nhu cầu bức bách về công ăn, việc làm bởi nếu thất nghiệp thì vẫn còn có gia đình cưu mang, không sợ đói; không sợ bị "đẩy ra đường" nếu không có tiền trả tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước...
Người thành phố nếu chưa tìm được việc làm phù hợp thì họ nhất định sẽ đi tìm cho đến chừng có được chỗ làm ưng ý mới thôi. Còn lao động nhập cư, họ không có nhiều lựa chọn. Rời quê vào thành phố, họ chăm chăm mục tiêu làm việc gì cũng được, miễn sao có việc làm; ở sao cũng được, miễn có chỗ ngã lưng khi đêm về; ăn sao cũng được miễn có cái bỏ vô bụng...
Với cuộc sống như vậy đã làm cho nhiều người nảy sinh suy nghĩ mọi thứ ở nơi này đều tạm bợ. Bên cạnh việc thiếu thốn vật chất, tinh thần, họ còn có cảm giác cô đơn, trống vắng. Cái cảm giác cô đơn trống vắng ấy chỉ những người xa gia đình mới cảm nhận một cách sâu sắc. Họ thèm cái ấm áp của tình cảm gia đình, chòm xóm... Và thế là cả năm làm quần quật chỉ để dành cho một dịp sum họp cuối năm.
Ăn sao cũng được, ở sao cũng được...
Nhiều người thành phố cảm thấy thích thú mỗi dịp Tết đến xuân về, thành phố vắng teo. Ra đường xe chạy bon bon. Vào quán xá chẳng phải đợi chờ. Không có bụi, không tiếng ồn, vỉa hè thông thoáng. Thành phố vắng hoe vì người nhập cư về quê, nhiều người thành phố cũng tìm một chốn nào đó để trốn cái ồn ào của thị thành. Có cảm giác, thành phố như cái quán trọ cuối năm đóng cửa, ngừng tiếp khách...
Ai vui không biết, riêng tôi hay giật mình nghĩ vẩn vơ: Chẳng lẽ thành phố mình chỉ là trạm dừng chân tạm bợ của những phận đời? Họ đến rồi đi chứ không trụ lại. Chính họ - lực lượng lao động nhập cư - đã góp phần làm nên cái ồn ả, náo nhiệt của thành phố. Nhờ có họ mà thành phố có lực lượng lao động dồi dào, thị trường được bổ sung một lượng khách hàng đáng kể.
Thế nhưng, họ đến rồi lại đi. Rất ít người thật sự xem thành phố là quê hương thứ hai của mình. Đơn giản là vì nơi đây vẫn còn rất nhiều rào cản khiến họ không thể nào hòa nhập: Từ công ăn việc làm; chuyện ăn ở, học hành, giá điện, nước, môi trường sống, điều kiện vệ sinh, an toàn...
Trước mặt những lao động nhập cư này là quê nhà, còn sau lưng họ, thành phố chỉ là chốn dừng chân tạm bợ?
Những công nhân của tôi luôn mặc cảm, tủi thân vì họ là "người quê ra thành phố". Biết vậy nhưng tôi không có cách nào giúp họ dứt bỏ được suy nghĩ ấy. Mong rằng đất nước phát triển; các địa phương đều có nhà máy, xí nghiệp để những công nhân nhập cư - mà tôi hay ví họ giống như những đàn chim thiên di- được quay về nơi chôn nhau cắt rốn và tìm thấy cuộc sống đầy đủ, an vui bên gia đình.
Thế nhưng khi ấy, nếu không chủ động thì thành phố sẽ phải đau đầu đi tìm lời giải cho bài toán đầu tư và lao động của mình.
Bình luận (0)