xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vượt lên nghịch cảnh

Bài và ảnh: TIÊN SA

Bị câm điếc bẩm sinh từ nhỏ nhưng ý chí vượt khó đã giúp chàng trai Ngô Tam Bửu thành danh

Thú vị lẫn ngạc nhiên là cảm nhận của chúng tôi khi ghé thăm cơ sở mộc mỹ nghệ nằm cạnh cầu ngói Thanh Toàn của anh Ngô Tam Bửu (29 tuổi, trú tại thôn Thanh Thủy Chánh, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Nhiều năm nay, câu chuyện về một thanh niên câm điếc có nghị lực vượt khó mãnh liệt được bà con trong vùng kể cho nhau nghe với sự khâm phục, nể trọng.

Kiên trì vượt khó

Tiếp xúc với Bửu qua “thông dịch viên bất đắc dĩ” là cha anh - ông Ngô Tài Nhân - chúng tôi càng hiểu thêm những nỗ lực không ngừng của chàng trai này.

Ông Nhân cho hay Bửu là con thứ 3 trong gia đình có 4 anh em. Nhà nghèo, cha mẹ suốt ngày quần quật với mấy sào ruộng khoán nên dù bị câm điếc bẩm sinh, Bửu vẫn cố gắng học lên lớp 8. Ngày đó, để đến được trường, Bửu phải đạp xe vượt hơn 10 cây số đường đồng lầy lội để đi tìm cái chữ.

Một lần, khi việc đồng áng vừa xong, ông Nhân về nhà và hết sức bất ngờ khi thấy trên bàn học của con có những bức tượng, cây cầu cùng các nông cụ bằng gỗ xinh xắn. Bửu đã ra dấu cho cha biết là anh đã dùng những con dao, cái kéo thô sơ, âm thầm gọt đẽo những thứ ấy trong suốt một thời gian dài. Thấy con có chút năng khiếu về nghề thủ công mỹ nghệ, trong lòng ông Nhân ngập tràn niềm vui.

Năm 2006, được sự động viên của cha, Bửu tạm gác lại việc học và khăn gói đi học nghề mộc ở cơ sở mộc mỹ nghệ của một nghệ nhân có tiếng tại TP Huế. Sau 4 năm kiên trì theo học, Bửu đã thạo nghề và có thể tự nuôi bản thân. Vốn đã ấp ủ ý tưởng mở xưởng mộc mỹ nghệ tại nhà từ trước nên cuối năm 2010, Bửu xin phép thầy cho về quê lập nghiệp.

Thương con, dù khó khăn nhưng cha mẹ Bửu vẫn cố vay mượn, cộng thêm số tiền 5 triệu đồng UBND xã hỗ trợ để giúp anh mở cơ sở và mua sắm dụng cụ. Ngày lại ngày, cứ sáng sớm, người dân trong thôn lại thấy Bửu lục đục dọn đồ nghề ra, ngồi đục đẽo  gỗ rồi ngắm nghía đến tận trưa.

Chỗ dựa của thanh niên lêu lổng

Tham quan cơ sở sản xuất mộc mỹ nghệ của Bửu, khách rất ấn tượng với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, tinh xảo được làm ra từ chính đôi tay tài hoa của anh. Nổi bật hơn cả vẫn là những sản phẩm như Chùa Thiên Mụ, Cầu ngói Thanh Toàn, Phu Văn Lâu... Để có được thành công bước đầu ấy, Bửu đã phấn đấu không biết mệt mỏi.

“Lúc mở cơ sở, tôi rất lo lắng vì sợ thất bại nhưng nhờ sự động viên của bố mẹ, của thầy và các bạn nghề nên tôi đã cố gắng vượt qua tất cả…” - anh Bửu cho biết như vậy qua “thông dịch” của người cha.

Anh Ngô Tam Bửu với một sản phẩm gỗ mỹ nghệ độc đáo
Anh Ngô Tam Bửu với một sản phẩm gỗ mỹ nghệ độc đáo

Tuổi thơ là những ngày chăn trâu, cắt cỏ ở vùng quê êm ả, thanh bình với cánh đồng lúa chín vàng óng ả. Hình ảnh quê hương không chỉ là cây cầu ngói Thanh Toàn rêu phong cùng tuế nguyệt mà còn có cả những nông dân một nắng hai sương lam lũ trên đồng… đã in vào trí nhớ của Bửu. Ký ức sống động ấy đã trở thành chủ đề trong các tác phẩm của anh. Được học nghề bài bản cùng với nỗ lực tự thân, Bửu dần dà khẳng định tên tuổi với những sản phẩm mỹ nghệ chất lượng, thể hiện bản sắc dân tộc độc đáo.

Năm 2011, Bửu được hưởng quả ngọt đầu đời khi 2 sản phẩm do chính anh chế tác là Cầu ngói Thanh Toàn và Phu Văn Lâu vinh dự đoạt giải nhì trong cuộc thi bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của thị xã Hương Thủy. Một năm sau, bộ đôi tác phẩm này lại được Bộ Công Thương bình chọn là sản phẩm tiêu biểu của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Cảm phục tài năng cũng như quyết tâm xây dựng thương hiệu mộc mỹ nghệ cho quê nhà của chàng trai trẻ, UBND thị xã Hương Thủy đã quyết định hỗ trợ cho cơ sở của Bửu 30 triệu đồng để sắm sửa máy móc, thiết bị. Cơ sở được mở rộng, Bửu mạnh dạn nhận nhiều thanh niên chưa có việc làm ổn định tại địa phương vào học việc, mức thu nhập từ 1,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng/người/tháng. Nhờ thành tích này mà Bửu được nhận giải thưởng Lương Định Của dành cho “Nhà nông trẻ xuất sắc” năm 2013. 

“Bửu thua thiệt bạn bè từ nhỏ nên khi gửi con đi học nghề, vợ chồng tôi rất lo. Không ngờ, cháu biết gạt bỏ tự ti để khẳng định mình và biết sống có trách nhiệm với cộng đồng. Đó là điều mà vợ chồng tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến” - bà Trần Thị Ngọt, mẹ Bửu, xúc động.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo