xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bí ẩn trong những ngôi mộ cổ ở Mũi Né

Theo Nguyễn Xuân Lý (Bình Thuận Online)

Mỗi ngôi mộ có một hình thù, kích thước khác nhau. Mộ thì có hình con rùa to lớn trên nắp mộ, mộ thì có hình con kỳ lân thay nấm mộ, mộ thì có hình con sư tử phủ phục trên mộ… Hàng trăm năm bị đất cát vùi lấp có chỗ cao gần 2m, do vậy phần nhìn thấy được chỉ là phần nổi trên cát rất nhỏ.

Ngày 15-9-2004 Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận có Quyết định số 4016/QĐ-CT.UBND, về việc thu hồi và cho Công ty TNHH Biển Vọng thuê đất để xây dựng khu du lịch Biển Vọng tại khu phố 13 phường Mũi Né.

Quá trình triển khai dự án để làm thủ tục giao đất đã phát hiện trong khu đất có 5 ngôi mộ cổ. Trong phạm vi khu mộ, mộ này cách mộ kia một khoảng từ 7 - 20m, đất cát phủ đầy mộ do thời gian, không còn nhìn thấy phần kiến trúc cụ thể từng ngôi mộ.
 
Các ngôi mộ cũng không còn nguyên hình dáng kiến trúc ban đầu, phần do thời gian, phần bị đập phá và có mộ bị đào trộm từ hai bên hông hoặc từ hướng chân vào. Có những vết xích và vết xước của máy ủi đã tác động lên mộ.
 
Theo lời kể của một số cụ già đã từng sinh sống gần khu vực này, khi lớn lên họ đã thấy khu mộ hoàn toàn bỏ hoang phế, không ai quản lý, không ai trông nom và thờ cúng. Chỉ có những người sống lân cận, vì thấy những ngôi mộ gần nhà, nên thỉnh thoảng cũng có nén nhang tưởng niệm những vong linh xưa.
 
img
Khai quật mộ cổ ở Mũi Né.
 
Để làm rõ nguồn gốc, lai lịch của khu mộ cổ trước khi khảo sát, khai quật và di dời 5 ngôi mộ cổ, những cứ liệu dù là nhỏ nhất đã được nghiên cứu, trước hết bằng việc tìm những chữ Hán trên mộ. Nhưng không thể, vì các chữ đã bị bào mòn qua năm tháng. Chứng tỏ những ngôi mộ cổ này ở đây rất lâu.
 
Một trong 5 ngôi mộ bị cây keo to lớn đã thành cổ thụ mọc ngay thân mộ. Sức mạnh của bộ rễ đã ăn sâu và hất tung một phần thể xây, làm biến dạng của ngôi mộ kiên cố.
 
Tìm hiểu nguồn gốc qua sự hiểu biết và truyền miệng trong nhân dân, một số người cho rằng: đó là mộ của người Tần trên 2.000 năm; có người cho là mộ Hời (người Chăm) và cũng có người cho rằng mộ của người Việt (Kinh)... Đó là những vấn đề không đơn giản, có nhiều rắc rối và phức tạp khi tìm hiểu chủ nhân của những ngôi mộ cổ và nguồn gốc tộc người ở khu vực này hơn 300 năm về trước.
 
Khi không thể tìm thêm nguồn thông tin nào khác thì công việc khai quật vẫn phải tiến hành để di dời đi nơi khác. Cả 5 ngôi mộ cổ lần lượt được khai quật dưới sự chứng kiến của hàng trăm người dân đến xem mỗi ngày do những lời bàn tán, đồn thổi.
 
Mỗi ngôi mộ có một hình thù, kích thước khác nhau. Mộ thì có hình con rùa to lớn trên nắp mộ, mộ thì có hình con kỳ lân thay nấm mộ, mộ thì có hình con sư tử phủ phục trên mộ… Hàng trăm năm bị đất cát vùi lấp có chỗ cao gần 2m, do vậy phần nhìn thấy được chỉ là phần nổi trên cát rất nhỏ.
 
Khi khai quật hàng chục mét khối đất cát vùi lấp bên trên, ngôi mộ dần hiện rõ mới thấy mỗi mộ là một công trình kiến trúc bề thế. Và chỉ có những tầng lớp hoàng gia, những người giàu có quyền sang vương giả… mới xây được những ngôi mộ kiên cố, kỳ công, to lớn như vậy.
Cả 5 ngôi mộ cổ đều được người xưa dùng hợp chất bao quanh ngôi mộ gồm các chất: vôi sống, vôi tôi, vỏ nghêu sò hay san hô nghiền vụn, cát, chất kết dính như đường, nhựa dây tơ hồng, ô dước, giấy gió, than hoạt tính… để đúc huyệt và bao kín toàn bộ bên ngoài, tạo nên bức tường thành kiên cố không thấm nước. Những khối hợp chất này rất đặc và chắc chắn, có độ dẻo lớn và dù đã lâu đời, dãi nắng dầm mưa nhưng độ cứng và bền không thua kém bê tông ngày nay. 
 
Ngôi mộ cổ lớn nhất có kích thước dài 12m, rộng 8m, sau khi bóc xong lớp cát bên trên trông như một ngôi nhà lớn của người đã khuất ở thế giới bên kia. Ngôi mộ có các bộ phận kiến trúc: trụ đuốc thiên, bình phong (bình phong tiền, bình phong hậu), bia mộ, sân tế, tường bao quanh nấm mộ… Tất cả đều được trang trí điêu khắc tỉ mỉ, được lấp kỹ và chôn chặt nhiều lớp đất.
 
Rút kinh nghiệm từ những nơi khác, đề phòng trước khi chôn, người xưa tẩm thuốc độc quanh huyệt đề phòng trộm cắp nên những người bốc mộ phải xử lý rất kỹ, dùng các mũi khoan dài để khoan nhiều mũi vào bên trong huyệt mộ cho thông hơi nhiều ngày mới khai quật để việc xử lý hài cốt bên trong đảm bảo vệ sinh và khoa học.
 
Do chôn ở đây đã quá lâu, khi khai quật cả 5 ngôi mộ cổ phía trong huyệt ngập đầy nước, nên thi thể những người quá cố bị phân hủy nhanh chóng theo thời gian. Không còn một bộ xương nào nguyên vẹn, phần lớn xương cốt bị mủn nát và tan trong đất.
 
Không thấy đồ tùy táng chôn theo người chết. Thông thường những ngôi mộ cổ to lớn và kiên cố như vậy phải có một số đồ tùy táng chôn theo. Cũng có thể đã bị bọn “mộ tặc” lấy hết trước lúc khai quật hàng chục năm. Các mộ đều có dấu tích đào bới, xáo trộn thậm chí bọn trộm còn đập nát phần bên hông huyệt mộ để tìm kiếm những thứ chúng cần tìm.
 
Tuy nhiên, dù không còn một bộ xương nào nguyên vẹn, không thấy đồ tùy táng chôn theo người chết và dù dòng chảy thời gian có thể làm nhiều thứ trên mặt đất đổi thay, nhưng những nắm xương tàn trong mộ sẽ kể lại bao câu chuyện trung thực cho những nhà nghiên cứu.
 
Trước hết, căn cứ hợp chất được dùng xây mộ và hình thù nấm mộ như hình kỳ lân, hình bán nguyệt, hình con rùa…cùng với các hạng mục khác, như trụ đuốc thiên, bình phong, sân tế, văn bia và những hoa văn hình bông sen vốn có trong truyền thống văn hoá của dân tộc, đều có trên mộ. Đây là nét kiến trúc mộ táng tiêu biểu của người Việt cùng với sự có mặt rải rác ở các tỉnh miền Trung của Việt Nam.
 
Căn cứ hình dáng, cấu trúc, chất liệu của khu mộ cổ Mũi Né với khu mộ cổ cùng thời ở tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh, nhóm bốc mộ xác định khu mộ trên ở thế kỷ XVIII. Qua khảo sát, nghiên cứu và khai quật cùng với việc so sánh, đối chiếu chủ nhân của những ngôi mộ cổ này là những người có chức quyền, vị thế trong xã hội hoặc những người đứng đầu dòng tộc giàu có mới đủ sức xây dựng những ngôi mộ bề thế, bền vững, quý phái như vậy.
 
Qua khảo sát, nghiên cứu và khai quật đã xác định được việc xây dựng những ngôi mộ hợp chất là nét kiến trúc mộ táng tiêu biểu và khá phổ biến của người Việt ở thế kỷ XVII, XVIII. Luận cứ này bác bỏ sự hiểu nhầm, thông tin không chính xác trong xã hội, nhất là nhân dân các xã, phường ven biển vì những thông tin và cách nhận thức từ xưa đến nay cho rằng đó là mộ Tần, mộ Hời, những cụm từ để ám chỉ những ngôi mộ trên là của người Chăm hoặc  người Trung Quốc xưa.
 
Dù không còn một bộ xương nào nguyên vẹn, nhưng nhóm bốc mộ cùng Công ty TNHH Biển Vọng vẫn phải đưa vào 5 tiểu sành để cải táng vào 5 phần mộ mới và khắc bia cho các cụ đặt tại nghĩa trang Thiện Nghiệp, thành phố Phan Thiết.
 
Vì công việc nên nhóm bốc mộ phải thực hiện, nhưng rất chạnh lòng mỗi lần đặt xuống mộ những nhát đục, cuốc vì cả một vấn đề tâm linh và đạo lý. Đây là những ngôi mộ cổ thuộc dạng quý hiếm về kiểu dáng và kiến trúc cũng như chất liệu tạo nên hợp chất xây mộ.
 
Bản thân những ngôi mộ cổ là những tác phẩm về kiến trúc nghệ thuật và là thành tựu của ông cha chúng ta thời mở nước.  Nên trước lúc quy hoạch lấy đất làm khu công nghiệp, khu du lịch hay bất cứ việc gì, xin những nhà quy hoạch hãy tĩnh tâm nhìn trước, ngó sau để khỏi thất lễ với tiền nhân.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo