Nhiều người dành tình cảm đặc biệt khi gọi đường Trường Sa là con đường “đẹp mê hồn”. Sự mê hồn đến ngưỡng nào còn tùy thuộc vào tình yêu và cảm nhận của người nhìn về con đường ấy. Nhưng có một điều không thể phủ nhận, Trường Sa mang ý nghĩa tinh thần gợi nhắc chủ quyền biển đảo; đồng thời là tuyến đường huyết mạch trong phát triển kinh tế, thương mại và du lịch thành phố Đà Nẵng.
Những khoảng xanh trên đường Trường Sa
1. Đà Nẵng có hai con đường rất đặc biệt, mà khi nhắc đến con đường này khó thể tách rời con đường còn lại. Hoàng Sa - Trường Sa là hai con đường độc lập, nhưng thường được gọi tên liền nhau như chính sự liền lạc khi ghép chung cùng đường Võ Nguyên Giáp tạo thành một đại lộ lồng lộng ở tuyến đường này.
Cả hai con đường được quyết định đặt tên vào cùng ngày 14-7-2010 trong phiên họp HĐND thành phố Đà Nẵng. Trước đây, đường Trường Sa có chiều dài 12 km, nối liền với Hoàng Sa, chạy dọc bờ biển tuyệt đẹp, ôm trọn cả phần phía đông nam thành phố rộng lớn, kéo dài từ bãi bắc bán đảo Sơn Trà đến giáp tỉnh Quảng Nam.
Từ năm 2013, đường Võ Nguyên Giáp được nằm giữa hai con đường này để tạo thành tuyến đường mang ý nghĩa bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đường Trường Sa vì thế được bắt đầu từ điểm nối đường Võ Nguyên Giáp đến địa phận dẫn vào Hội An-Quảng Nam.
2. Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến Trường Sa là con đường như dẫn chúng ta lạc vào không gian của nghệ thuật, hay nói cách khác, cả con đường như một khu triển lãm quyến rũ, khổng lồ.
Một góc tượng đá cẩm thạch và hoạt động sôi động của làng đá trên đường Trường Sa
Đường Trường Sa chạy qua làng đá Non Nước Ngũ Hành Sơn. Đó là lý do tại sao con đường này lại đậm chất nghệ thuật và lãng mạn đến vậy. Nếu một bên là cây xanh, đài phun nước và thảm cỏ mượt mà của các khu nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao HYATT, Vinpearl Luxury, thì một bên là những cơ sở điêu khắc của các nghệ nhân bậc thầy làng đá Non Nước. Đây có thể nói là công viên của những bức tượng làm từ đá cẩm thạch.
Từ cột mốc đầu tiên dẫn vào đường Trường Sa, người đi đường đã có thể nhìn thấy nhiều bức tượng đá vừa to lớn, uy nghi, vừa tỏa ra sự mềm mại từ đôi bàn tay thủ công của người thợ. Lần theo vài trăm mét nữa, tượng, tượng và tượng đá cứ thế ùa ra trước mắt, khiến bất kể ai cũng khó cưỡng lại sức hấp dẫn của nó để dừng chân chiêm ngưỡng.
Cơ sở điêu khắc đá Nguyễn Hùng 2 với diện tích 30.777 mét vuông đã như biến một phần đường Trường Sa thành công xưởng nghệ thuật có một không hai trên thế giới. Bức tượng Bồ tát Quán Thế Âm đứng giữa đóa sen khổng lồ dẫn lối du khách ghé vào cơ sở này, và cũng là điểm bắt đầu để lạc bước vào danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Không biết ngẫu nhiên hay hữu ý mà con đường ven biển dưới chân danh thắng Ngũ Hành Sơn lại mang tên Trường Sa. Từ đường Trường Sa, du khách rẽ vào danh thắng, băng qua những bậc tam cấp để lên Vọng hải đài là có thể ngắm toàn cảnh ven biển Đà Nẵng. Trong một tài liệu viết về di tích này có dẫn lời ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng như sau:
“Đặc trưng nhiều điểm núi ven biển Việt Nam có độ cao để có thể đặt các đài quan sát nhìn ra hướng biển. Tuy nhiên, chỉ Đà Nẵng mới có Vọng hải đài. Vua Minh Mạng khi đặt tên cho Ngũ Hành Sơn đã đặt ở đây “Vọng hải đài” (nhìn biển từ xa) và “Vọng giang đài” (nhìn sông từ xa) tại Thủy Sơn. “Vọng hải đài” không chỉ thể hiện tầm tư duy phòng thủ chiến lược, mà còn khẳng định ý thức giữ gìn an ninh, tâm thế bảo vệ chủ quyền biển suốt chiều dài lịch sử”.
3. Như vậy, từ tên đường, từ di tích đều hòa quyện trong một âm hưởng hướng về bờ cõi của tổ quốc thiêng liêng. Riêng đối với ngành du lịch Đà Nẵng, đường Trường Sa còn được xem như tuyến huyết mạch và là một “điểm đến đặc sắc”.
Từ đường Trường Sa, du khách có thể dễ dàng rẽ vào danh thắng Ngũ Hành Sơn
Con đường không chỉ là nơi đi qua, mà còn là nơi dừng chân để du khách trong và ngoài nước trải nghiệm, khám phá. Ông Cao Chí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ Hành Đà Nẵng chia sẻ: Đường Trường Sa là một điểm đến đặc sắc do hội đủ các yếu tố về cơ sở hạ tầng, cơ sở dịch vụ phục vụ du lịch và nguồn tài nguyên du lịch phong phú. Tài nguyên du lịch nổi bật nhất của Đà Nẵng là biển, đã được tạp chí Forbes xếp hạng là một trong 6 bãi biển đẹp nhất hành tinh.
Vì vậy, có thể xem Trường Sa là con đường của những bãi biển đẹp nhất. Bên cạnh đó, đường Trường Sa là huyết mạch nối hai trung tâm du lịch Đà Nẵng và Hội An, với nhiều tài nguyên du lịch như : Danh thắng Ngũ Hành Sơn, Chùa Quán Thế âm, sông Cổ cò... Ngoài ra, trên tuyến Trường Sa còn có nhiều resort 4-5 sao, sân golf, nhà hàng, điểm vui chơi giải trí... tạo nên một điểm đến sang trọng khi du khách đến với Đà Nẵng - Hội An.
Qua các hoạt động tổ chức cho khách tham quan các bãi biển, danh thắng, chụp ảnh, lưu trú, ăn uống, đánh golf, vui chơi giải trí trên tuyến đường Trường Sa, ông Dũng cho biết hầu hết du khách đánh giá cao về cơ sở hạ tầng, cơ sở dịch vụ, môi trường cảnh quan và ý thức phục vụ của cộng đồng dân cư.
Dù xem đường Trường Sa là “sản phẩm” du lịch quý giá của Đà Nẵng, song ông Dũng cũng nhận thấy còn nhiều tiềm năng trên tuyến đường này chưa được khai thác trọn vẹn.
Theo ông Dũng, nhìn chung, đường Trường Sa đẹp nhất ở cảnh quan du lịch với sự kết hợp rất độc đáo giữa thiên nhiên và giá trị văn hóa tâm linh. Tuy nhiên, để biến Trường Sa thành con đường du lịch, cần phải triển khai thêm hàng loại các biện pháp. Trong đó có việc thúc đẩy nhanh chóng các dự án trên đường, bao gồm các dự án khách sạn, khu nghỉ, khu mua sắm, khu vui chơi giải trí... Khuyến khích đầu tư vào các khu vực xung quanh resort, các dịch vụ còn thiếu trên tuyến này, nhanh chóng hình thành các tuyến chuyên đề như chợ đêm, tuyến đi bộ, vui chơi giải trí..., hình thành thêm các sản phẩm mới như: Tour du lịch trên sông, tour văn hóa tâm linh ở chùa Quán Thế âm, các hoạt động vui chơi giải trí trên biển...
Bình luận (0)