Tại hội thi lần này, những người đoạt giải cao nhất là những người thợ còn rất trẻ: Bàn tay vàng Nguyễn Phú Bình mới 21 tuổi. Hai giải nhất là Trần Đình Anh Quân (Công ty Nhựa Đô Thành- Sở Công nghiệp TPHCM) và Đặng Kim Quốc (Công ty Duy Nhân) đều 23 tuổi. Hiện cả ba người vẫn phải vừa làm, vừa học. Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, Trưởng Ban Tổ chức hội thi, nhìn nhận: “Những người thợ trẻ đã có một bước đột phá ngoạn mục bởi thông lệ từ trước đến nay, danh hiệu Bàn tay vàng thường chỉ dành cho những người thợ có tuổi đời, tuổi nghề cao, dày dạn kinh nghiệm. Điều đó chứng tỏ TP có một lớp thợ trẻ năng động, nhạy bén, thông minh, cần cù; biết vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn”.
Dấu ấn khá đậm nét của hội thi lần này là lực lượng thí sinh trong khu vực ngoài quốc doanh chiếm đa số: Có đến 52/94 thí sinh của 37 doanh nghiệp ngoài quốc doanh dự thi. Không chỉ gởi thí sinh dự thi, nhiều giám đốc doanh nghiệp, chủ tịch CĐ các đơn vị đã có mặt bên cạnh các thí sinh suốt thời gian diễn ra hội thi trong ba ngày 23, 29 và 30-11. Những giải thưởng cao nhất đều thuộc về thí sinh khu vực này. Ông Trần Vĩnh Hòa, Giám đốc nhân sự Công ty Pou Yuen (100% vốn đầu tư của Đài Loan), cho biết: “Công ty cử hai công nhân dự thi đều đoạt giải ba”. Còn ông Đào Văn Trực, Giám đốc Công ty Duy Nhân, khẳng định sẽ khen thưởng xứng đáng và tạo điều kiện cho Bình và Quốc tiếp tục học tập, làm việc.
Đông nhưng chưa đủ, bất cập giữa thực hành và lý thuyết
Sau hai vòng thi lý thuyết và thực hành, ban tổ chức đã trao 9 giải chính thức và 4 giải khuyến khích cá nhân. Tám đơn vị tổ chức tốt hội thi ở cấp cơ sở đã được LĐLĐ TP tặng bằng khen. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Tổ chức, hội thi lần này chưa quy tụ đầy đủ những người thợ giỏi của ngành điện TP bởi còn nhiều đơn vị chưa tổ chức hội thi ở cơ sở để tuyển chọn những thí sinh giỏi nhất dự thi cấp TP; nhiều thí sinh không được chuẩn bị đầy đủ về tâm lý hoặc kiến thức nên đã bỏ cuộc. Hội thi cũng phản ánh một thực trạng khập khiễng, bất cập giữa thực hành và lý thuyết chưa khắc phục được. Đó là nhiều thí sinh giỏi tay nghề nhưng yếu lý thuyết, hoặc ngược lại. Có đến 55,95% bài thi lý thuyết và 77,02% bài thi thực hành chỉ đạt loại trung bình; chỉ có 12,16% đạt loại giỏi. Đáng tiếc trường hợp thí sinh Nguyễn Trọng Huân (LĐLĐ quận Phú Nhuận). Phần thi lý thuyết, anh đạt điểm gần tuyệt đối, nhưng điểm thực hành lại rất thấp. Ngược lại, thí sinh Lê Hồng Phong (LĐLĐ quận Bình Thạnh) đạt điểm lý thuyết thấp nhưng điểm thực hành lại rất cao. Một cán bộ ở Trung tâm Dạy nghề quận 5, TPHCM cho biết thêm, do thi thực hành trên công cụ lạ nên nhiều thí sinh bỡ ngỡ, mất nhiều thời gian để làm quen. Ở phần thi lắp ráp mạch điện, chỉ có 10/64 thí sinh hoàn tất bài thi, song cũng chỉ có 3 mạch hoàn chỉnh.
Đẩy mạnh phong trào luyện tay nghề, thi thợ giỏi
Ông Mai Đức Chính cho biết, qua hội thi, LĐLĐ TP sẽ có những giải pháp căn cơ để nâng cao tay nghề, kỹ năng cho đội ngũ công nhân các ngành công nghiệp trọng yếu. Trước mắt, LĐLĐ TP công nhận danh hiệu thợ giỏi cho 9 công nhân đạt giải cao nhất, đề nghị các đơn vị nâng bậc, nâng lương hoặc cử đi học bồi dưỡng nâng cao tay nghề. Về lâu dài, ông Dương Độc Lập, Phó Ban Dân vận Thành ủy TPHCM, lưu ý: “Những người thợ giỏi là tài sản quý báu của TP, của đất nước. Các cấp công đoàn cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào luyện tay nghề, thi thợ giỏi trong từng đơn vị để xây dựng một đội ngũ công nhân có học vấn, tay nghề cao, nhận thức chính trị vững vàng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa hiện đại hóa”.
Bình luận (0)