xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vân Quế đổi đời nhờ cáy

Theo Công Thành (Quảng Ninh Online)

Có một thời, thôn Vân Quế, xã Hưng Đạo (huyện Đông Triều-Quảng Ninh) là miền quê vắng lặng, yên bình. Thế mà bây giờ bỗng trở nên náo nhiệt, người ra kẻ vào tấp nập. Người ta tìm đến Vân Quế để thu mua cáy. Còn người dân Vân Quế, người đi bắt cáy, người lo xây nhà mới.

 Cũng nhờ thế mà ở Vân Quế bây giờ, thấp thoáng sau những hàng mít, xoài um tùm nhiều ngôi nhà mang dáng dấp biệt thự mọc lên. Bà bán nước chè đầu thôn hỷ hả bảo: “Những ngôi nhà to trong thôn là của các hộ dân làm nghề bắt cáy đấy!”.
img
Rọ cáy được chất lên thuyền xuôi dòng sông Cầm đến điểm bắt cáy.
 
Khi cáy thành đặc sản
 
Trước đây tôi cứ nghĩ, chỉ những người nghèo mới phải đi bắt cáy. Bởi các cụ có câu: “Ăn cơm với cáy thì ngáy pho pho…”. Con cáy vốn được coi là thứ hàng rẻ tiền, người ăn cơm với cáy chẳng phải đắn đo về kinh tế, tối cứ vô tư nằm ngủ mà ngáy. Bây giờ mọi cái đã đổi khác, người có thu nhập thấp chưa hẳn đã dám nghĩ đến bữa cơm cáy. Vì cáy ngày nay được coi là đặc sản, mùa hè mà có bát cơm chan riêu cáy thì ai cũng thích.
 
Đông Triều không chỉ nổi tiếng là vùng đất có rươi mà còn là vùng đất có nhiều cáy, giá cáy ở đây cũng không hề rẻ, từ 80-100.000 đồng/kg. Gặp ngày không được con nước, lượng cáy khan hiếm, giá bán có thể còn lên tới 150.000 đồng/kg. Thế nên, chuyện bây giờ ăn cơm với cáy chưa hẳn là đã được ngáy pho pho. Khi con cáy “lên ngôi”, người bắt cáy đã được đổi đời. Rất nhiều người đã tính chuyện làm giàu từ cáy, như thôn Vân Quế có tới 80% nhà cao tầng là của người làm nghề bắt cáy.
 
Thế nhưng nghề bắt cáy ở xã Hưng Đạo thời “người khôn, của hiếm” thật không dễ. Phần lớn ruộng bãi bồi được đấu thầu hết, chỉ những người may mắn có phần đất ruộng nằm dọc theo bãi sông Cầm mới có cơ hội làm nghề này. Con sông Cầm nặng phù sa mặn mòi của biển nên cấy trồng chỉ được những cây lúa còi cọc, hạt gầy, hạt lép. Thế nhưng hàng năm, lúa ở đây vẫn được người dân trồng để làm nơi trú ngụ cho cáy. Vùng đất nhiều cáy sinh sống ở sông Cầm cũng là nơi có con rươi - đặc sản của miền quê Đông Triều, món ẩm thực nổi tiếng rươi sông Cầm.
 
img
Chiều về người bắt cáy gánh trĩu bờ vai.
 
Bà cụ bán nước chè ở đầu thôn Vân Quế chỉ về phía bờ sông nhanh nhẩu bảo: “Anh đi mua cáy phải không, buổi chiều mới có, nhưng cứ đến sớm mà hẹn trước cho chắc. Anh cứ men theo con đường mòn, đến chỗ nhiều ngôi nhà to là khu của người làm nghề bắt cáy cả đấy. Cứ hỏi nhà ông “Lụy cáy”, vào đấy thì mua bao nhiêu cũng có”.
 
Ông Trần Văn Lụy - người nổi tiếng bắt cáy ở Vân Quế có thân hình nhỏ nhắn nhưng chắc nịch. Có người bảo ông “cưỡi cáy” đi lên, ông chỉ cười xoà. Mà quả thực, chẳng riêng gì ông cả làng Vân Quế này đầy người làm giầu từ con cáy. Ông vỗ vai thân thiện và mời chúng tôi: “Tôi đi bắt cáy từ 4 giờ sáng, anh có theo được thì đi. Khi ấy, nước còn cạn để đặt rọ cáy. Nếu đi muộn nước sông dâng cao chỉ ra đấy mà bơi”.
 
Trời tờ mờ sáng, ông Lụy  đã cùng vợ gánh những bó rọ dùng to như đống rạ để bắt cáy. Những chiếc rọ được xiên vào 2 đầu đòn gánh, tưởng nhẹ mà cũng làm trĩu vai ông trên con đường cỏ còn đẫm sương. Chúng tôi men theo bờ mương ra sông Cầm, bên bờ sông là những bụi cây điền thanh nom nhoà nhoà dưới ánh sáng mờ mờ buổi sớm. Ngoài đó, đang có gần chục chiếc thuyền, xếp đầy những đống rọ ngất ngưởng nom như những đống hoa chuối.
 
Ông Lụy khéo léo điều khiển chiếc thuyền nhỏ bơi ra giữa dòng sông. Mất gần nửa tiếng, chúng tôi mới đến được điểm đặt rọ cáy. Đây là khu bãi bồi với những cây lúa nghiêng ngả. Bà Liễu giải thích: “Trồng lúa để lấy chỗ cho cáy ở thôi, không hiểu sao con cáy sông Cầm rất thích sống dưới gốc rạ”.
 
Ông Lụy bước xuống thuyền, rồi xốc những chiếc rọ lên vai. Dáng ông chắc nịch là vậy mà bây giờ cũng liêu xiêu trên những khoảng bãi bồi vì bị bùn mút chân. Có lúc ông rút được chân lên thì người lại dúi về phía trước, tưởng như sắp ngã.
 
Theo kinh nghiệm của ông Lụy, những chiếc rọ dùng được đặt dưới gốc rạ - nơi có hang cáy. Mồi là vỏ ốc nhồi trộn với cám gạo. Khi nước triều lên ngập bãi sông, cáy chui ra khỏi hang, ngửi thấy mùi cám gạo sẽ chui vào rọ kiếm ăn và sẽ mắc bẫy. Đến chiều, người bắt cáy chỉ việc thu rọ đem về. Trong rọ dùng sẽ là những con cáy lưng xám béo mẫm.
 
Đổi đời từ cáy
 
Nói về nghề bắt cáy ở xã Hưng Đạo, những người có thâm niên vẫn bảo, nghề cáy có từ rất lâu rồi, đời ông truyền cho đời con, rồi đời cháu. Nhưng ngày xưa có ai giàu được từ cáy đâu. Người bắt cáy ở Hưng Đạo khi xưa cũng giống như thân con cáy, suốt ngày bàn chân ngập bùn lặn lội bờ sông. Loài cáy tương đối khó bắt, các cụ xưa vẫn bảo “nhát như cáy ngày”. Cứ hễ thấy động từ xa chúng đã chui tọt xuống lỗ.
 
Lỗ cáy được làm ở khu vực đất lẫn bùn khá cứng, theo chiều gần như thẳng đứng. Để bắt cáy, phương pháp truyền thống vẫn là câu cáy hoặc đi đào lỗ cáy. Nhọc nhằn cả ngày cũng chỉ được vài ba cân, có khi chỉ vài lạng.
 
Bà Liễu trước đây cũng làm nghề bắt cáy. Theo lời bà kể, làm việc quần quật mà cứ ráo mồ hôi là hết tiền. Tính chuyện đổi đời, năm 1998, vợ chồng bà đã vay mượn tiền đấu thầu hơn 3 ha bãi bồi ven sông Cầm để thuê tàu hút cát bãi để bán. Thế nhưng đã bị UBND xã Hưng Đạo “tuýt còi”. Chán nản không biết làm gì, thì có người ở TP Hải Dương ra tiếp thị bán rọ cáy, rồi dạy cho bà nghề bắt cáy bằng rọ. Thế là từ đấy cuộc đời bà cứ vậy mà phất lên. Giờ nhớ lại chuyện cũ bà bảo: “May mà các bác lãnh đạo xã biết nhìn xa trông rộng. Nếu như hồi ấy mà hút hết cát thì đâu còn nghề bắt cáy sông Cầm như bây giờ”.
 
img
Sản phẩm thu về sau một ngày mệt nhọc.
 
Gia đình bà Liễu là gia đình đầu tiên làm nghề bắt cáy bằng rọ ở xã Hưng Đạo, tính đến nay đã ngót 14 năm. Bây giờ trong xã cũng đã có hơn 70 hộ làm nghề này nhưng chỉ riêng thôn Vân Quế cũng đã có 40 hộ. Vào mùa cáy (từ tháng tư đến tháng bảy âm lịch), mỗi ngày vợ chồng bà Liễu bắt được từ 10-15kg cáy. Với giá cáy bán rao tại nhà là 50.000 đồng/kg, một ngày gia đình bà cũng có thể thu được nửa bạc triệu.
 
Để tạo môi trường sinh sống của cáy và cả con rươi, hàng năm bà Liễu chi khoảng 30 triệu đồng thuê người trồng lúa. Lúa trồng ven sông Cầm năng suất thấp, chỉ khoảng 4 tạ/ha vì đồng nhiễm mặn, lại không được chăm bón hay phun thuốc trừ sâu, vì làm như thế con rươi con cáy chết từ trong trứng. Lúa được bao nhiêu vợ chồng bà Liễu để người làm công gặt hái hết, bà chỉ cần đất thơm mùi rạ lúa, con cáy con rươi sẽ kéo đến.
 
Hết mùa cáy là đến mùa rươi. Rươi ở sông Cầm có lác đác quanh năm nhưng chính mùa là tháng 9, tháng 10 “Tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng năm” rươi đỏ au ngoài bãi…
 
Từng làn gió sông Cầm thổi về mát rượi, bà Liễu cười thật mãn nguyện. Vậy là từ “cưỡi con cáy” đi lên mà gần trăm hộ nông dân xã Hưng Đạo đã được đổi đời. Chúng tôi cũng như được vui lây niềm vui của họ - những nông dân “cưỡi cáy” làm giàu.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo