xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Năm 2003, nên chọn học ngành nào?

HƯỚNG NGHIỆP.- Ngày nay, chọn nghề không phải theo sở thích mà phải gắn với công ăn việc làm

"Xin các thầy hướng dẫn em chọn ngành thi trong năm 2003 để có nhiều cơ hội việc làm sau này. Hiện nay, chúng em rất bối rối! ”, đó là tâm sự của bạn Nguyễn Thùy Trang, học sinh lớp 12 Trường THPT Phú Nhuận, tại diễn đàn “Học sinh với nghề nghiệp” do NVH Thanh niên TPHCM tổ chức ngày 7-1 với 3 báo cáo viên là TS Lê Khắc Huy (Phó Chánh Văn phòng Bộ GD-ĐT), TS Hồ Thanh Phong (Trưởng Ban Đào tạo ĐH Quốc gia TPHCM), ông Trần Anh Tuấn (chuyên viên Sở LĐ-TB-XH TPHCM). Chọn thi vào ngành nào cũng là băn khoăn chung của nhiều học sinh trước mùa thi tuyển sinh ĐH 2003.

Nhất... kỹ thuật

Để trả lời câu hỏi này, ông Trần Anh Tuấn nêu dự báo: Từ năm 2003 đến 2005, mỗi năm nhu cầu thị trường lao động TP thu hút trên 200.000 lao động. Trong đó, cần 125.000 người có tay nghề chuyên môn, gồm 25.000 người có trình độ ĐH, 15.000 người có trình độ chuyên môn kỹ thuật và 85.000 người là công nhân kỹ thuật.

Ông Tuấn cũng nhấn mạnh: Nếu học sinh có ý định dự thi ĐH thì nên chọn những ngành nghề xã hội đang cần như: kỹ thuật, quản lý, tiếp thị, công nghệ thông tin. Dự báo, nhu cầu thu hút lao động có trình độ ĐH, CĐ, THCN chiếm tỉ trọng cao thuộc về các ngành công nghiệp khai thác, công nghiệp chế biến, xây dựng (20%), các ngành thương nghiệp, tài chính tín dụng, kinh doanh, tư vấn (30%). Nếu không có điều kiện học ĐH thì nên chọn học những nghề mà xã hội đang có nhu cầu. Dự báo, một số nghề có nhu cầu lao động khá lớn là: cơ khí, hóa chất, dệt, da, may (20%).

Chọn thầy hay thợ?

Bạn Phương Anh, học sinh Trường Kỹ thuật Kinh tế Vạn Tường, thắc mắc: “Xu hướng nhiều bạn trẻ hiện nay là thích học lên ĐH vì như vậy dễ kiếm việc làm, có đúng không?”. Ông Trần Anh Tuấn nhận xét: Nhu cầu lao động hiện nay cần thợ nhiều hơn cần thầy. Nhưng nếu làm thợ mà chuyên cần, giỏi giang thì có thể tiếp tục học liên thông lên CĐ, ĐH như thường. Còn nếu chọn học làm thầy mà học kém thì cũng phải tự lùi lại cho phù hợp. Năm vừa qua, đã có nhiều sinh viên không học nổi ĐH đã xin xuống học nghề để tìm việc làm.

Theo TS Hồ Thanh Phong thì khái niệm thầy và thợ chỉ tương đối. Quan trọng là phải học cho chuyên một nghề. Chẳng hạn nghề thư ký hiện nay cũng là một nghề mà ở Trường CĐ Hoa Sen hàng năm đào tạo không cung ứng đủ nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp gởi đến. Cái mốc tháng 1-2003 là quan trọng không chỉ đối với doanh nghiệp bước vào AFTA mà còn quan trọng với nhiều lĩnh vực khác nữa, trong đó có giáo dục. Điều này đòi hỏi chúng ta phải vận động để thích nghi. TS Hồ Thanh Phong đưa ra lời khuyên: Hãy tìm một ngành nghề phù hợp cho mình hơn là cứ băn khoăn giữa thầy và thợ.

Tìm hiểu kỹ ngành muốn chọn

Ngoài yếu tố chọn nghề theo nhu cầu xã hội thì yếu tố quan trọng khác là phù hợp bản thân. Tuy nhiên, nhiều học sinh vẫn còn vướng điều này. TS Hồ Thanh Phong cho rằng: Hiện nay, nhiều học sinh chọn nghề còn bị ảnh hưởng của bạn bè, phong trào, gia đình... nên không phù hợp với năng lực cá nhân. Thậm chí với hàng trăm ngành nghề, trong đó có nhiều ngành nghề mới như kỹ thuật hệ thống công nghiệp, Đông phương học... nhiều học sinh cũng còn rất mơ hồ không biết ngành đó là ngành gì. Do đó, quan trọng là phải tìm hiểu trước về ngành mà mình có ý định dự thi. Ban Đào tạo ĐH Quốc gia TPHCM sẵn sàng giải đáp các thắc mắc của học sinh về ngành nghề hoặc giới thiệu đến các trường thành viên để các học sinh tìm hiểu cặn kẽ trước khi dự thi.

NHÓM PV GIÁO DỤC


4 tố chất cần có khi học ngành công nghệ thông tin

Một số sinh viên ngành công nghệ thông tin đang học hay đã ra trường đến phòng trắc nghiệm hướng nghiệp để tìm hiểu năng lực cá nhân. Kết quả trắc nghiệm cho thấy phần lớn các em đã chọn nghề chưa phù hợp với năng lực và tính cách của mình.

Tại TPHCM có 34 trường ĐH, CĐ, THCN với 38 khoa đào tạo công nghệ thông tin với 10 tên gọi khác nhau như tin học, tin học quản lý, đồ họa vi tính, điện tử tin học... Đây là cơ hội nhưng cũng là thử thách rất lớn cho học sinh khi lựa chọn ngành học cho phù hợp với năng lực. Thi đậu vào ngành này đã khó, theo học được để ra trường có việc làm đúng chuyên môn lại càng khó hơn. Các số liệu thống kê của ĐH Cần Thơ cũng như nhiều ĐH lớn khác cho thấy phần lớn những sinh viên phải bỏ học hay bị đuổi học vì lý do kết quả học tập đều tập trung ở những khoa như công nghệ thông tin, điện tử. Ngành công nghệ thông tin đòi hỏi rất cao về năng lực. Thứ nhất, người học phải có độ bền vững chú ý cao khi lao động trí óc. Thứ hai là khả năng tư duy logic tốt, khả năng này cũng tương thích với khả năng toán học. Thứ ba là trí nhớ tốt. Thứ tư, phải có óc sáng tạo và tưởng tượng phong phú.

Do đó, nếu lỡ chọn không phù hợp thì cần tìm giải pháp khắc phục: Trước hết xem xét lại phương pháp, thời gian học tập đã đáp ứng với yêu cầu môn học hay chưa, đối chiếu với các sinh viên khá, giỏi trong lớp để phấn đấu. Với những sinh viên sắp ra trường thì nên chọn cho mình một chuyên ngành hẹp phù hợp với năng lực, sở thích. Với những sinh viên quá yếu thì nên chuyển bậc đào tạo cho phù hợp hoặc chuyển sang một ngành khoa học kỹ thuật khác có sử dụng trực tiếp công nghệ thông tin.

NGUYỄN ĐĂNG LẬP (Trường Trung học Kỹ thuật và Nghiệp vụ Thủ Đức)

 5 lời khuyên khi chọn nghề

1. Chọn trường, chọn ngành học phù hợp trình độ văn hóa, sức khỏe, năng lực, sở trường của cá nhân.

2. Nếu có điều kiện nên chọn học những ngành nghề kỹ thuật vì xã hội đang cần.

3. Tốt nhất nên học những ngành nghề có thời gian đào tạo ít nhất 18 tháng.

4. Nếu chọn học ngành nghề với thời gian ngắn 3-6 tháng nên chọn những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng lớn.

5. Nên học thêm 1 ngoại ngữ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo