Giám đốc điều hành (CEO) TikTok Shou Zi Chew tuyên bố công ty sẽ nộp đơn kiện nhằm duy trì hoạt động tại Mỹ. Theo đài NBC News, CEO này cũng bác bỏ khả năng bán lại TikTok, đồng thời kêu gọi người dùng và nhà quảng cáo tập hợp lại để bảo vệ nền tảng.
Tại cuộc họp báo hôm 24-4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nhắc lại tuyên bố của giới chức thương mại nước này hồi tháng rồi về việc kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Bà Xiao Meng Lu, chuyên gia tại Công ty Tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group (Mỹ), cho biết trong trường hợp TikTok không còn lựa chọn pháp lý và phải rời khỏi thị trường Mỹ, một số thương hiệu công nghệ của Mỹ có thể gặp thiệt hại từ hành động đáp trả của Trung Quốc.
Chẳng hạn, theo trang tin Bloomberg, Bắc Kinh có thể siết lệnh cấm sử dụng phần cứng của Mỹ, từ đó gây áp lực lên các tập đoàn công nghệ như Microsoft và Intel.
Tuy nhiên, chuyên gia Li Ming Jiang tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore), cảnh báo rằng động thái này có thể làm chậm sự phát triển của Trung Quốc.
"Điều Trung Quốc muốn bây giờ là giảm tách rời công nghệ với Mỹ. Trừng phạt công ty công nghệ Mỹ sẽ không có lợi cho mục đích này" - ông Li Ming Jiang giải thích.
Hành động tức thì khả dĩ nhất của Trung Quốc là nỗ lực ngăn bán TikTok cho phía Mỹ. Ngoài ra, theo một số chuyên gia, Bắc Kinh còn phải chờ xem cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới có kết quả thế nào.
Ông Donald Trump, đối thủ của Tổng thống Joe Biden trong cuộc đua vào Nhà Trắng, có thể hoãn các hành động nhằm vào TikTok nếu thắng cử. Cựu tổng thống Mỹ này cũng từng lo ngại rằng việc cấm TikTok sẽ giúp đối thủ Meta hưởng lợi.
Bình luận (0)