Sau khi thăm dò ý kiến sinh viên (SV) tại một số trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP HCM về “định hướng và mục tiêu nghề nghiệp của giới trẻ” mới đây, một chuyên gia xã hội học đã nhận định: Dường như có một khoảng cách lớn giữa mong muốn được làm việc thật sự, cống hiến hết mình cho công việc với mong muốn giàu có thật nhanh chóng khi có hơn 60% SV được hỏi đánh dấu vào mục “Một công việc thu nhập cao” và chỉ 30% lựa chọn “Một công việc phù hợp với bản thân”.
Kén chọn
Sinh viên tìm kiếm cơ hội việc làm tại Ngày hội Việc làm Cao Thắng diễn ra ngày 18-10
Qua thăm dò ý kiến các ứng viên tìm việc tại Phòng Dịch vụ Việc làm, hầu hết đều thừa nhận hiện nay tìm được một chỗ làm không phải dễ. Thế nhưng có nhiều ứng viên vẫn ngại khổ, ngại khó nên đành chịu thất nghiệp. Qua thống kê sơ bộ 100 phiếu đăng ký tìm việc, chỉ có khoảng 20% ứng viên đánh dấu vào mục “chấp nhận đi công tác tỉnh khi có yêu cầu”, 17% ứng viên “chấp nhận làm việc ở tỉnh” và 42 % ứng viên “chấp nhận làm thêm ngoài giờ” trong phiếu đăng ký tìm việc. Bà Huỳnh Thị Hiền, Trưởng Phòng Tuyển dụng Công ty CP Hợp tác Quốc tế, nhận xét: Ứng viên không còn chịu khó như trước. Họ cứ tưởng có bằng cấp cao là có quyền đòi hỏi mà không biết rằng thực tế công việc khác hẳn với những gì họ được học trong trường. Nhiều ứng viên mới ra trường nhưng đòi hỏi mức lương rất cao trong khi chưa biết khả năng của mình có đáp ứng được yêu cầu hay không, cũng chưa chứng minh được năng lực của mình với nhà tuyển dụng.
Khó tuyển người nhiệt huyết
Ông Đặng Bửu Tính, Giám đốc Công ty TNHH Lọc nước Trường Long, tâm sự rằng tuyển được một nhân viên chịu khó, nhiệt huyết thật sự rất khó. Công ty của ông hoạt động trong ngành lọc nước, một ngành rất đặc thù do ở Việt Nam chưa có trường đào tạo. Vì vậy, công ty thường phải tuyển những ứng viên tốt nghiệp các ngành kỹ thuật như cơ khí hoặc điện để đào tạo. Để nắm vững chuyên môn, nhân viên phải đi hết quy trình đào tạo trong một khoảng thời gian nhất định. Nhưng nhiều nhân viên mới được đào tạo một vài tháng, chỉ mới đi được một phần nhỏ của quy trình đã nản, không muốn phấn đấu nữa. Một số khác mới nắm được chút ít kỹ năng thì bắt đầu đòi hỏi quyền lợi, đòi tăng lương rất cao. Một số khác không yêu cầu quyền lợi thì lại có những hành vi tiêu cực với khách hàng.
Trên một tờ báo mới đây, ông Ito Junichi, người Nhật, CEO Công ty World Link Japan Inc nhận xét: “Khi tôi mới đến Việt Nam 20 năm trước, tôi thấy người Việt Nam cũng rất chăm chỉ như người Nhật. Nhưng giờ thì tôi không còn cảm thấy điều đó nữa. Giờ tôi thấy người Việt Nam thích kiếm tiền nhưng không còn chăm chỉ như 20 năm trước nữa”. |
Bình luận (0)