Tọa lạc cạnh một khu rừng tràm xanh tốt, trang trại động vật hoang dã Thanh Long (số 9, đường 11, khu phố 4, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TP HCM) khiến khách tham quan ngỡ ngàng với không gian xanh mát và tiếng chim hót ríu rít. Tất bật đi lại giới thiệu quy mô chuồng trại và hướng dẫn khách chọn con giống với thái độ hết sức niềm nở là ông Cao Thanh Long, chủ trang trại.
Khởi nghiệp
Trước khi đến với nghề thuần hóa động vật hoang dã, ông Long từng làm nhiều nghề khác nhau nhưng không thành công. Năm 2006, khi lên thăm người thân ở tỉnh Bình Dương, ấn tượng với dáng vẻ bề ngoài của gà rừng nên ông mua một cặp về nuôi thử. Càng nuôi, ông Long càng mê bởi gà rừng dễ nuôi, lại ít bệnh. Một suy nghĩ chợt lóe lên trong đầu ông Long: “Tại sao không gầy đàn gà rừng bằng việc ấp đẻ tự nhiên?”. Không chút kiến thức nên ông Long tự mày mò, học hỏi kỹ thuật chăm sóc, ép đẻ. Nỗ lực ấy cuối cùng cũng được tưởng thưởng khi từ cặp gà giống đầu tiên, chỉ sau 1 năm, đàn gà phát triển nhanh chóng với hơn 400 con. Khi có người hỏi mua về nuôi và bán được giá, ông Long mạnh dạn đầu tư kinh phí lập trang trại.
Từ năm 2007 đến nay, gà rừng đã trở thành thương hiệu của Trang trại Thanh Long. Nhiều khách hàng từ Bình Phước tìm xuống mua với số lượng 100-200 con nên có thời điểm trang trại không đủ gà để giao cho khách. Chịu khó lấy công làm lời, biết chắt chiu cơ hội và chiều khách nên chẳng mấy chốc tiếng tăm trang trại càng vang xa. Từ thành công bước đầu ấy, ông Long tự tin “lấn sân” nuôi chồn hương, dúi, nhím, cheo cheo, gà Đông Tảo, le le…
Kiên trì
Hiện Trang trại Thanh Long nuôi khá nhiều loài động vật hoang dã nhưng nhiều nhất là dúi với khoảng vài trăm con. Dúi là một trong số động vật hoang dã được ông Long thuần hóa thành công nhất. “Dúi dễ nuôi, ít rủi ro, trong khi chi phí đầu tư chuồng trại, con giống, thức ăn thấp. Nguồn thức ăn của dúi rất dễ kiếm, chủ yếu là tre, các loại cỏ củ, thân cây cỏ voi... Việc chăm sóc dúi mất ít thời gian nên người nuôi có thể kết hợp làm nhiều công việc khác” - ông Long chia sẻ kinh nghiệm.
Kiên trì đeo đuổi đam mê và không lùi bước trước khó khăn là bí quyết thành công của ông Long. Sáng kiến thiết kế chuồng nuôi dúi thương phẩm thể hiện ý chí và đam mê ấy. Bỏ công quan sát tập tính sinh hoạt của loài dúi, ông Long đã thiết kế mỗi ô chuồng rộng khoảng 2 m2 trở lên, xây tường cao 70 cm, bên trong tô xi măng hoặc ốp gạch, nền bê tông hoặc lát gạch. Trong chuồng, ông Long cho đặt các ống cống nhỏ hoặc nhiều gốc cây để dúi trú ẩn, tránh không cắn nhau. Ưu điểm khác của loại chuồng này là người nuôi có thể dễ dàng tách dúi cái mang thai trước khi cho sinh sản. Sáng kiến trên cùng với việc dày công nghiên cứu chế độ dinh dưỡng hợp lý đã giúp dúi sinh sản tốt. Dúi con sau 6 tháng thả nuôi, mỗi con đạt trọng lượng từ 1,2-1,5 kg, có thể bắt đầu cho giao phối. Khi giao phối thành công, khoảng 50 ngày sau, dúi con ra đời. Mỗi năm dúi sinh sản khoảng 4 lứa, mỗi lứa từ 3-5 con. Mỗi con non từ khi sinh ra đến 2-3 tháng là có thể đem bán làm con giống. Hiện dúi giống có giá từ 1-1,5 triệu đồng/cặp với mỗi con có trọng lượng từ 500 g đến 1 kg. Dúi thương phẩm sau 5-6 tháng có trọng lượng trên 1,5 kg và có giá bán trên 500.000 đồng/kg.
“Hiện tôi đang nuôi thử nghiệm con cheo cheo và bước đầu có kết quả khả quan. Trong tương lai, tôi sẽ tìm kiếm thêm nhiều giống mới, lạ để tăng quy mô trang trại và đáp ứng nhu cầu thị trường. Mặt khác là để thỏa lòng đam mê và bảo tồn những loài động vật hoang dã” - ông Long chia sẻ. |
Bình luận (0)