xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đau đáu Tây Nguyên

VĂN CÔNG HÙNG

Tôi vừa đọc trên Facebook của một bạn yêu Tây Nguyên những câu day dứt: “Đã có rất nhiều Tây Nguyên trong một Tây Nguyên. Tây Nguyên nhà lầu xe hơi. Tây Nguyên cà phê, cao su, tiêu, điều. Nhưng cũng có Tây Nguyên “đôi mắt Pleiku” thất thần, vô hồn...”

1. Cách đây chừng 20 năm, tôi đi cùng Chủ tịch UBND huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai - chị Rơ Lan Hơ Bình - lên các xã biên giới Campuchia. Khi về, chiều chạng vạng, xe cứ rẽ, cứ vạt lau lách mà bò.

Chiếc Uoat chất đến 15 người. Ngồi trên ghế trước cùng chị Bình, tôi chợt thấy một cái cổ vằn vện nhô lên sát đường, ngay cạnh chiếc ô tô. Tài xế cũng nhìn thấy, anh thắng kít lại. Chúng tôi bàng hoàng nhìn một con hổ rất lớn lững thững và yểu điệu trườn qua đường, dáng đi thật đẹp và mềm mại.

Con hổ ngoảnh về phía chúng tôi, bóng tối loang trên đường càng làm bật lên bộ lông màu vàng, đen, trắng xen kẽ. Tài xế rút xoạt khẩu AK. Chị Bình gạt đi: “Kệ nó”. Hồi ấy, nếu bắn được hổ có khi cũng hòa cả làng, chưa như bây giờ…

Ấn tượng của tôi với Chư Prông là từ con hổ lững thững an nhiên cuối chiều ấy.
img
Nhiều nơi ở Tây Nguyên, “nhà dài bị chặt khúc, tiếng cồng chiêng chỉ còn là tiếng nấc cụt”…

2. Giờ thì rừng đã hết, lau lách cũng chả còn, chỉ trơ ra đất đỏ nhão nhoẹt trong mưa hoặc bụi mù trong nắng. Mười mấy năm, nhiều thứ thay đổi cả hình lẫn vóc. Cái khác nhất là giờ đi lại nhanh hơn. Trước, vào các xã Ia Lâu, Ia Mơ mất cả ngày đường, mang theo cơm đùm cơm nắm, tối phải ngủ lại. Hồi ấy, nhờ một lần ngủ lại mà tôi được ăn bữa cá suối đã đời. Cá luộc chấm muối ớt với sả rừng, ăn thay cơm. Xong, chúng tôi chiếu phim phục vụ đồng bào gần như cả đêm rồi sáng sớm lên đồn biên phòng ngủ.

Tôi vừa đọc trên Facebook của một bạn yêu Tây Nguyên những câu đau đáu: “Tây Nguyên xuất hiện nhiều đô thị trẻ nhưng rừng già thì đã mất. Kơ nia trở thành cây cảnh, chỉ thấy thấp thoáng đâu đó trong sân các cơ quan nhà nước. Nhạc cụ tre trúc mất nơi neo đậu. Nhà dài bị chặt khúc, tiếng cồng chiêng chỉ còn là tiếng nấc cụt. Đã có rất nhiều Tây Nguyên trong một Tây Nguyên. Tây Nguyên nhà lầu xe hơi. Tây Nguyên cà phê, cao su, tiêu, điều. Nhưng cũng có Tây Nguyên “đôi mắt Pleiku” thất thần, vô hồn. Tây Nguyên “H’Ren” không còn rẫy để lên, nheo nhóc đàn con trứng gà, trứng vịt. Tây Nguyên Đam San không còn đóng khố, không còn voi để cưỡi, cũng không uống rượu ghè. Đam San mặc đồ Tây, cưỡi xe máy, uống bia “ken”, hết “xiền” thì đi làm thuê. Tây Nguyên thở dài. Tiếng thở dài như một tiếng chiêng ngân”…

Là tâm trạng cá nhân, có thể còn điều gì đó hơi quá nhưng toàn cục, đó là một ta thán đúng. Chúng ta đang đứng trước những lựa chọn sinh tử, giữa bảo tồn và phát triển, giữa văn hóa và văn minh, giữa hôm nay và ngày mai, giữa ăn ngay và để dành, giữa thói tham lam trục lợi và những ứng xử nhân văn dài lâu, giữa việc lợi dụng và sự hết lòng vì cộng đồng, cố níu giữ những gì tốt đẹp, vững bền cho hậu thế.


3. Năm nay, những ngày gần 27-7 trời đột ngột mưa. Chư Prông mà mưa thì khiếp lắm! Đất đỏ nhão nhoẹt và trơn như đổ mỡ. Chúng tôi về huyện đúng một ngày mưa như thế. Thị trấn vẫn vậy, có chăng là thêm chiếc đèn đường không sử dụng ở một ngã tư. Vào thăm 5 gia đình thương binh, liệt sĩ, chúng tôi đều cám cảnh nhưng không biết cách gì chia sẻ.  Gần 40 năm sau chiến tranh, sự tàn phá của nó vẫn còn hiện diện.

Chúng tôi đến nhà một nữ thương binh người Thừa Thiên - Huế. Bà bị thương năm 1972 ở Hương Thủy, di chuyển qua rất nhiều trại thương binh rồi không hiểu sao lại dạt vào Chư Prông, lấy chồng sinh con. Cháu nội của bà cũng bị ảnh hưởng chất độc da cam. Ba tuổi mà cháu bé tí, cổ cứ thẳng đơ và mặt thì chỉ nghiêng được về một phía, 2 chân khẳng khiu vênh vẹo, cứng đơ. Chúng tôi chỉ biết chép miệng và động viên với những lời rất sáo. Một túi quà, một chiếc phong bì chả thể làm gì và chẳng thể so với nỗi đau mà người thương binh, người bà, người mẹ này gánh chịu.

Nằm sát TP Pleiku, cái gì cũng nhỏ, cũng ít hơn nhưng có một thứ mà Chư Prông có thể “cạnh tranh” được với thủ phủ của Gia Lai - số thương binh, liệt sĩ. Nơi đây từng là chiến trường rất ác liệt với những Plei Me, Ia Đrăng, Bàu Cạn, làng Bạc... Chỉ riêng 2 địa danh Plei Me và Ia Đrăng, nếu chịu khó đọc thì thấy oai hùng đến mức nào.

Đầu năm 1960, Bộ trưởng Quốc phòng McNamara cho ra đời một sư đoàn mới trong quân đội Mỹ: Kỵ binh bay. Đây là sư đoàn cực kỳ thiện chiến với quân số khoảng 16.000 người được trang bị tận răng. Kỵ binh bay đã tham chiến ở trận Ia Đrăng - Plei Me.

Tôi đã đến nơi đánh nhau nổi tiếng này cách đây hơn 20 năm. Khi ấy, nó còn vài cái hầm, thi thoảng nhặt được mấy mảnh đạn. Năm 1994, khi tướng Moore sang thăm lại chiến trường xưa, tôi có dịp gặp ông. Theo vị cựu trung tá tiểu đoàn trưởng tham gia trận Ia Đrăng - Plei Me, trước đây họ thua vì quân Việt Nam quá mạnh và thung lũng ấy tuy bé tí nhưng quá khắc nghiệt…

Sau này, trong văn học - nghệ thuật có 2 sự kiện về trận Ia Đrăng - Plei Me: Tiểu thuyết Lính trận của nhà văn Trung Trung Đỉnh viết về trận này được giải thưởng Hội Nhà văn và bộ phim Chúng tôi từng là lính đã “khai tử” tên tuổi diễn viên Đơn Dương khi đóng nhân vật chính đã xuyên tạc người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam - điều mà ngay cả trong hồi ký, tướng Moore cũng không hề viết. Là người trực tiếp tham chiến và thua trận, ông viết rằng lính Mỹ công nhận quân Việt Nam là “những chiến binh khôn khéo” và “giỏi không chịu được”.

