Tạo nguồn lực trong dân
Từ xác định dân chủ cơ sở là một chủ trương lớn, lâu dài của Đảng và Nhà nước, nhằm phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân để xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh, quận Gò Vấp đã bảo đảm liên thông, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở phường, cơ quan cũng như ở doanh nghiệp Nhà nước. Những việc công khai, thông tin cho dân biết, vấn đề dân bàn bạc, quyết định, dân giám sát kiểm tra, xây dựng thiết chế dân chủ ở cơ sở có chuyển biến tích cực, đã huy động được nguồn lực to lớn trong dân. Nhờ vậy, trong 5 năm qua, 8/12 phường đã đạt chỉ tiêu xi măng hóa, nhựa hóa. Đầu tư cơ sở hạ tầng cho khu dân cư theo phương châm Nhà nước nhân dân cùng làm, đạt 44,777 tỉ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 59% (26,456 tỉ đồng). Nhân dân tự bàn bạc, quyết định mức đóng góp, tự tổ chức thi công, kiểm tra giám sát việc sửa chữa, nâng cấp hơn 180 con hẻm nội bộ với tổng kinh phí gần 17 tỉ đồng; đóng góp 3,094 tỉ đồng xây dựng 51 nhà tình nghĩa, 262 nhà tình thương. Trong thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo, hạ tỉ lệ từ 7,6% xuống còn 0,59%. Riêng 9 tháng 2003, đã có 1.084/1.517 hộ thoát nghèo.
Đảng gần dân hơn
Đánh giá 5 năm thực hiện quy chế dân chủ trên địa bàn, bà Nguyễn Kim Thanh, Bí thư Quận ủy quận Gò Vấp, khẳng định: Quy chế dân chủ cơ sở thể hiện mối quan hệ giữa Đảng với dân. Thực hiện quy chế dân chủ, mối quan hệ này được củng cố; vai trò cấp ủy trong việc tham gia công tác xã hội được nâng cao; khơi dậy được tiềm năng to lớn của nhân dân,
Việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở đã tạo ra sức mạnh vật chất trong hệ thống quản lý Nhà nước. Thông qua những giải pháp thiết thực như: sửa đổi lề lối, giờ giấc làm việc, tổ chức, các bộ phận chức năng đã rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng, sửa chữa nhà từ 33 ngày còn 20 ngày, hợp thức hóa nhà sau 30 ngày nhận hồ sơ; cấp phép đăng ký kinh doanh từ 20 ngày còn 7 ngày, ứng dụng tin học trong giải quyết hồ sơ hộ tịch, công chứng hợp đồng, công chứng ủy quyền trong vòng 30 phút; tỉ lệ giải quyết hồ sơ hành chính đúng hạn thuộc thẩm quyền của phường đạt 98%, cấp quận đạt 96%.
Ban điều hành khu phố và giáo xứ cùng góp tay
Phường 15, quận Gò Vấp, nơi có 90% giáo dân, do đã thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết dân tộc, cũng là nơi các vị linh mục luôn rao giảng nhắc nhở, động viên giáo dân sống tốt đạo đẹp đời. Đặc biệt, hội đồng giáo xứ còn đóng vai trò nòng cốt cùng ban điều hành khu phố thực hiện việc nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng. Con đường liên tổ 23, dài hơn 700 m, chiều ngang 7 m với kinh phí đầu tư trên 700 triệu đồng là một hình ảnh đẹp của mối quan hệ này. Ông Nguyễn Ngọc Thịnh, Chủ tịch UBND phường 15, kể: Thoạt đầu là cuộc bàn bạc thống nhất giữa ban điều hành khu phố với hội đồng giáo xứ. Sau đó, hai bên cùng đo đạc, khảo sát, tính toán kinh phí, quy số tiền đóng góp cho từng hộ dân; tổ chức đấu thầu và thành lập ban giám sát công trình. Kế đó, đại diện hội đồng giáo xứ cùng ban điều hành khu phố đi thu tiền, nộp kho bạc, đôn đốc hộ dân giải tỏa mặt bằng. Nhắc đến phong trào xây dựng khu dân cư sạch đẹp, văn hóa ở phường 15, ai cũng nhớ đến linh mục Trần Văn Đức và ông Trần Văn Đoát, Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Đó là hai tấm gương tận tụy, coi công tác xã hội như việc của giáo xứ.
Ở phường 4, Gò Vấp, từ mô hình điểm của quận về cải cách thủ tục hành chính năm 2002, cơ quan chức năng đã cấp giấy chứng nhận nhà đất đạt trên 90% hộ dân. Bà Tào Thị Minh, Bí thư Đảng ủy, cho biết: “Cán bộ, đảng viên luôn gần dân, nâng cao chất lượng phục vụ dân, khiến dân tin tưởng thể hiện trách nhiệm của mình trong xây dựng khu phố văn hóa. Năm 2003, “một mình” bà con ở hẻm 198-222 đường Nguyễn Thái Sơn đã đóng góp trên 350 triệu đồng, quản lý việc đo đạc, tổ chức đấu thầu, kiểm tra giám sát “hẳn” một con hẻm lớn dài 700 m, rộng từ 5 m đến 6 m”.
Quy chế dân chủ cơ sở ngày càng đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng Đảng ở quận Gò Vấp, TPHCM.
Bình luận (0)