Không theo quy luật tự nhiên
Có hơn nửa thế kỷ gắn bó với xã đầu nguồn Phú Hữu (An Phú), lão nông Lương Văn Bét, ngụ ấp Phú Hiệp, chưa từng thấy mùa lũ nào kỳ lạ như năm nay. “Mới giữa tháng 7 âm lịch, nước đã ngấp nghé tràn đồng, cao hơn cùng kỳ năm 2013 gần cả thước. Ai cũng đoán năm nay nước lớn nên chuẩn bị nhiều loại ngư cụ để khai thác thủy sản. Tuy nhiên, bước sang đầu tháng 8 âm lịch, mực nước xuống hơn nửa thước so tháng 7.
Qua khỏi rằm tháng 8, nước bắt đầu nhích lên nhưng chỉ được vài ngày rồi chững lại. Mực nước đầu nguồn hiện nay chỉ còn cao hơn năm trước chưa tới một tấc. Xưa nay, con nước đã lên thì lên luôn chứ đâu có chuyện đầu mùa lũ nước lớn, giữa mùa nước nhỏ như bây giờ. Mùa nước nổi càng lúc càng khó hiểu” – ông Bét lo lắng.
Diễn biến lũ năm nay rất phức tạp.
Thống kê lại mực nước do Trung tâm Khí tượng thủy văn An Giang cung cấp, mới thấy nỗi lo của lão nông này là có cơ sở. Ngày 13-8 (18-7 âm lịch), mực nước thực đo trên sông Tiền tại Tân Châu đạt 3,96m (cao hơn 1,07m so cùng kỳ năm 2013), cách báo động (BĐ) II chỉ 4cm; trên sông Hậu tại Châu Đốc là 3,16m (vượt BĐ I là 0,16m), tại Long Xuyên 2,4m (vượt 0,2m so BĐ II); trên kênh Vĩnh Tế tại Xuân Tô đạt 2,74m (cao hơn 1,31m so cùng kỳ)… Tuy nhiên, đến ngày 28-8 (4-8 âm lịch), mực nước tại Tân Châu xuống còn 3,09m, Châu Đốc 2,73m, Long Xuyên 1,97m, còn Xuân Tô vẫn giữ mức 2,73m.
Dự báo ngày 18-9 (25-8 âm lịch), mực nước tại Tân Châu ở mức 3,17m, Châu Đốc 2,74m, Xuân Tô 2,71m. Riêng tại Long Xuyên, mực nước đã đạt đỉnh ở mức 2,25m vào ngày 11-9 và đang xuống dần.
Nhìn chung, thời điểm này, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long ít biến đổi cũng là một dấu hiệu không bình thường. Trong khi đó, mực nước khu vực nội đồng Tứ giác Long Xuyên vẫn tiếp tục lên chậm, hầu hết các điểm đều cao hơn cùng kỳ.
Phụ thuộc vào những cơn bão
Ngay cả những người có chuyên môn về dự báo khí tượng thủy văn cũng “đau đầu” với diễn biến lũ năm nay. Ông Lưu Văn Ninh, Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn An Giang, nhìn nhận: “Thời tiết đang diễn biến rất phức tạp và rất khó dự báo chính xác. Nếu như mọi năm, thời điểm này đã có 7 – 8 cơn bão, áp thấp nhiệt đới tiến vào Biển Đông thì năm nay mới chỉ có 3 cơn bão, áp thấp nhiệt đới (kể cả cơn bão Kalmaegi đang tiến nhanh vào Biển Đông). Hiện tại, mực nước đầu nguồn sông Mekong vẫn còn thấp và biến đổi chậm nên mực nước sông Cửu Long cũng không cao”.
Trung tâm Khí tượng thủy văn An Giang dự báo, lũ đầu nguồn sông Cửu Long có thể đạt đỉnh vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 ở mức xấp xỉ BĐ III. Theo ông Lưu Văn Ninh, cơ sở để đơn vị đưa ra nhận định này do thời điểm cuối tháng 9 và đầu tháng 10 sẽ có thêm 2 đợt triều cường ảnh hưởng đến mực nước lũ.
Tuy nhiên, ông Ninh cũng cảnh báo, nếu sắp tới có nhiều cơn bão dồn dập sẽ gây mưa liên tục, tạo lượng nước lớn trên sông Mekong. Khi đó, áp lực nước đổ xuống hạ nguồn sẽ rất mạnh, khiến cường suất nước trên sông Cửu Long lên nhanh, diễn biến lũ sẽ rất nguy hiểm.
“Nếu trường hợp mưa lớn liên tục rơi vào thời điểm xảy ra triều cường thì nước lũ lên rất nhanh. Khả năng này cũng có thể xảy ra bởi từ nay đến cuối mùa mưa, dự báo sẽ có thêm nhiều cơn bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện” - Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn An Giang lưu ý.
Ông Lưu Văn Ninh cho biết, để các địa phương chủ động ứng phó với diễn biến lũ phức tạp, nhằm bảo vệ an toàn diện tích sản xuất vụ 3 và tài sản, tính mạng của người dân, trong suốt mùa lũ, Trung tâm Khí tượng thủy văn An Giang đều thực hiện gởi bản tin về mực nước, dự báo thời tiết hàng ngày đến Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão cấp tỉnh, cấp huyện và các xã, phường, thị trấn. Đồng thời, cung cấp thông tin cho các phương tiện truyền thông đại chúng kịp thời cảnh báo đến người dân.
Bình luận (0)