xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Không TPP, cũng chẳng sao!

THÁI PHƯƠNG

Còn rất nhiều hiệp định thương mại tự do khác mà doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm ngoài TPP để tận dụng cơ hội và hưởng lợi từ các ưu đãi

Đây cũng là nhận định được nhiều chuyên gia đưa ra tại hội thảo “Doanh nghiệp (DN) Việt Nam trước cục diện thị trường Mỹ và thế giới”, do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA) phối hợp cùng CLB Doanh nhân dẫn đầu (LBC) tổ chức tại TP HCM, vào ngày 10-12.

Cần điều chỉnh chính sách

Theo các chuyên gia, những thay đổi từ khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ tác động đến các nền kinh tế có mối quan hệ đối tác và ảnh hưởng mạnh mẽ từ Mỹ, trong đó có Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là những chính sách nào sẽ thay đổi trước hết và số phận của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ ra sao, nhất là sau khi ông Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi TPP?

Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh phân tích: Các chính sách của ông Trump được nhận định là rất khó dự báo nhưng không thể không dự báo. Khi ông Trump lên, sẽ có rất nhiều đổi mới nhưng không hẳn tất cả những tuyên bố trong quá trình tranh cử của ông ấy sẽ thành hiện thực. Dù vậy, chính sách bảo hộ là điều tân tổng thống Mỹ áp dụng và đang xem lại một số hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có TPP. Do đó, TPP có thể không được thông qua hoặc nếu được thì thời gian sẽ rất dài.

Dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng trong trường hợp TPP không được Quốc hội Mỹ thông qua, Việt Nam cần tìm một khuôn khổ pháp lý mới, nhất là với Mỹ, trong quan hệ thương mại, cộng với những giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa hiệu quả vào nước này. “Như Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ (BTA) đã có rồi, vấn đề là mở rộng ra sao để các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có lợi thế vào thị trường này” - ông Bùi Quang Vinh phân tích.


Cần có những giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ ngay khi không có TPP Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Cần có những giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ ngay khi không có TPP Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Tận dụng cơ hội từ các FTA

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng việc Tổng thống đắc cử Donald Trump “buông” TPP có thể là muốn Mỹ được lợi nhiều hơn trong hiệp định này. Việc lùi lại TPP không loại trừ ông Trump muốn đưa Mỹ bước vào cuộc đàm phán với vị thế cao hơn. Trong khi đó, ngoài TPP, nền kinh tế Việt Nam còn chịu tác động từ nhiều FTA khác. Điển hình như EU, Việt Nam cần duy trì mối quan hệ với các nước có thị trường lớn như Anh, dù sau khi nước này rời khỏi EU. Hoặc ngay cả trong khu vực với Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), chỉ sau 1 năm thành lập chính thức, nhập siêu của Việt Nam từ các nước trong khu vực rất cao. DN Việt cũng đang nhường “sân nhà” cho các DN ngoại, nhất là DN Thái Lan.

Ông Vũ Thành Tự Anh, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, nhận định giai đoạn năm 2017-2018 là thời điểm Việt Nam đón nhận những bước mới trong quá trình hội nhập. Theo ông Tự Anh, chưa bao giờ Việt Nam có những bước hội nhập rầm rộ, ồ ạt như giai đoạn qua. Nền kinh tế trong nước tăng trưởng được nhờ cải cách kinh tế và hội nhập. Nhưng hội nhập chỉ là cơ hội, còn tận dụng được cơ hội không thì là chuyện khác. Và khi đã hội nhập xong thì phải quay lại cải cách trong nước.

“Việt Nam đang ở vùng lõi trong mọi khu vực, với hàng loạt FTA nhưng việc quay lại để xây dựng, chuẩn bị năng lực của mình để hội nhập dường như chúng ta chưa chuẩn bị kỹ. Đây là nguy cơ đẩy chúng ta vào những khó khăn mà cánh cửa hội nhập sẽ mang tới thay vì là cơ hội” - ông Vũ Thành Tự Anh khuyến cáo.

Bài học từ Intel ở Việt Nam

Mới đây, nhóm nghiên cứu của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright có làm một nghiên cứu tổng kết quá trình 10 năm Intel vào Việt Nam với những con số đáng “giật mình”. Trong tổng xuất khẩu của Intel, DN Việt Nam chỉ chiếm 3% gồm các công đoạn cung cấp suất ăn, bao bì, nhân công…, những khâu mà tập đoàn này không thể nhập khẩu. Điều này cho thấy dù ngành công nghệ cao nhưng cũng không khác gì ngành dệt may, da giày, bởi vấn đề cuối cùng vẫn không thoát được gia công.

Do đó, theo các chuyên gia, lúc này, cùng với việc tham gia các FTA, Việt Nam cần giải quyết những vấn đề nội tại của nền kinh tế từ nâng cao năng suất đến tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Không TPP, cũng chẳng sao!

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam:

Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu

Hiện chúng ta chưa biết Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ làm gì khi chính thức bước vào Nhà Trắng từ tháng 1-2017. Nhưng chắc chắn nền kinh tế và thị trường tài chính thế giới sẽ gặp nhiều biến động vì sẽ phải đương đầu với rủi ro khó kiểm soát, rủi ro chính trị. Pháp và Đức cũng sẽ có cuộc bầu cử quan trọng vào năm 2017, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và tương lai của EU. Sau sự kiện Brexit và bầu cử tại Mỹ vừa qua, rất khó dự báo kết quả của các cuộc bầu cử này.

Trong bối cảnh này, tôi kỳ vọng Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục là một ngôi sao sáng trong khu vực. Cụ thể, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tạo thế cạnh tranh nổi bật và tiếp tục chiếm lĩnh những thị trường mới; dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ tiếp tục góp phần làm xuất khẩu tăng trưởng. Trong khi khả năng Mỹ rút khỏi hiệp định TPP là một bất lợi, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu với những FTA đang ký hoặc sẽ ký với các nước đối tác.

Ông Bùi Quang Vinh, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Ông Bùi Quang Vinh, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Đừng quên thị trường nội địa

Không phải vì quan tâm đến TPP mà bỏ qua thị trường nội địa. Phải quan tâm nhiều hơn đến bối cảnh trong nước lúc này.

Thị trường Việt Nam hơn 90 triệu dân là mảnh đất màu mỡ nên cần phải quan tâm phát triển mọi mặt, từ sản xuất đến phân phối, chất lượng hàng hóa, cạnh tranh. Hàng Việt có nhiều thương hiệu tốt nhưng chúng ta cũng để mất quá nhiều thương hiệu thời gian qua. Phân phối trong nước rất lỏng lẻo, người tiêu dùng bị thiệt do phải qua quá nhiều khâu trung gian và thị trường bị DN nước ngoài chiếm lĩnh… Đây là vấn đề quá lớn mà chúng ta phải giải quyết.

Trong bối cảnh này, DN muốn chiếm lĩnh thị trường cần sản xuất được những sản phẩm chất lượng cao, phải làm chủ công nghệ, nắm bắt được những công nghệ trong lĩnh vực của mình, đồng thời đổi mới và hội nhập cũng cần dựa trên cơ sở so sánh lợi ích mà hiện nay đang là một cuộc cạnh tranh rất khốc liệt.

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế:
Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế:

Tính toán các kịch bản để ứng phó

Nên tính toán các kịch bản khác nhau để thích ứng với những thay đổi vì những khó khăn có thể đến cùng một lúc. Có một điều DN cần chú ý là không chỉ các FTA thế hệ mới mà cả xu hướng thay đổi của công nghệ, tự động hóa. Bởi theo khuyến cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong vòng 20 năm nữa, lao động trong ngành dệt may của Việt Nam mất 86% việc làm và Campuchia mất 88% việc làm do tự động hóa… Đây cũng là những thách thức hiện hữu của Việt Nam. Công nghệ thay đổi sẽ khiến Việt Nam mất đi nhiều lợi thế về lao động giá rẻ. Như ngành dệt may chỉ tập trung vào khâu gia công thì không thể hưởng lợi toàn bộ ưu đãi từ TPP và các FTA khác. Các DN dệt may phải rất “tỉnh” về lợi thế lao động giá rẻ, phải vượt lên làm những khâu khác trong chuỗi giá trị.

Đối với quy mô của nền kinh tế và quá trình hội nhập hiện nay, theo tôi, các DN phải chuyển sang vị thế mới cao hơn, không thể dừng mãi ở điểm thấp giá rẻ và dù hàng giá rẻ cũng phải đi cùng chất lượng tốt mới mong cạnh tranh được.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam:
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam:

Nâng chất lượng để đẩy mạnh xuất khẩu

Nếu có TPP, các DN ngành xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ có lợi thế tốt hơn khi có điều kiện tiếp cận thêm nhiều ưu đãi, hội nhập sâu với các thị trường trọng điểm do Mỹ, Nhật là các thành viên thuộc TPP và hiện chiếm tới hơn 50% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Dù vậy, trong trường hợp TPP không được tiếp tục triển khai cũng không phải là vấn đề quá lớn với ngành vì thực chất thuế ưu đãi không phải vấn đề lớn với ngành xuất khẩu thủy sản. Nâng cao chất lượng hàng hóa để tăng sức cạnh tranh trên thị trường mới là mục tiêu hàng đầu của DN xuất khẩu thủy sản, nhất là trong bối cảnh các hàng rào kỹ thuật được dựng lên ngày càng nhiều. Nếu nâng cao được chất lượng hàng xuất khẩu, các DN thủy sản cũng có thêm nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu chứ không chỉ trông chờ vào lợi thế từ TPP.

Linh Anh ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo