Quan hệ lao động thường “nóng” lên trong dịp cuối năm - thời điểm thường tập trung tăng ca, thỏa thuận tiền lương, thưởng... Trong tình hình đó, nhiều doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã có những kế hoạch bình ổn quan hệ sản xuất không những để triệt tiêu tranh chấp trong dịp cuối năm, mà còn chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất lâu dài.
Sớm công khai thưởng Tết
Ngay từ tháng 11-2003, công nhân (CN) Công ty Trường Vinh (quận 12-TPHCM) đề nghị ban giám đốc nhận thêm đơn hàng để làm tăng giờ trong dịp Tết, có thêm thu nhập. Bình quân thu nhập CN mỗi tháng đạt khoảng 1 triệu đồng/người, đến dịp Tết, tăng ca, CN thu nhập tăng từ 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng. CN Nguyễn Hồng Ngát, nói: “Tăng ca tuy mệt nhưng chỗ trọ ở sát công ty và được tính phụ trội đầy đủ nên tụi em cũng thấy vui”. Tâm trạng của CN càng thoải mái khi công ty thông báo chi trên 600 triệu đồng thưởng Tết cho CN. Bà Quách Kim Phượng, phó giám đốc công ty, cho biết ngoài việc lo tiền thưởng Tết cho công nhân, công ty còn tạo điều kiện để tất cả trên 500 CN được ở nhà trọ miễn phí. Tương tự, Công ty Toàn Mỹ Bình Dương (chuyên sản xuất hàng gia dụng bằng inox) đã công bố mức thưởng Tết năm 2003 trên 1 tỉ đồng. Ngoài ra, công ty chọn 10 cá nhân và tập thể lao động xuất sắc để thưởng từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng. Với mức thu nhập bình quân khoảng 2 triệu đồng/tháng, dịp Tết, CN Công ty Toàn Mỹ đã có thể lo được cái Tết tươm tất cho gia đình. Không những thế, công ty chi trả các chế độ cho NLĐ cao gấp 2 lần quy định của luật, vì theo công ty “CN xứng đáng được như thế”.
Qua vận động của Công đoàn (CĐ) Ban Quản lý các Khu Chế xuất – Khu Công nghiệp TPHCM, đến nay đã có 80% doanh nghiệp trong Khu Chế xuất Tân Thuận thông báo có thưởng Tết cho người lao động (NLĐ). Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho quan hệ lao động ở các doanh nghiệp đã gắn bó càng gắn bó hơn. Ba năm qua chưa xảy ra tranh chấp lao động tại Khu Chế xuất Tân Thuận.
Sòng phẳng giữa trách nhiệm và quyền lợi
Tại buổi tổng kết hoạt động CĐ quận Tân Bình – TPHCM năm 2003, nhiều doanh nghiệp ngạc nhiên khi biết được CN của Công ty Cơ khí Kềm Nghĩa có người thu nhập đến 10 triệu đồng/tháng. Với các doanh nghiệp khác, mức thu nhập này còn cao hơn cả cấp trưởng phòng. Về phía công ty thì đây là chuyện bình thường. Ông Bùi Văn Hải, Phó Giám đốc Công ty Kềm Nghĩa, cho biết: “Khả năng CN đến đâu thì lương phải trả tương xứng”. Với trên 1.000 CN, nhưng công ty vẫn bảo đảm việc và ổn định thu nhập bình quân 1,2 triệu đồng/người/tháng. Ngay khi chuyển từ cơ sở sản xuất thành công ty vào năm 2000, công ty cho thành lập CĐ cơ sở để cùng công ty chăm lo đời sống CN và ổn định sản xuất. Quan điểm của công ty rạch ròi: trách nhiệm phải đi đôi với quyền lợi. Còn tại Công ty TNHH Hiển Đạt, 3 năm qua không xảy ra tranh chấp lao động. Giải thích cho vấn đề này, ông Nguyễn Ngộ, chủ tịch CĐ công ty, cho rằng cả hai phía doanh nghiệp và NLĐ đều thực hiện tốt trách nhiệm của mình. CN thực hiện tốt công tác của mình, biết gắn bó và chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nghiệp trả lương tương xứng với công việc, lo nhà trọ và tạo được việc làm ổn định cho CN. Đến nay, công ty đã có đơn hàng sản xuất đến hết năm 2004. Giám đốc công ty trực tiếp chỉ đạo việc nâng cao chế độ chính sách cho CN: tổ chức học bổ túc văn hóa, hỗ trợ tiền cho CN gởi con vào nhà trẻ... Bài bản không kém, ngoài các chế độ như luật định, Công ty Pou Yen (huyện Bình Chánh –TPHCM) chi trên 2 tỉ đồng xây dựng khu vui chơi giải trí cho CN: ca nhạc, thi đấu thể thao hằng tuần, bố trí xe đưa rước CN làm việc...
Khi doanh nghiệp biết cầu thị
Đầu tháng 12-2003, trên 300 CN Công ty May thêu An Linh (Khu Công nghiệp Tân Bình - TPHCM) đình công vì bị giữ lương, không được ký HĐLĐ và nhân viên điều hành dọa đuổi việc. Đang ở nước ngoài, bà Nguyễn Thị Hường, giám đốc công ty, về ngay để giải quyết những kiến nghị của CN. Bà Hường cho biết, chủ trương của công ty là giữ lại một phần (20%) lương, trả vào dịp Tết để CN có thêm tích lũy về quê trên tinh thần tự nguyện. Ngoài ra, công ty thông báo, có thắc mắc trong quá trình sản xuất có thể trực tiếp đề nghị giám đốc giải quyết.
Trước đây vài năm, tại Công ty Liên doanh Vĩnh Hưng thường xảy ra tranh chấp lao động. Ban giám đốc công ty cùng CĐ xem xét, chấn chỉnh những sai sót trong quá trình điều hành sản xuất: công khai đơn giá sản phẩm, bình bầu thi đua, nâng cao phúc lợi tập thể, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ cho con CN, lập quỹ hỗ trợ CN khó khăn, các chế độ theo luật được thực hiện. Hằng năm công ty chi thưởng Tết cho CN với tổng số tiền khoảng 2 tỉ đồng. Ba năm qua, CĐ công ty luôn được nhận cờ thi đua xuất sắc của LĐLĐ TP. Bà Nguyễn Thị Phương Lan, Chủ tịch CĐ Công ty Vĩnh Hưng, nói: “Qua việc thực hiện các chính sách, phúc lợi, NLĐ và doanh nghiệp có sự tin cậy lẫn nhau, và điều đó làm quan hệ lao động ngày càng được cải thiện”.
Bình luận (0)