xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hàng xôn, hàng giảm giá vào mùa

Thanh Nhân

THỊ TRƯỜNG.- Năm nào cũng vậy, những ngày cận Tết là thời gian mua sắm nhộn nhịp. Quần áo, lại là quần áo xôn và giảm giá, trở thành một trong những trọng điểm thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng

Gần như là quy luật, thời gian gần Tết là lúc các doanh nghiệp, cửa hàng may mặc đua nhau giảm giá để thu hút khách hàng. Đây cũng là dịp để những người bán hàng lưu động, hàng xôn tranh thủ “làm ăn”.

"Xôn" và "giảm giá" không giống nhau

Những ngày này, nếu ai có thời gian và chịu khó đi dạo quanh các con đường chính như: Nguyễn Trãi, Cách Mạng Tháng Tám, Hai Bà Trưng, Cao Thắng, Lê Thánh Tôn... sẽ dễ dàng bắt gặp những dòng thông báo: giảm giá từ 10%-30%, giảm giá 10%-70%, sale off 50%, sale off 40%-60%... được treo ngay trước các cửa hàng, shop thời trang nổi tiếng. Những tên tuổi thời trang Việt Nam như Việt Tiến, Việt Thắng, Việt Thy, Blue, Wow, Sanding, Galimex giảm giá từ 10%- 40% một số mặt hàng. Shop thời trang thì “muôn màu muôn vẻ”, ai thích bán được nhiều hàng thì giảm giá nhiều, ai không muốn giảm cũng chẳng sao. Các mặt hàng giảm giá thường có “địa bàn” riêng, thường được đặt trong những thùng giấy cạc tông hoặc trên những kệ gỗ. Người mua có quyền lục tung từng đống quần áo kiểu như vậy để tìm cái mình ưng ý nhất mà không sợ phiền lòng người bán. Cô Thanh, chủ cửa hàng thời trang len (vừa là cửa hàng vừa là cơ sở sản xuất) trên đường Lê Thánh Tôn tâm sự: “Mùa lạnh năm nào cửa hàng cũng làm nhiều áo khoác, áo ấm len để bán rẻ cho bà con. Một năm có một lần, coi như mình làm việc tốt”. Không cần thùng kệ chi hết, cô chủ cho đổ đống áo giảm giá (giá từ 30.000 đồng – 50.000 đồng/cái), người mua mặc sức lựa chọn. Không riêng hàng quần áo, cả giày dép, túi xách, đặc biệt hàng nội y cũng vào mùa giảm giá.

Từ trước đến nay, rất nhiều người nhầm tưởng “giảm giá” và “sale off” là một. Trên thực tế, hai loại hàng này hoàn toàn khác nhau. Hàng giảm giá là hàng của công ty, chất lượng giống như hàng thường nhưng có thể đó là những sản phẩm vừa mới qua “mốt” nhưng vẫn phù hợp với thời trang hiện  hành. Hàng sale đa số là những sản phẩm tồn kho (đối với công ty) hoặc sản phẩm cũ, lỗi thời so với mô-đen hiện hành, hàng ít người mua (đối với cửa hàng, shop).

Chỉ cần 100.000 đồng là có "trọn bộ"

Ngoài những địa chỉ bán hàng xôn quen thuộc như trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trãi, Cao Thắng, Ngô Thời Nhiệm, Nguyễn Hữu Cảnh, trước công viên Lê Thị Riêng..., năm nay giới bình dân Sài Gòn còn có thêm hai địa điểm mua sắm hàng xôn lý tưởng: chợ hàng xôn Trần Điện và Kỳ Hòa. Nếu ở cửa hàng, hoạt động buôn bán đang nóng lên từng ngày thì trên những con đường kể trên, cảnh mua bán diễn ra không kém phần nhộn nhịp. “Chỉ cần 100.000 đồng, bạn có thể mua “trọn bộ” trang phục gồm quần áo, giày, vớ bảo đảm còn mới nguyên”, chị Thủy nhà ở quận 10 cho biết như vậy. Len lỏi vào các khu vực bán hàng xôn, quả thật lời chị nói không ngoa. Từ những thứ có thể “diện” trên người như quần áo, giày dép, nón, kính, kẹp tóc, đồ nội y đến những thứ nhỏ nhặt như cây kim, sợi chỉ, móc khóa, thú nhồi bông, gương lược... đều đủ cả, giá lại rẻ hơn giá chợ. Đi một vòng khoảng 300 gian hàng chung quanh chợ phiên Kỳ Hòa, dù mới hơn 5 giờ chiều nhưng người đi mua sắm, tham quan đã tấp nập. Điểm nổi bật của chợ phiên này so với các khu vực bán đồ xôn khác là có khu vực dành riêng cho hàng khuyến mãi, hàng giảm giá. “Rẻ đến mức không thể rẻ hơn được nữa” là câu nói thường xuyên nhưng không quá cường điệu của người bán hàng ở đây.

Mấy kinh nghiệm của người “sành hàng xôn”

Không ồn ào náo nhiệt như chợ đêm Kỳ Hòa nhưng phố mua sắm Trần Điện cũng thu hút nhiều người đi mua sắm. Dường như không còn chỗ để chen nhau nên trao đổi giữa người bán và người mua diễn ra rất nhanh chóng theo cách thuận mua vừa bán. Chị Miền bán nón cho biết: “Được cái người bán ở đây không nói thách nhiều, chỉ dăm ba ngàn cho khách trả giá. Chứ bán cho dân lao động như mình, nói thách cao quá tiền đâu họ mua”. Sẽ nhầm to khi nghĩ rằng vải vóc quần áo “rẻ bèo” như hiện nay thì hàng sida không có đất sống. Dọc theo con đường Nguyễn Đình Chiểu, nơi nổi tiếng bán đồ “đã qua sử dụng”, xe cộ đậu kín trước các cửa tiệm. Những người thích “ăn chắc mặc bền” thích ghé vào đây, chọn cho mình hàng hiệu hẳn hoi, giá lại rẻ: từ 20.000 đồng – 50.000 đồng/cái. Chị Loan bán hàng ở đây mạnh mẽ thuyết phục: “Áo sơ mi này còn mới, người ta mặc qua chừng hai ba nước. Mua áo này về mặc bảo đảm không sợ chạy chỉ hay rút vải!”.

Hàng xôn, hàng xổ hiện nay chủ yếu là hàng do các cơ sở sản xuất trong TP cung cấp và hàng Trung Quốc, mẫu mã đẹp, chất lượng tương đối tốt, giá bán khá đồng đều. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của những người “sành hàng xôn”, khi đi mua cần lưu ý một số điểm sau:

1. Không nên đi mua sắm quá trễ, tốt nhất là nên đi lúc xế chiều hoặc khoảng 5, 6 giờ chiều. Vì ban đêm, dưới ánh sáng của bóng đèn khó phát hiện những vết ố, lỗi đường may.

2. Đừng ngại bỏ thời gian chọn lựa, nếu tinh mắt bạn có thể chọn được những sản phẩm ưng ý. Ngược lại, nếu bị hoa mắt trước những núi quần áo mà không để ý kỹ, có nhiều khả năng bạn mua nhầm đồ cũ, đồ kém chất lượng. Trong đống quần áo mới có một vài cái sứt chỉ, đứt dây kéo (đồ cũ)... là chuyện bình thường.

3. Thăm dò giá cả trước khi đi mua sắm. Đừng ngại trả giá, nếu ngại thì nên quan sát xem người khác trả giá thế nào rồi mới mua để tránh bị mua quá giá.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo