xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Muốn dịch phải mua bản quyền, “biên soạn” là ăn cắp

Yến Anh thực hiện

Phỏng vấn ông Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả văn hóa - nghệ thuật, Bộ VHTTVừa qua, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký Quyết định số 332 về việc Việt Nam gia nhập Công ước Berne bảo hộ tác phẩm văn học, khoa học và nghệ thuật.

Theo thông báo của Tổ chức Trí tuệ Thế giới (WIPO), từ ngày 26-10 tới, Việt Nam sẽ chính thức trở thành thành viên thứ 156 của Công ước Berne. Khi Việt Nam là thành viên của công ước này thì Nhà nước Việt Nam phải bảo hộ quyền tác giả cho các tác giả và chủ sở hữu tác phẩm của các quốc gia thành viên công ước, đồng thời, các quốc gia thành viên của công ước cũng sẽ có nghĩa vụ bảo hộ quyền tác giả cho các tác giả và chủ sở hữu tác phẩm thuộc Việt Nam.

. Phóng viên: Theo ông, khó khăn nhất của chúng ta khi tham gia Công ước Berne là gì?

img

- Ông Vũ Mạnh Chu: Đó là phải thay đổi một thói quen “tự tiện” tồn tại đã rất lâu đời. Hiện nay, trong lĩnh vực văn học -nghệ thuật, tình trạng xuất bản tùy tiện, không xin phép, không thanh toán tiền bản quyền, thậm chí là chụp giật... đã trở nên khá quen thuộc. Một khó khăn nữa, đó là khi ta thực hiện những quy định của Công ước Berne, sản phẩm văn hóa thế giới sẽ có mặt một cách rất hạn chế tại Việt Nam. Có thể vì nhà xuất bản (NXB) không có khả năng thanh toán tiền bản quyền, có thể vì giá thành sản phẩm sẽ bị đội lên do vừa phải trả tiền tác quyền vừa phải trả tiền cho người dịch. Cuối cùng là lo làm sao để bảo vệ quyền lợi của mình tại các quốc gia thành viên công ước.

. Từ nay đến thời điểm công ước có hiệu lực là rất ngắn, Cục Bản quyền tác giả có động thái gì “đánh động” các cơ quan văn hóa yêu cầu thực hiện tốt những quy định của công ước này?

- Cục Bản quyền tác giả đã có văn bản đề nghị các sở VHTT, các NXB chủ động xem xét, điều chỉnh kế hoạch hoạt động của mình và đối với lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý trong việc sử dụng tác phẩm của tổ chức và cá nhân nước ngoài để phổ biến tại Việt Nam. Các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng tác phẩm của các tổ chức và cá nhân nước ngoài phải liên hệ với đối tác để thỏa thuận việc sử dụng tác phẩm, tránh những tranh chấp không đáng có.

. Một hệ quả tất yếu là sau khi thời điểm công ước có hiệu lực, đời sống văn hóa tinh thần của chúng ta sẽ ít nhiều hụt hẫng vì không còn được tự do tiếp cận các tác phẩm nước ngoài. Liệu có cách nào để giải quyết tình trạng này?

- Tôi có thể dùng một hình ảnh để ví von là không còn gạo trong nhà thì không thể nhịn đói mà phải đi mua. Không có nhiều tiền thì ta phải mua bằng nhiều cách, ví như thương thuyết, vận động các tổ chức, cơ quan, cá nhân tài trợ tiền cho chúng ta mua bản quyền. Tôi được biết Hội Nhà văn Mỹ khi đến Việt Nam đã cho biết họ chỉ lấy tác quyền các tác phẩm của họ với giá tượng trưng hoặc cho không. Một số NXB cũng đã được các tổ chức, cá nhân nước ngoài ủng hộ tiền để mua bản quyền, tiền dịch tác phẩm và cả tiền xuất bản. Chúng ta cần khai thác tối đa những đơn vị hỗ trợ mình như thế.

Bên cạnh đó, cục cũng đã có văn bản đề nghị các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp quan tâm khai thác triệt để các tác phẩm của thế giới đã kết thúc thời hạn bảo hộ, các loại hình tác phẩm trong nước để phục vụ công chúng, tránh tình trạng hụt hẫng các tác phẩm văn học - nghệ thuật đối với nhu cầu hưởng thụ của nhân dân.

. Nhưng theo phản ánh của nhiều người thì việc đi đàm phán lẻ tẻ, không tổ chức, rất ít khi đem lại hiệu quả cao vì ít có thông tin. Liệu Nhà nước có thành lập một cơ quan chuyên về tác quyền để liên hệ với bên ngoài?

- Nhà nước không làm việc ấy mà các đơn vị phải tự đi tìm đối tác, liên hệ nơi công tác, nếu có thể, các cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ thêm về mặt thông tin.

. Trên thực tế, hiện có một thể loại sách có tên là “biên soạn”, tác giả tập hợp tư liệu từ vài ba cuốn chứ không phải một cuốn sách duy nhất. Liệu những sách này có phải là đối tượng được bảo hộ?

