Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đặt mục tiêu giảm số thuê bao 2G còn dưới 5% vào cuối năm 2023. Bộ TT-TT cũng đã đưa ra hạn cuối cho việc dừng công nghệ 2G tại Việt Nam là tháng 9-2024.
Phủ sóng 4G phân khúc phổ thông
Đó là thời điểm khi các giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động và các giấy phép tần số để triển khai mạng di động hết hạn. Bộ TT-TT khẳng định sẽ không tiếp tục gia hạn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện sử dụng cho công nghệ 2G/3G.
Bộ TT-TT tỏ rõ quyết tâm và triển khai bài bản, lộ trình tắt sóng 2G và 3G. Theo đó, đã ban hành Thông tư 43/2020/TT-BTTTT về "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất - phần truy nhập vô tuyến", trong đó quy định tất cả điện thoại di động được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu Việt Nam từ tháng 7-2021 phải tích hợp công nghệ 4G. Hiện nay, khả năng bắt sóng 4G LTE đã được phủ tới tận phân khúc phổ thông và thậm chí chỉ cần trên dưới 500.000 đồng là người dùng đã có thể có một điện thoại 4G chính hãng. Vào tháng 9-2022, Bộ TT-TT ban hành Văn bản số 4833/BTTTT-CVT về việc định hướng triển khai lộ trình, kế hoạch dừng công nghệ di động 2G. Bộ đề nghị các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch chi tiết và triển khai việc dừng công nghệ di động 2G. Việc triển khai lộ trình tắt sóng 2G phải làm đồng bộ, thống nhất chính sách để tránh tình trạng thuê bao 2G bị cắt sóng ở nhà mạng này sẽ chuyển sang nhà mạng khác.
Điện thoại 2G sắp tới sẽ được “nghỉ hưu” Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Viettel, nhà mạng viễn thông chiếm thị phần lớn nhất (khoảng 54,5% vào cuối năm 2022), là nhà mạng đầu tiên của Việt Nam không chỉ tắt sóng 2G mà đã tắt sóng cả 3G trên diện rộng trong năm 2022 (với quy mô lên tới 35.000 trạm BTS) để tập trung phát triển 4G và 5G. Trước đó, Viettel đã bắt đầu thử nghiệm tắt mạng 2G/3G ở một số tỉnh, thành như TP HCM, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Bình Dương, Quảng Bình, Nghệ An, Đồng Tháp, Ninh Bình, Thừa Thiên - Huế... Việc Viettel đi đầu trong lộ trình cắt sóng 2G và 3G là một cú hích lớn, tạo tác động mạnh cho cả thị trường. Trong khi đó, ngay từ năm 2021, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) với nhà mạng di động VinaPhone đã chủ động kế hoạch tắt dần các trạm 2G có thuê bao và lưu lượng thấp để tối ưu hóa việc vận hành, khai thác mạng lưới và chuẩn bị cho lộ trình dừng công nghệ 2G. Đến nay, VNPT đã thực hiện tắt hàng ngàn trạm 2G. VNPT đã triển khai các chương trình hỗ trợ máy smartphone tại huyện Hóc Môn, Củ Chi (TP HCM), tỉnh Bạc Liêu và Vĩnh Long. Kết quả đến cuối năm 2022, có khoảng 1,9 triệu thuê bao đã chuyển đổi từ 2G sang 3G/4G. VNPT cho biết sẽ triển khai chương trình viễn thông công ích đã được Bộ TT-TT hướng dẫn thực hiện, cụ thể là trợ giá điện thoại thông minh 500.000 đồng/máy cho các thuê bao thuộc đối tượng viễn thông công ích.
Trong năm 2020, MobiFone đã thử nghiệm tắt sóng 2G tại một số khu vực thuộc TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhà mạng này đã cấp SIM 4G miễn phí cho các thuê bao 2G. Trong một động thái vào cuối tháng 8, MobiFone đã ký kết đối tác chiến lược với hệ thống bán lẻ hàng công nghệ Di Động Việt để thúc đẩy tiến trình tắt sóng 2G. Cụ thể, khách hàng của MobiFone sử dụng điện thoại 2G có thể lên đời điện thoại 4G tại Di Động Việt với giá bán "phi lợi nhuận", kèm theo gói ưu đãi miễn phí dung lượng truy cập internet trong 90 ngày (2GB/ngày), áp dụng tại khu vực TP HCM.
2G đang cản đường 4G
Việc dừng các công nghệ cũ đã lạc hậu và còn ít người dùng là quy luật phát triển khoa học - kỹ thuật. Chẳng hạn, 1G (giới thiệu năm 1981) chỉ nghe gọi, công nghệ 2G (giới thiệu năm 1992 và triển khai ở Việt Nam vào năm 1993) nghe gọi và nhắn tin SMS rồi cũng phải "nghỉ hưu".
Cơ sở hạ tầng 2G hiện trở thành gánh nặng cho các nhà mạng. Trong khi đó, tài nguyên tần số là có hạn và bị lãng phí khi phải tiếp tục dùng cho mạng 2G và 3G. Việc tắt sóng 2G sẽ giải phóng băng tần cho các công nghệ mạng tiên tiến. Mạng 2G sử dụng các băng tần từ 900MHz đến 1.800MHz. Hiện băng tần 1.800MHz đang được mạng 4G xài chung với 2G. Theo giới chuyên môn, đây là một trong những lý do khiến công nghệ 4G ở Việt Nam chưa thể đạt tốc độ thiết kế. Vì thế, nếu được sử dụng toàn bộ băng tần 1.800MHz, tốc độ mạng 4G dự kiến tăng thêm khoảng 25% so với hiện nay.
Khi không còn nhà mạng nào có thể tiếp tục kinh doanh 2G, lúc đó mạng 2G mới thật sự "hoàn thành nhiệm vụ". Bài học từ tắt sóng 2G rất có giá trị cho kế hoạch tắt sóng 3G tiếp đó.
Tất nhiên, với đặc thù của Việt Nam, nhà nước không chỉ "ra lệnh" mà cần hợp tác - xã hội hóa - với các nhà mạng và nhà sản xuất thiết bị di động để có thể hỗ trợ các thuê bao 2G gặp khó khăn về tài chính chuyển lên 4G. Việc này cũng như trước đây Việt Nam chuyển từ truyền hình analog lên truyền hình số nhưng cũng phải mất 9 năm (từ 2011 đến ngày 28-12-2020).
Nhiều nước đã tắt sóng 2G từ lâu
Trên thế giới có nhiều quốc gia thực hiện tắt sóng 2G như Nhật Bản (năm 2011). Tại Singapore, các nhà mạng M1, Singtel và StarHub hoàn thành tắt sóng 2G trong năm 2017. Ở Trung Quốc, nhà mạng China Unicom tắt 2G năm 2021... Theo Hiệp hội Các nhà cung cấp di động toàn cầu (GMSA), tính đến tháng 10-2022, có 142 nhà mạng ở 56 nước đã hoàn tất, lên kế hoạch hay đang triển khai việc tắt sóng 2G/3G; trong đó có 51 nhà mạng đã tắt sóng 2G.
Bình luận (0)