Cô cho chúng tôi biết: Cực chẳng đã mới xin vào đây làm việc. Lương công nhật 10.000 đồng/ngày, còn hơn thất nghiệp nằm nhà.
Mưu sinh đắp đổi qua ngày
Ở một quán cơm tại xã Tân Tạo, huyện Bình Chánh, TPHCM, chị P.T.T.T. đang tất tả bưng cơm cho khách. Mỗi ngày, T. được chủ bao cơm 2 bữa, trả lương mỗi tháng 300.000 đồng. Đây là hai trong số 150 CN của Công ty TNHH Dệt Quang Minh (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TPHCM) bị mất việc từ hơn hai tháng qua. Từ giữa tháng 6-2002, do hàng hóa không tiêu thụ được, công ty thông báo đóng cửa phân xưởng dệt trong 6 tháng, khiến gần 150 CN bị mất việc. Nhiều CN nói lúc đầu họ vẫn kiên nhẫn chờ việc, nhưng thấy tình hình không được cải thiện, lại không có lương chờ việc, nên phải tự cứu lấy mình. So với nam, nữ CN khó kiếm việc làm hơn do giữa năm, nhu cầu tuyển lao động của các DN không nhiều. Lâm vào tình cảnh khó khăn tương tự là CN Công ty TNHH Quang Lợi (quận 12, TPHCM). Đầu tháng 6-2002, công ty tuyên bố đóng cửa do làm ăn thua lỗ, toàn bộ 207 CN bị mất việc. Một CN có tên V. K. M. cho biết hơn 2 tháng qua, nhờ người quen, anh xin được một chân phụ hồ tại Khu Công nghiệp Tân Bình, TPHCM. Công việc nặng nhọc, nhưng mỗi ngày chủ thầu công trình chỉ trả 25.000 đồng. “Trước mắt thì tạm đủ sống, nhưng công việc không ổn định, phải di chuyển liên tục”- M. tâm sự. Nhiều bạn bè của M. lớp bỏ về quê, lớp chạy vạy tìm việc chờ ngày lãnh trợ cấp. Một cán bộ LĐLĐ quận Bình Thạnh, TPHCM, cho biết: Do đơn hàng không ổn định, trong tháng 4-2002, trên 40 lao động tại Công ty TNHH Minh Nguyên (chuyên may túi xách) phải nghỉ chờ việc. Gần đây nhất là vào đầu tháng 7-2002, do thanh lý hợp đồng với phía đối tác, Công ty TNHH Thiên Hộ, quận Thủ Đức, TPHCM buộc phải đóng cửa XN I, khiến 150 CN bị mất việc. Theo thống kê của LĐLĐ TPHCM, từ đầu năm 2002 đến nay, đã có trên 15.277 CN nghỉ việc và 2.712 CN nghỉ chờ việc.
Bị nợ lương và không được trả lương chờ việc
Hầu hết các vụ tranh chấp lao động xảy ra trên địa bàn TPHCM trong thời gian gần đây phần lớn xuất phát từ các doanh nghiệp (DN) thiếu ổn định về đơn hàng, CN phải nghỉ chờ việc trong một thời gian dài, nhưng không được đảm bảo quyền lợi. Ở Công ty TNHH Minh Nguyên (quận Bình Thạnh, TPHCM), mặc dù CN nghỉ chờ việc từ tháng 4-2002, nhưng đến nay CN còn bị nợ lương tháng 1, 2 và 3-2002, tổng số tiền trên 96 triệu đồng. Khi CN khiếu nại đến các cơ quan chức năng, công ty chỉ tạm ứng từ 100.000 đến 150.000 đồng, sau đó dời điểm sản xuất sang nơi khác mà không thông báo cho CN rõ.
Nhiều DN cũng lợi dụng tình trạng này để cắt xén quyền lợi CN. Khi thông báo cho CN nghỉ việc, ban giám đốc Công ty TNHH Quang Minh khẳng định “không thể trả lương chờ việc do không đủ khả năng”. Khi CN phản ứng, công ty còn ra thông báo: CN nào chấp nhận được thì... đợi, còn không thì làm đơn xin nghỉ. Theo ông Đặng Văn Ẩn, cán bộ LĐLĐ huyện Bình Chánh, TPHCM, không có đơn hàng là lỗi của công ty, do đó công ty phải có trách nhiệm trả lương chờ việc cho CN. Ở Công ty TNHH Dệt Quang Lợi, sau khi ngưng sản xuất, công ty chỉ thanh toán cho mỗi CN 650.000 đồng gọi là tiền “giải quyết chế độ”. Tập thể CN đã phản ứng gay gắt, vì hầu hết đều có thâm niên làm việc tại công ty từ 2 năm trở lên. Riêng khoản tiền bồi thường vì vi phạm thời hạn báo trước, công ty lờ đi. Sau nhiều lần lãn công khiếu nại, nhờ các cơ quan chức năng can thiệp nhưng không có kết quả, tập thể CN quyết định khởi kiện ra tòa. Nghiêm trọng nhất là trường hợp Công ty TNHH Thiên Hộ. Dù công ty tuyên bố sẽ trả đủ các chế độ cho CN mất việc vào cuối tháng 6-2002, tập thể CN vẫn lo âu. Theo nguồn tin của Báo Người Lao Động, dù hàng tháng vẫn trừ 5% tiền lương của CN, nhưng đến nay công ty chỉ mới nộp BHXH đến hết năm 2000.
Giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm các sai phạm
Theo nhiều chuyên gia lao động tại TPHCM, DN gặp khó khăn có thể thông cảm được, nhưng việc từ chối thanh toán các chế độ cho người lao động (NLĐ) là hành vi vi phạm pháp luật lao động. Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM Mai Đức Chính cho rằng: Từ chối giải quyết hoặc chi trả không đủ là thiếu trách nhiệm với NLĐ. Trong thực tế, ở một số buổi hòa giải tranh chấp, DN thường ậm ờ hoặc hứa với các cơ quan chức năng cho “qua chuyện”, sau đó tìm cách trì hoãn. Việc thiếu giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý lao động cũng khiến DN “lờn thuốc”. Nhiều DN khi chuyển địa bàn hoạt động sang nơi khác lại tiếp tục vi phạm, trong khi chưa bị xử lý nghiêm.
Bình luận (0)