Nhìn về tổng thể những gì mà hai ông Hans Blix và ElBaradei trình bày trước HĐBA LHQ dường như đều nằm trong dự liệu của giới quan sát. Câu kết luận quan trọng nhất mà các thanh sát viên vũ khí LHQ đưa ra lần này không có nhiều khác biệt cơ bản với kết luận của chính họ cách đây hơn hai tuần, đó là vẫn cần thêm thời gian cho các cuộc thanh sát. Thế nhưng, trong báo cáo ngày 14-2 của các thanh sát viên LHQ lại chứa đựng một “bằng chứng chết người” về việc Iraq “vi phạm Nghị quyết 1441”, theo cách diễn đạt của Mỹ và Anh. Dù chỉ là trong phòng thí nghiệm, song quả tên lửa vô tri Al Samoud 2 đang được Mỹ và Anh coi là bằng chứng sống về sự vi phạm của Baghdad vì rằng tầm bắn của nó có thể tới 180 km, vượt khoảng 30 km theo sự cho phép của LHQ.
Quả tên lửa trong phòng thí nghiệm, hoàn toàn chưa có trong thực tế, và tầm bắn chỉ vượt quá có vài chục km lại là một trong những nguyên cớ quyết định để dấy lên cuộc chiến quy mô lớn trừng phạt cả một dân tộc? Ai có thể tin được điều này?
Cả Mỹ và Anh cùng lớn tiếng đòi thông qua ngay một nghị quyết thứ hai của HĐBA LHQ cho phép phát động một cuộc tấn công quân sự vào Iraq để giải giáp quốc gia này. Washington và London dường như phớt lờ thực tế rằng chính các thanh sát viên vũ khí LHQ cũng chưa đủ cơ sở để đi đến kết luận rằng Iraq tàng trữ vũ khí hủy diệt hàng loạt, tức là chưa thể có một lý do chính đáng nào để ra đòn trừng phạt Iraq. Điều này cũng đồng nghĩa với tuyên bố của Pháp, Nga và Đức trong thời điểm nhạy cảm hiện nay rằng “chưa có cơ sở” để phát động một cuộc tấn công quân sự vào Iraq. Thế giới đang chứng kiến cuộc giành giật quyết liệt nhất nhằm cứu vãn những cơ hội hòa bình dù là mong manh trong thời điểm nghiệt ngã hiện nay. Điều đáng nói là cuộc đấu căng thẳng nhất lại diễn ra giữa Mỹ với Pháp, Nga và Đức chứ không phải là giữa hai “nhân vật chính” của cuộc khủng hoảng - Mỹ và Iraq. Thoạt nhìn, không ít người có thể bất ngờ trước việc ba quốc gia châu Âu này, đặc biệt là Pháp và Đức vốn là những đồng minh lâu nay của Mỹ, đứng ra phản đối quyết liệt cuộc tấn công quân sự của Mỹ vào Iraq.
Có nhiều nguyên nhân để ba “ông lớn” ở cựu lục địa là Pháp, Nga và Đức ngang nhiên đứng ra đối đầu công khai với Mỹ về vấn đề Iraq. Song nguyên nhân bao trùm nhất, sâu xa nhất khiến 3 quốc gia này cùng đồng tâm nhất trí chống lại âm mưu tấn công Iraq của Mỹ là cuộc chiến này chính là một bước tiến mới của chủ nghĩa đơn phương Mỹ. Vì sao Mỹ cứ nhất quyết phát động chiến tranh trong khi họ chưa thể chứng minh một cách thuyết phục rằng Iraq có vũ khí hủy diệt hàng loạt hay liên hệ với tổ chức khủng bố Al - Qaeda? Đi tới cùng để tìm câu trả lời cho câu hỏi này, nhiều người có thể dễ dàng nhận thấy rằng việc Washington có ép buộc thế giới chấp nhận để họ thể hiện sức mạnh vượt trội đối với Iraq rõ ràng là một thông điệp cứng rắn: Mỹ hiện là một siêu cường số một trên thế giới, mọi ý muốn và giá trị của Mỹ đều phải được tuân thủ, bất kỳ ai chống lại hãy nhìn vào “bài học nhãn tiền” Iraq.
Những cường quốc toàn cầu như Pháp, Nga và Đức khó có thể chấp nhận sự leo thang tham vọng đơn phương của Mỹ. Lợi ích chiến lược lâu dài của các quốc gia này chắc chắn bị đe dọa nếu họ không “làm một cái gì” đó để chứng tỏ cho Washington thấy rằng “thế giới không chỉ có một nước Mỹ”. Sáng kiến hòa bình Pháp - Đức cho vấn đề Iraq, phủ quyết đề nghị NATO bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ, hay lời tuyên bố có thể phủ quyết nghị quyết thứ hai về vấn đề Iraq của Tổng thống Nga Vladimir Putin... cũng chính là một bức thông điệp phát từ “phần còn lại của thế giới” để Mỹ thấy rằng ngoài lợi ích của Mỹ, các nước trên thế giới, trước hết là Pháp, Nga, Đức... đều có “phần của mình” trong thế giới ngày nay.
Do vậy, việc ba “ông lớn” của cựu lục địa này có thể đi tới cùng để “cương” với Mỹ hay không thì không một ai dám quả quyết vào lúc này vì ngay Tổng thống Nga Putin cũng đã lên tiếng rằng việc Nga, Pháp và Đức trở thành một đối trọng với Mỹ là một “kịch bản xấu”, và “Nga không thể trả giá cho điều đó bằng lợi ích quốc gia”. Nhiều nhà quan sát cho rằng, nếu Mỹ có sự nhượng bộ nào đó, những nước này cuối cùng sẽ lại thuận theo ý của Washington.
Trong tình huống xấu nhất, khi Pháp, Nga và Đức đi tới cùng quyết “cương” với Mỹ thì Washington cùng một số đồng minh thân tín nhất có thể vẫn sẽ đơn phương phát động cuộc tấn công vào Iraq, bất chấp Hiến chương LHQ. Nếu điều tồi tệ nhất này xảy ra thì nó sẽ mở ra một tiền lệ hết sức nguy hiểm, phá vỡ mọi trật tự trên thế giới cùng những chuẩn mực của luật pháp quốc tế.
Vì thế, giải pháp hòa bình cho vấn đề Iraq dường như đã bị đẩy tới mấp mé bờ vực sâu thẳm của chiến tranh.
Bình luận (0)