Nhiều năm qua, sau giờ làm việc, các dãy hành lang tại Trường Bổ túc Văn hóa (BTVH) Tôn Đức Thắng tràn ngập màu áo xanh. Già có, trẻ có - họ là công nhân (CN) các công ty, xí nghiệp ở TPHCM đăng ký theo học BTVH ban đêm.
“Oải lắm... nhưng phải cố gắng vượt qua”
Anh Trần Văn Thông, CN Xí nghiệp (XN) Thoát nước số 5 - Công ty Thoát nước Đô thị TP, đang theo học lớp 5, nói với tôi: Tụi em vừa thi xong học kỳ. Mới đó mà đã 3 năm...
Thông kể, ngày XN vận động đi ra lớp, nhiều anh em rất ngán, bởi lẽ việc học bị gián đoạn đã lâu, ngại theo không kịp chương trình. Phần lớn CN đều trực tiếp sản xuất, sau một ngày làm việc mệt mỏi, chỉ muốn về nhà nghỉ ngơi. Nhờ lãnh đạo đơn vị động viên, thầy cô trong trường chỉ bảo tận tình, họ mới hiểu ý nghĩa của việc học. Nhà Thông ở xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, cách trường hàng chục cây số, nhưng anh chưa hề vắng học 1 buổi. “Nhiều hôm về đến nhà đã 22 giờ đêm, oải lắm nhưng em tự nhủ phải cố gắng vượt qua, riết rồi cũng quen. Học cho bản thân mình chứ cho ai nữa”- Thông bộc bạch. Suy nghĩ của Thông cũng là tâm trạng chung của hàng chục CN tại hai XN Miliket và Colusa (Công ty Lương thực TP). Năm 2003 là năm Công ty Lương thực TP tiến hành sắp xếp lại sản xuất, buộc phải cắt giảm lao động, nên tâm lý anh em CN phần nhiều bị dao động. Hiểu được tâm trạng đó, cán bộ Công đoàn (CĐ) công ty đến tận lớp học để động viên, nhờ đó sĩ số lớp vẫn bảo đảm. Bà Đặng Thị Bình Minh, chủ tịch CĐ công ty, nói: Thương lắm, một số anh chị em CN có tuổi đời khá cao, lại có tên trong danh sách nghỉ việc, nhưng vẫn cố gắng theo học hết chương trình THPT. Trong số 286 CN ở Công ty Lương thực theo học BTVH từ năm 2000 đến nay, hầu hết đã tốt nghiệp THPT, chỉ còn 16 người tiếp tục theo học chương trình lớp 10.
Đa dạng mô hình tổ chức lớp
Ông Bùi Hữu Toàn, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Ngoài việc duy trì phong trào thi đua dạy tốt, trường còn chú trọng cải tiến và nâng cao chất lượng hoạt động các tổ chuyên môn; tổ chức dự giờ để đội ngũ giáo viên (GV) có thể học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Bên cạnh số GV thỉnh giảng, nhà trường còn tập trung xây dựng lực lượng GV cơ hữu (15 người). Số GV này đều có hợp đồng giảng dạy từ 2 năm trở lên. Nhờ những nỗ lực đồng bộ, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp hệ bổ túc THCS và THPT đạt trên 81%.
Trao đổi với chúng tôi về lý do gởi CN theo học bổ túc tại Trường BTVH Tôn Đức Thắng, lãnh đạo các DN nhìn nhận: “So với các trường trong hệ thống giáo dục thường xuyên, ưu điểm của trường là biết cách tổ chức các mô hình lớp học phù hợp với tình hình sản xuất tại các DN, nhất là những nơi có số lượng CNVC-LĐ theo học còn ít, không đủ mở lớp”. Năm qua, Trường BTVH Tôn Đức Thắng đã kết hợp với các CĐ ngành triển khai khá thành công mô hình các lớp học ghép dành cho các đối tượng cùng ngành nghề. Điển hình là lớp học ghép dành cho điều dưỡng, hộ lý các bệnh viện lớn tại TP do trường và CĐ ngành y tế TP tổ chức. Đã có 543 nhân viên ngành y tế theo học 17 lớp BTVH. Nhờ sự đa dạng này, năm 2003, Trường BTVH Tôn Đức Thắng đã mở được 27 lớp mới cho 800 học viên, nâng tổng số lớp hiện có lên 134 lớp với 3.615 học viên.
Việc mở lớp vẫn còn khó khăn
Trong một lần đi khảo sát để mở lớp BTVH cho CNLĐ tại Khu Chế xuất Tân Thuận, nhiều GV ở trường đã không kìm được xúc động khi chứng kiến cảnh một nhóm CN ngoại tỉnh tự tổ chức lớp học bổ túc theo kiểu “người biết dạy người không biết”. Thực tế này khẳng định nhu cầu học BTVH trong CN rất lớn và không phải nơi nào CN cũng được tạo điều kiện. So với năm 2002, số lớp mới được mở trong năm 2003 giảm 7 lớp. Đây là một thách thức không nhỏ trong việc nâng cao trình độ học vấn cho CNVC-LĐ theo Chỉ thị 17 của Thành ủy. Theo ông Bùi Hữu Toàn, có 3 nguyên nhân khách quan khiến việc vận động mở lớp ngày càng khó khăn. Đó là: một số DN có “truyền thống” mở lớp phải di dời ra ngoại thành; các DN Nhà nước đang tiến hành cổ phần hóa “chờ” sắp xếp lại lao động, ổn định sản xuất mới tính đến chuyện mở lớp; nguồn kinh phí hỗ trợ của trường (20%) cho các DN mở lớp ngày càng eo hẹp. Nguyên nhân chủ quan khác theo các DN là vẫn còn không ít CNVC-LĐ chưa xem việc học là trách nhiệm bản thân.
Nghị quyết Đại hội VIII CĐ TP đã xác định: Phấn đấu đến hết năm 2008, có 50% CNVC-LĐ, 100% CNLĐ các ngành điện, điện tử, cơ khí hóa chất tốt nghiệp THPT. Để thực hiện các chỉ tiêu trên, theo ông Vương Phước Thiện, Phó Ban Tuyên giáo LĐLĐ TP, nhiệm vụ trọng tâm của các cấp CĐ là tập trung tuyên truyền vận động các DN mở lớp BTVH cho CN và có biện pháp động viên thích hợp. Riêng về nguồn kinh phí hỗ trợ mở lớp, Trường BTVH Tôn Đức Thắng kiến nghị: LĐLĐ TP tiếp tục tham mưu Thành ủy, UBND TP ban hành cơ chế, chính sách để thực hiện Chỉ thị 17 của Thành ủy đạt hiệu quả cao hơn.
Bình luận (0)