- Tôi nói thẳng rằng việc “biên soạn” đó chính là một hình thức ăn cắp đáng bị lên án. Tác phẩm này tất nhiên là phải lên án và không thể chấp nhận được. Tình trạng này xuất hiện tương đối nhiều trong những cuốn sách về khoa học công nghệ, về sinh học, biến đổi gien... tất cả đều là những tác phẩm biến báo, xào xáo, người dịch thì dịch cắt xén, sau đó đóng tên mình vào. Khi chúng ta chưa gia nhập Công ước Berne, hành động này đã bị lên án. Khi chúng ta đã là thành viên của Công ước Berne, hành động này, những tác phẩm kiểu này càng đáng lên án vì không chỉ vi phạm đạo đức hành nghề mà còn vi phạm pháp luật.

. Thưa ông, tác phẩm thì nhiều mà người quản lý thì có hạn, làm thế nào để giám sát tốt việc thực hiện công ước này?

- Không chỉ một mà rất nhiều cơ quan chức năng cùng tham gia giám sát việc thực hiện công ước, như Thanh tra Văn hóa, Cục Bản quyền tác giả, Cục Cảnh sát Kinh tế, Cục Quản lý Thị trường...

Ý KIẾN NGƯỜI TRONG CUỘC

Bà Quách Thu Nguyệt, Giám đốc NXB Trẻ:

Cần phải có thời gian để chuẩn bị

img

Thời gian qua, chúng tôi đã xúc tiến việc mua tác quyền của một số NXB và tác giả nước ngoài.

Theo tôi, trong bước hội nhập này cần phải có thời gian để chuẩn bị, làm quen, thậm chí cần có cả kỹ năng, bản lĩnh trong quan hệ hợp tác, thương thảo với các đối tác, đồng nghiệp nước ngoài. Qua đó, chúng ta vừa giới thiệu, phổ biến nhiều tác phẩm hay, chuyển tải được nhiều kinh nghiệm, tri thức mới của nhân loại thông qua các ấn bản được chuyển ngữ trong điều kiện khó khăn của một nước đang phát triển như Việt Nam.

Sau cùng, quan trọng hơn là làm sao để bạn đọc Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất trong bể tri thức của nhân loại. Muốn thế, không chỉ tự thân các NXB phải bươn chải mà cần có sự giúp đỡ của cơ quan quản lý Nhà nước, Hội Xuất bản.

Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty Văn hóa First News:

Bản quyền có thể thương lượng

imgChúng tôi đã tiến hành mua tác quyền từ cách đây 10 năm và hiện vẫn tìm đối tác tại nước ngoài để làm sách. Sách của chúng tôi phần nhiều là sách biên dịch, tổng hợp. Một cuốn sách được thực hiện là sự tổng hợp của nhiều cuốn sách và mỗi cuốn chỉ lấy một phần hay nhất, phù hợp với người Việt Nam, như vậy chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian để thương lượng, nhất là sách về khoa học kỹ thuật, y học, kiến thức bách khoa. Trong biên soạn, chúng tôi cũng có sự sáng tạo của mình. Tôi nghĩ ngay lập tức thì chưa thể thực hiện được điều này một cách thật trọn vẹn, phải có từng giai đoạn cho từng thể loại. Theo tôi, bản quyền có thể thương lượng và nếu cuộc chơi công bằng thì nó cũng rất thú vị.

Ông Trần Thức - Trưởng Phòng Xuất bản – Phát hành Công ty Văn hóa Phương Nam:

Đây là một cách ứng xử văn minh

imgNgay từ năm 1998, việc mua bản quyền các tác phẩm nước ngoài đã được Công ty Phương Nam thực hiện. Tác giả nước ngoài đầu tiên ký hợp đồng với chúng tôi là Kim Dung. Tiếp theo là Cổ Long và một số NXB của Mỹ (McGrow Hill, Norton...). Không có mức giá chung cho việc mua bán bản quyền. Giá cả chủ yếu theo sự thỏa thuận của hai bên. Theo tôi, với ngân sách khá eo hẹp, trong buổi đầu triển khai thực hiện Công ước Berne, một số NXB sẽ gặp không ít khó khăn. Nhưng không phải khó thì không làm. Đây không đơn thuần là vấn đề tác quyền mà là một cách ứng xử văn minh mà bất kỳ quốc gia nào trong quá trình hội nhập với thế giới cũng cần phải chấp hành.

Ông Phạm Minh Thuận - Giám đốc Công ty Phát hành Sách TPHCM:

Cần có lộ trình thực hiện để tránh biến động

imgSách có nguồn gốc bản quyền nước ngoài hiện nay đang tồn tại hai dạng: sách biên soạn và sách dịch nguyên bản. Loại sách biên soạn từ nhiều cuốn sách của nước ngoài tập trung nhiều nhất ở mảng sách khoa học kỹ thuật. Để tránh có những biến động trên thị trường sách khi Công ước Berne có hiệu lực thi hành tại Việt Nam, Nhà nước nên có đàm phán để có được lộ trình thực hiện dài hơi và các NXB của Việt Nam có điều kiện làm quen, tìm hiểu và đặt quan hệ thương lượng bản quyền với các tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm trên thế giới.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo