xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Làng không phong tục

Theo S.ANH - N.DƯƠNG (Quảng Nam Online)

Phong tục, cũng như cái cồng, cái chiêng, đang mất dần trong từng ngôi nhà của đồng bào Bhnoong ở làng Công Vang, xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn (Quảng Nam). Từ nhiều năm nay, người trong làng đã không sống cùng tập tục của ông bà.

Mai một nét làng
 
Già làng Bố Dơi chỉ cho chúng tôi khu đất chính quyền chọn để làm nhà làng truyền thống nhưng đã gần chục năm trôi qua, công trình vẫn chưa hề thấy động tĩnh gì. Những đứa trẻ Bhnoong lớn lên vẫn chưa biết không khí sinh hoạt cộng đồng đặc trưng theo truyền thống của dân tộc mình ra sao.
 
Nhà Bố Dơi, mái tôn kín bưng, thấp lè tè, liếp cửa chằng chống bốn bề. Ông nhìn qua vách phên, thở dài bảo: “Cái cồng, cái chiêng, cả cái nồi đồng gia truyền cũng đã bị trộm gần hết. Thời gian gần đây, không biết thông tin từ đâu mà bọn trộm vào làng lấy cắp gần hết những vật cổ của các gia đình. Ngay như cái chiêng mình đang giữ cũng có người trả giá đến 50 triệu, nhưng mình nhất quyết không bán, làng có còn được mấy cái đâu. Giờ nhà nào có cũng cất kỹ, không dám đưa ra”.

img

Những đứa trẻ làng Công Vang này chưa một lần được thấy buổi sinh hoạt truyền thống của làng.
 
Ghé nhà Nguyễn Công Tư, nhìn ông đang ngồi mài rựa buồn tựa người đi săn vừa hụt mất con mồi. Ông cho biết vụ vừa rồi rẫy lúa khô mất trắng, không thu hoạch được gì. Hỏi ông có khố - trang phục truyền thống của đồng bào Bhnoong không, ông lắc đầu.
 
Trên vách nhà ông Tư còn treo bộ nỏ phủ lớp bụi dày. “Mấy con thú trong rừng bị người nơi khác đến cài bẫy bắt đem đi hết. Nỏ và tên treo đó hơn mấy chục năm rồi”. Nói rồi ông vươn vai đứng dậy, lấy bộ nỏ ra sân. Ông lắp tên vào nỏ, kéo dây rồi giương lên. Ông nói cho chúng tôi đích ngắm, ánh mắt sắc sảo gióng theo hướng mũi tên hệt như có con mồi trước mặt... Phực... Mũi tên lao xoáy về phía trước cắm phập vào điểm ngắm đã định vị trong sự ngưỡng mộ của khách. Nét mặt ông giãn ra.
 
Chẳng biết bao năm rồi ông mới lại một lần giương nỏ lên như thế... “Không săn bắn nữa, để giữ con thú cho rừng là tốt. Nhưng không có lễ hội để trai làng thi thố tài nghệ bắn tên là điều đáng buồn” - ông Tư mang nỏ đi vào nhà và buông thõng câu nói.

img

Già làng Bố Dơi với chiếc chiêng hiếm hoi còn sót lại.
 
Kiến trúc, bố cục của những ngôi nhà trong làng Công Vang cũng đã có nhiều thay đổi so với trước rất nhiều. Những ngôi nhà với chân mái buông xuống gần sát đất, cửa ra vào có cấu trúc vòm như tổ vò đã bị thay thế bởi hàng loạt nhà lợp mái tôn, bốn bề phên vách kín bưng. Không có nhà làng truyền thống để sinh hoạt nên tính cộng đồng cũng bị phôi phai.
 
“Trước đây, cứ mỗi dịp lễ tết là trai làng lại tụ tập uống rượu, cùng phụ nữ trong bản nhảy múa quanh bếp lửa, khuya lại quây quần bên nhau để cùng nghe già làng kể về truyền thống của làng, về những huyền thoại rừng núi, hay về những kinh nghiệm săn bắn được đúc kết bấy lâu nay… Giờ thì hết rồi, cứ thế này chắc chẳng còn ai có thể nhận ra đây là ngôi làng của người Bhnoong nữa. Mấy đứa nhỏ lớn lên mà không biết rằng dân tộc mình đã từng có những nét đẹp trong phong tục như thế” - già Dơi nói với chúng tôi mà như đang nói với chính mình.
 
Những người như Bố Dơi, Nguyễn Công Tư vẫn gọi tên làng là Công Vang, như sự mong mỏi rằng tiếng cồng, tiếng chiêng sẽ lại vang vọng trong làng như ý nghĩa cái tên vốn có.
 
Làng nghèo
 
Làng có 63 hộ thì đã có 60 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo và 1 hộ khá, chính là hộ nữ Chủ tịch UBND xã Phước Hiệp - Nguyễn Thị Bích Xinh. Nói là hộ khá nhưng cũng chẳng hơn các hộ cận nghèo. Hằng ngày, chồng đi rẫy, vợ trồng thêm lúa, rau sau những giờ ở xã nên gia đình có cái ăn, cái để hơn các hộ khác. Người Bhnoong ở đây đa số trồng lúa rẫy, mỗi năm chỉ làm một vụ, trong khi đó diện tích canh tác chẳng có bao nhiêu.
 
"Người dân ở đây chủ yếu chỉ trồng cây sắn, cây bắp thôi chứ lúa thì không được bao nhiêu. Cả làng chỉ non gần 1ha dùng để trồng lúa, nhưng chuột, sâu bệnh và đất quá cằn cỗi nên bao giờ cũng mất mùa. Thiếu đất canh tác, điều kiện lại khắc nghiệt, thêm vào đó trình độ dân trí thấp nên khó có thể cải thiện tình hình kinh tế gia đình. Chính vì vậy, người dân ở đây bao năm nay vẫn không thể thoát nghèo” - bà Xinh cho biết.

img

Ông Nguyễn Công Tư biểu diễn kỹ thuật bắn nỏ.
 
Kể từ ngày có rừng keo ở phía bên kia sông, dân làng xin đi làm thêm, đàn ông thì chặt cây, vận chuyển keo ra chỗ tập kết, phụ nữ thì bóc vỏ keo  nên cuộc sống phần nào được cải thiện. Nhưng công việc đó chẳng thể ổn định, bởi thu hoạch keo thì theo mùa và theo thời vụ. Sau mùa vụ họ lại quay về với nương rẫy khô cằn, với cái nghèo đang vây quấn lấy cuộc sống. Cũng vì lẽ đó, những đứa con của làng lớn lên chẳng mấy người tha thiết bám làng mà tản mác đi khắp nơi. Con trai thì vào các mỏ vàng làm phu, con gái lớn lên lấy chồng ở xứ khác. Người gắn bó với làng nhiều nhất cũng đã gần 90 tuổi nên những tập tục của làng lúc nhớ lúc không.
 
Bên bếp lửa oi nồng, những đứa trẻ xúm quanh bà Nguyễn Thị Lai đợi mẻ khoai môn sắp chín. Đã từ lâu, nhà bà Lai không còn làm bánh kèn - một loại bánh truyền thống của làng - để các con đón tết.
 
“Trước kia, đến ngày lễ tết là phụ nữ trong làng bận rộn lắm. Nào gói bánh, nấu mâm cỗ, chuẩn bị váy áo cổ truyền để nhảy múa… nhưng giờ thì hết rồi” - bà Lai buồn bã cho biết. Nghèo về vật chất đã đành, văn hóa truyền thống của đồng bào Bhnoong làng Công Vang mai một dần. Sự mất mát về văn hóa và phong tục tập quán truyền thống cứ theo từng đời mà phôi phai…
 
Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Thế Thọ - Phó phòng VH-TT huyện Phước Sơn cho biết: “Đồng bào Bhnoong nói chung và ở làng Công Vang nói riêng vốn có nhiều phong tục tập quán đẹp, nhưng đến nay đang mai một dần. Vấn đề này xuất phát từ những yếu tố khách quan của chính bản thân họ. Cái nghèo về vật chất đã góp phần làm mai một đi nét đẹp của văn hóa”.
 
Cũng theo ông Thọ, hiện nay, huyện đang nỗ lực tuyên truyền để có thể giữ và khôi phục lại những nét đẹp văn hóa đó. Xã Phước Hiệp trong 2 năm trở lại đây đang cố gắng để thu thập lại những chiếc cồng chiêng bị mất, đã có đề nghị để xây dựng nhà sinh hoạt truyền thống cho làng. “Việc gìn giữ bản sắc của mỗi dân tộc là rất quan trọng, nhưng để làm được điều đó thì cần có sự phối hợp chặt chẽ từ cả hai phía” - ông Thọ nói thêm.
 
Chúng tôi rời Công Vang trong một buổi chiều trời chuyển cơn mưa dông. Bức tranh sáng tối, xám xịt lẫn lộn của bầu trời cũng như một câu hỏi vang lên trong lòng người đi: “Liệu người Bhnoong tại Phước Hiệp và những nơi khác trên địa bàn tỉnh có giữ lại được hồn cốt của dân tộc mình trong nhiều năm sau?”.
 
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo