Danh hài Trường Giang, một người Quảng Nam Ảnh: Báo Quảng Nam Online
Làng Hương Quế nay thuộc xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam được xem là làng tổ của cãi Quảng Nam. Làng thờ tam vị tiền hiền là Phạm Nhữ Tăng - cháu 5 đời của Phạm Ngũ Lão, từng là tổng chỉ huy quân đội của Lê Thánh Tông trong cuộc bình Chiêm năm 1471; Trần Văn Chơn - tổng chỉ huy thủy quân dưới thời Trần Quý Khoáng (Trùng Quang đế, 1409-1413) và Nguyễn Ngọc Thanh - con trai của Thượng tể Nguyễn Văn Lang. Nguyễn Văn Lang (1435-1511) là người đã từng giết Lê Uy Mục và đưa Tương Dực lên ngôi. Sau này, Tương Dực hoang dâm, độc đoán, ông đã dâng sớ “Bình trị” với 14 điều để cảnh tỉnh nhà vua và tham mưu cho nhà vua về nghệ thuật trị dân. 14 điều của bản sớ này hiện nay còn được treo ở nhà thờ tộc Nguyễn Văn ở làng Hương Quế. Nhà vua và nịnh thần không nghe, còn cho là ông vô lễ, dám lên mặt dạy vua. Từ đó, ông không chịu vào chầu, bỏ đất Bắc vào khai phá vùng Hương Ly và lấy em gái của Phạm Nhữ Tăng làm vợ. Với thành tích cãi vua cỡ đó, đời sau, nhiều người vẫn xem Nguyễn Văn Lang là “ông tổ” và Hương Quế là “làng tổ” của cãi Quảng Nam.
Vào mùa Xuân năm Mậu Thân 1908, dân Quảng Nam đã tổ chức một cuộc biểu tình “long trời lở đất”, được đánh giá là “Cuộc biểu tình vĩ đại đầu tiên trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nước ta” (theo Nguyễn Q. Thắng), “... là sự luyện tập, sự thao diễn thí nghiệm, tổng ước các năng lực, kiểm điểm các lực lượng nổi dậy của họ” (theo Ajalbert). Cuộc biểu tình năm Mậu Thân 1908 là: “Viên đá móng đầu tiên xây nền “dân quyền” trong thời “quân quyền”, đã làm cho “quân quyền còn vững chắc như hòn đá lớn... phải lung lay” (theo Huỳnh Thúc Kháng).
Cuộc biểu tình nổ ra đầu tiên ở làng Phiếm Ái (nay là xã Đại Cường, huyện Đại Lộc) vào ngày 11-3-1908. Cũng vào ngày này, dân kéo xuống vây Tòa sứ ở Hội An. Ngày 22-3, vây phủ Điện Bàn, bắt tri phủ Trần Văn Thống đi xin xâu với dân; ngày 30-3, trùm Thuyết dẫn dân vây phủ đường Tam Kỳ; ngày 26-3, hương Quần dẫn dân vây phủ đường Thăng Bình; ngày 7-4, dân Duy Xuyên vây bắt Trần Quát dìm sông; ngày 7-4, Ông Ích Đường dẫn dân Hòa Vang vây bắt Lãnh Điềm, đốt nhà cường hào ở Quá Giáng, đốt phá xe làm đường, xúi phu bãi công, rượt bọn đốc công làm đường, thu thuế chợ... Khắp cả tỉnh, nơi nào dân cũng cắt tóc ngắn, mặc áo quần rách rưới, cơm đùm cơm gói, hừng hực đi “cự sưu kháng thuế”, đòi “dân quyền”. Dư vang của cuộc biểu tình vẫn còn vọng mãi.
Chuyện kể, vào ngày 20-3-1908, đoàn biểu tình của nhân dân cả tỉnh kéo vào dinh Tổng đốc Hồ Đắc Trung ở La Qua (Điện Bàn) đưa yêu sách đòi giảm sưu thuế và yêu cầu viên tổng đốc can thiệp với nhà cầm quyền của Pháp đóng ở Tòa sứ tại Hội An không được đàn áp cuộc biểu tình thể hiện nguyện vọng chính đáng của người dân. Đoàn biểu tình đã cử một người đại diện để trình bày nguyện vọng với quan tổng đốc. Đây là nội dung của cuộc đối thoại được người cùng thời kể lại, đời sau truyền tụng thành một giai thoại lý thú:
Tổng đốc Hồ Đắc Trung: “Bọn bây muốn cái chi, sao dám làm huyên náo chốn công đường?”.
Đại diện dân: “Dân chúng tôi đi xin giảm thuế mấy hôm nay mà ông Sứ (công sứ Charles) không chịu trả lời lại còn sai lính đánh đập tàn nhẫn quá, nhờ quan lớn can thiệp giúp!”.
Tổng đốc Hồ Đắc Trung: “Thì bọn bây giải tán về nhà mắc chi bị đánh, còn thuế thì đợi nhà nước nghiên cứu sẽ liệu giảm cho”.
Dân chúng nhao nhao phản đối: “Tưởng quan lớn nói răng chớ nói như rứa thì dân chúng tôi đến đây làm chi?”.
Tổng đốc Hồ Đắc Trung (đe dọa): “Bọn bây làm loạn một tháng ni có được chi mô, bọn bây tưởng Tây họ để yên cho chúng bay làm loạn à?”.
Đại diện dân: “Chúng tôi chỉ đi xin xâu mà lại bảo là làm loạn à! Té ra quan lớn với Tây là một phe đi với nhau, lấy thế Tây để dọa dân. Quan lớn tưởng mình ăn lương của Tây sao. Không phải đâu, quan lớn đang ăn lương của dân chúng tôi, từ tiền thuế của dân chúng tôi đóng góp, lại không làm chi cho dân chúng tôi nhờ mà lại về hùa với Tây, toan làm hại dân. Dân Quảng Nam chúng tôi không cần những loại quan như thế. Về trớt đi cho rảnh!”.
Tổng đốc Hồ Đắc Trung tức giận nạt lớn: “Mi là đứa mô, tên chi, quê ở mô mà dám xấc láo trước mặt quan lớn?”.
Đại diện dân dõng dạc: “Tôi là học trò tên Nguyễn Duân người làng Hương Quế, huyện Quế Sơn, thay mặt cho dân biểu tình để nói chuyện với quan lớn”.
Tổng đốc Hồ Đắc Trung phải dịu giọng: “Anh là học trò thì có phải nộp thuế đâu mà đi xin. Là học trò thì phải biết lễ nghĩa, răng lại dám mắng tay đôi với quan tỉnh!”.
Nguyễn Duân cãi: “Tôi vì có học, biết lý sự, phải trái nên mới nói. Thấy việc đúng việc phải mà không nói không làm thì còn chi là kẻ có học. Còn thuế thì chỉ các quan như mấy ông mới không nộp, chứ ai cũng bị bắt phải nộp hết”.
Tổng đốc Hồ Đắc Trung giận, cứng họng không cãi được nên... chuồn mất!
Tổ tiên thì cãi với vua, con cháu thì cãi với tổng đốc. Cả làng, từ trước tới sau lúc nào cũng sẵn sàng cãi với bạo quyền. Và xét cho cùng cuộc biểu tình “cự sưu kháng thuế” vào mùa Xuân năm Mậu Thân 1908 của dân Quảng Nam cũng là một cuộc “cãi lớn”, cãi lại bạo quyền để đòi “dân quyền”. Hương Quế quả thật xứng đáng là làng cãi hàng đầu Quảng Nam và Nguyễn Duân đã góp phần xứng đáng vào truyền thống “hay cãi” và “cãi hay” của dân xứ Quảng.
Bình luận (0)