Đặc biệt, với cùng một nội dung Latex tạo ra văn bản có dung lượng tập tin nhỏ chỉ bằng 1/10 so với Microsoft Word, rất tiện dụng cho việc lưu trữ trong đĩa mềm. Latex cũng có thể thực hiện dễ dàng công việc soạn thảo các tài liệu từ thư từ cho đến những cuốn sách hoàn chỉnh.
Hiện nay Latex đang được dùng rất phổ biến ở châu Âu, đặc biệt là Đức. Tại Việt Nam, phần mềm này mới được du nhập trong thời gian gần đây và còn khá mới mẻ. Với mục đích phổ biến việc dùng phần mềm này, Câu lạc bộ Tin học Trường ĐH Sư phạm TPHCM đã thực hiện biên dịch một số tài liệu hướng dẫn sử dụng cùng phần mềm và các gói hỗ trợ tiếng Việt, tất cả được lưu vào 1 CD cho mọi người chép miễn phí.
Ưu điểm: Latex có thể chạy được trên nền nhiều hệ điều hành, từ Windows, Macintosh đến các hệ thống lớn như UNIX và VMS. Những máy thế hệ cũ đều có thể chạy tốt phần mềm này. Ngoài ra, nó còn có ưu điểm:
- Việc soạn thảo các công thức toán học, kỹ thuật được hỗ trợ tối đa và dễ dàng, nhanh chóng.
- Người sử dụng chỉ cần học một số lệnh dễ nhớ để xác định cấu trúc logic của tài liệu.
- Không phải suy nghĩ nhiều đến việc trình bày bản in vì công cụ sắp chữ Tex đã làm việc này một cách tự động.
- Những cấu trúc phức tạp như chú thích, tham chiếu, biểu bảng... cũng được tạo một cách dễ dàng.
- Bạn có thể sử dụng rất nhiều gói thêm vào (miễn phí) nhằm bổ sung những tính năng mà Latex không hỗ trợ một cách trực tiếp, ví dụ: Các gói thêm vào có thể hỗ trợ việc đưa hình ảnh postscript hay hỗ trợ việc lập nên các danh mục sách tham khảo đúng chuẩn.
- Tài liệu soạn bởi Latex có thể đọc được trên nhiều nền tảng hệ điều hành khác nhau với định dạng không bị thay đổi.
Một số gói hỗ trợ việc soạn thảo tài liệu bằng tiếng Việt
- VnTex của TS Hàn Thế Thành: Gói này bao gồm các bộ font chữ và các tập tin sau:
+ Các tập tin định nghĩa về font và các macro hỗ trợ soạn thảo tiếng Việt.
+ Các font chữ VNR (mf và tfm).
+ Các font chữ VCMR, VNPS.
Bộ font chữ VNR đã có trên server CTAN từ lâu những chỉ với bảng mã VISCII. Sau này, TS Hàn Thế Thành đã đưa thêm vào bảng mã TCVN và VPS cho bộ font này. Ngoài ra, tác giả Hàn Thế Thành cũng đã tự tạo ra bộ font chữ VCMR và VNPS dựa trên nền tảng là các font chữ cơ bản sẵn có của Latex. Ưu điểm của nó là người dùng không cần thêm bất cứ font nào khác mà chỉ cần các tập tin định nghĩa font và macro đi kèm trong gói VnTex là đủ.
- Gói BK: Đây là gói sử dụng các font chữ True Type của ĐH Bách Khoa TPHCM, các font chữ này đã được TS Hàn Thế Thành thích ứng cho pdfTex.
- Gói GVS: Đây là phiên bản cũng sử dụng các font chữ của ĐH Bách Khoa TPHCM, nhưng đã được TS.Hàn Thế Thành sửa lỗi, đồng thời định nghĩa font và các macro để đưa vào sử dụng. Các font chữ này có chất lượng cao hơn hẳn các font chữ trong gói BK.
Cài đặt VnTex: VnTex hỗ trợ rất tốt cho việc soạn thảo tài liệu tiếng Việt với Latex, nó cũng hoàn toàn miễn phí. Đầu tiên bạn tải VnTex về máy tính từ địa chỉ: http://vinux.sourceforge.net/vntex. Sau đó thực hiện:
- Giải nén tập tin lưu trữ gói VnTex vào một thư mục nào đó trên máy.
- Thực hiện: Programs -> MikTex ->MikTex Options. Sau khi chương trình được thực thi, hãy chọn tab Root. Sau đó, chọn lệnh Add và thêm vào thực mục mà bạn vừa giải nén trong đó.
- Để sử dụng được các font True Type loại 1 đi kèm với gói này, bạn cần phải báo cho chương trình dvips và pdfTex biết về các font chữ này:
+ Thêm vào tập tin C:\texmf\dvips\config\config.ps hàng sau: p +vnr.map.
+ Thêm vào tập tin C:\texmf\pdftex\config\pdftex.cfg hàng sau: map +vnr.map.
Tại Việt Nam Latex chưa phổ biến rộng rãi, đồng thời muốn sử dụng nó cần phải bỏ một số thời gian đọc tài liệu hướng dẫn sử dụng. Tuy nhiên, như những người đang sử dụng tại ĐH Sư phạm TPHCM thì khi đã thành thạo thì đây là một phần mềm soạn thảo rất tốt, không thua gì Word.
Các bạn có thể liên hệ cửa hàng vi tính Lê Hoàn, 128 Bùi Thị Xuân, Q.1-TPHCM để chép phần mềm này (gồm 1 CD).
Bình luận (0)