Trận Plei Me cực lớn nhưng không hiểu sao ít được nhắc, rất nhiều người Chư Prông cũng không biết…
img
Một nữ thương binh và cháu nội bị di chứng chất độc dioxin

 4. Tôi cứ chập chờn đứt nối về Chư Prông như thế trong một chiều cao nguyên mưa. Giờ tại Chư Prông có một doanh nghiệp khá lớn - Công ty Cao su Chư Prông. Các công ty, nông trường này đã tạo công ăn việc làm cho người dân tại chỗ, vừa tạo nên diện mạo mới cho những vùng nông thôn xa xôi. Đến Chư Prông bây giờ, vào công ty cao su lại thấy nhộn nhịp, sầm uất hơn thị trấn huyện cách đó 3 km.

Chỗ công ty cao su này ngày xưa là rừng, mà là rừng già. Người ta đang cãi nhau xem cao su có phải là rừng không. Trời ạ, cao su là cây công nghiệp, có thể tạo sự đổi đời trong vòng mấy mươi năm. Còn rừng, nó là sự kết tinh của đời sống dòng họ hàng ngàn năm, vạn năm, triệu năm. Rừng có đời sống, có văn hóa của nó - văn hóa rừng. Những người lấy rừng bầu bạn, làm lẽ sống đã sinh ra một thứ văn hóa rừng. Họ tồn tại an nhiên với rừng. Ngược lại, rừng tốt tươi sinh sôi hài hòa với con người, bảo vệ, nâng đỡ và cùng tôn nhau trong một đời sống tưởng hoang sơ nhưng đậm triết lý nhân văn và duy mỹ.

Cũng y hệt người Kinh với văn minh lúa nước, giờ đời sống có khá lên, đường sá mở ra, dân Jrai, Bahnar không đi hàng 1 tự tin trong rừng thì lại ngơ ngác đeo gùi đi giữa phố tấp nập người xe, váy áo thơm lừng. Sự hòa nhập với họ còn cần khá nhiều thời gian, cũng như họ đã cần hàng ngàn năm để hòa nhập, nương tựa vào rừng.

Mùa mưa này, cao su đang ướt lá. Tôi chợt nhớ mấy câu thơ mình viết năm nào:... Mù khơi mưa lá mưa sương/đất thở ấm/ cao su thao thức muốt/ gương mặt người hiển hiện mấy mươi niên/ Sự thánh thiện xuyên đêm/hoa ngái người xa ngôi sao độc ẩm/ ai bồi hồi phương trời khuya/Chư Prông/ tưởng đâu ngổn ngang chiến địa/hôm nay xanh nhòe đồi/cao su vút phía chân trời thấp lại/ em tinh khôi lấp ló mắt cười…

Vẫn biết, phía ấy có những đôi mắt cười và những đôi mắt đau…

Anh hùng mà bình dị

Năm 1983, tôi cùng vài nhà văn ở NXB Phụ nữ về làng Bạc ở Chư Prông, gặp một người là nguyên mẫu cho nhà văn Vũ Thị Hồng viết ghi chép dài 15 trang và nhà thơ Nguyễn Thị Hồng sáng tác bài Bình dị được giải thưởng Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Sau này, tôi còn cùng đạo diễn Đoàn Huy Giao đến làm phim về chị. Nhân vật ấy là chị Hơ Noanh.

Là trung đội trưởng trung đội du kích làng Bạc, Hơ Noanh đã chỉ huy trung đội đánh nhau rất giỏi để giữ làng, đến nỗi đối phương nghe đến đến tên chị là khiếp đảm. Rồi chồng Hơ Noanh, một chiến sĩ của trung đội, hy sinh khi chị mới 19 tuổi và có một con gái. Theo phong tục, chị lại “nối dây” với em chồng, cũng là du kích làng Bạc. Một thời gian sau, anh này cũng mất, chị tiếp tục nuôi con, công tác và nuôi mẹ chồng.

Đất nước thống nhất, Hơ Noanh nhường hết tiêu chuẩn liệt sĩ cho mẹ chồng, còn mình làm rẫy nuôi con và tham gia công tác ở xã. Chị sống giản dị đến kinh ngạc. Tôi từng vài lần thắc mắc tại sao Hơ Noanh không được phong anh hùng nhưng chị không quan tâm. Năm 1990, chị được thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhì và chế độ 110.000 đồng/tháng, được hỗ trợ 1 căn nhà, sau đó vào làm ở công ty cà phê…

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

img

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo