“Nhiều công nhân (CN) chưa hài lòng với kết quả đánh giá xếp loại cuối năm. Do vậy, ban giám đốc nên công khai cho họ biết để phát huy hoặc khắc phục các ưu, khuyết điểm”. Đó là nguyện vọng được một CN nêu ra tại chương trình đối thoại định kỳ do Công đoàn (CĐ) Công ty TNHH Juki (KCX Tân Thuận, TP HCM) tổ chức mới đây.
Thẳng thắn, cởi mở
Để chương trình đối thoại diễn ra có chất lượng, CĐ Công ty Juki đã chủ động định hướng các vấn đề mà tập thể CN quan tâm và các tổ CĐ có trách nhiệm chắt lọc tập hợp ý kiến. Với sự chuẩn bị chu đáo ấy, CĐ Công ty Juki đã nhận 68 ý kiến từ các tổ CĐ để gửi lên ban giám đốc, tập trung vào các vấn đề liên quan thiết thực đến việc làm, đời sống CN như: công tác bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe, cơ chế hỗ trợ CN học tập, nâng cao trình độ.
Trong không khí dân chủ, cởi mở, đại diện Công ty Yuki đã tiếp thu và giải đáp từng thắc mắc của tập thể CN. Ông Đào Quốc Cường, giám đốc hành chính công ty, cho biết: “Việc đánh giá, xếp loại do người quản lý trực tiếp chịu trách nhiệm. Do vậy, nếu có thắc mắc, CN có thể đến trình bày với quản lý. Nếu thấy chưa thỏa đáng, CN có thể đề đạt nguyện vọng lên cấp cao hơn”.
Trả lời kiến nghị của nữ CN Nguyễn Thị Mỹ Linh về điều kiện làm việc nóng bức, ông Cường cho biết ban giám đốc đã nhận thấy và hứa sẽ khắc phục bằng cách trang bị thêm máy hút bụi, máy lạnh. Ông Cường không quên nhắc nhở: “Công ty làm việc liên tục 24/24 giờ nên việc sử dụng quạt, máy lạnh cần phải hợp lý. Vào các giờ chuyển, đổi ca, anh chị em CN nên tắt máy để tiết kiệm điện và sử dụng thiết bị lâu dài”.
Chứng kiến không khí đối thoại, ông Suzuki Masanori, Tổng Giám đốc Công ty Juki Việt Nam, bày tỏ sự hài lòng: “Nhờ đối thoại mà công ty và người lao động (NLĐ) hiểu nhau hơn, từ đó hóa giải những gút mắc trong quan hệ lao động. Với cương vị là người đứng đầu công ty, tôi đề nghị các bạn cứ mạnh dạn đóng góp ý kiến để phát triển doanh nghiệp (DN)”.
Xây dựng lòng tin
Bám sát tình hình DN, nhiều CĐ cơ sở tại TP HCM đã chủ động hướng mục tiêu đối thoại vào việc giải quyết căn cơ những tồn tại, tạo tiền đề cho sự phát triển ổn định và lâu dài. “Gắn kết trách nhiệm NLĐ với DN thông qua đối thoại là cách xây dựng lòng tin, sự hiểu biết và hợp tác lâu dài” - ông Nguyễn Phi Hổ, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ TP HCM, nhận xét.
Một trong những đơn vị điển hình trong tổ chức đối thoại định kỳ là Công ty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn (trực thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn). Bà Phạm Nguyệt Ánh, chủ tịch CĐ công ty, kể: “Thời điểm tổ chức đối thoại lần 2 cũng là lúc công ty gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất - kinh doanh. Do vậy, CĐ chủ trương khuyến khích tập thể lao động hiến kế, đưa ra các giải pháp thiết thực để vực dậy tình hình DN. Định hướng sát sườn này của CĐ cơ sở đã tạo hứng khởi cho NLĐ tại buổi đối thoại với hàng loạt đề xuất thiết thực cho công tác điều hành, quản lý của DN”.
Thực tế, các ý kiến đóng góp của NLĐ đã được ban giám đốc trân trọng tiếp thu và điều chỉnh. Nhờ vậy, tình hình sản xuất, kinh doanh được cải thiện đáng kể. Không chỉ có thêm nhiều khách hàng, sản lượng hàng hóa tăng mà thu nhập của NLĐ trong 3 tháng (từ tháng 8 đến tháng 10-2014) cũng tăng rõ rệt, có CN trực tiếp thu nhập 8-9 triệu đồng/tháng”. “Qua thực tiễn đối thoại, phần lớn tâm tư, nguyện vọng của NLĐ đều được giải đáp thỏa đáng, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định” - bà Ánh khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Khải, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP HCM:
Ổn định quan hệ lao động
Nghị định 60/2013/NĐ-CP bắt buộc DN phải thực hiện việc đối thoại định kỳ. Việc tổ chức đối thoại không cố định về mặt thời gian. DN có thể lựa chọn thời gian phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị. Khi đối thoại, không nhất thiết phải có đầy đủ NLĐ, ban giám đốc mà mỗi bên chỉ cần 3 đại diện.
Khi đối thoại, CĐ cơ sở nên khuyến khích NLĐ tham gia đóng góp ý kiến để hỗ trợ DN phát triển ổn định. Khi các bên đã tìm được tiếng nói chung thì mọi gút mắc trong quan hệ lao động sẽ được giải quyết ổn thỏa.
Bình luận (0)