Phong tục lì xì Tết ở Việt Nam phát triển mạnh tại miền Nam mà nguyên gốc của nó xuất phát từ những thương gia tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc. Khi các thương gia này vào Việt Nam buôn bán từ những thế kỷ trước, dịp Tết, họ thường tặng phong thư màu đỏ (theo chữ Hán Việt là lợi thị) với ý nghĩa chúc nhau buôn bán phát tài, có lãi. Sau đó, phong tục này lan tỏa trong cư dân Việt Nam ở các đô thị lớn như ở Sài Gòn, Hội An thời bấy giờ.
Sáng tạo của người Việt
Khác với những thương gia Trung Quốc, người Việt sử dụng bao lì xì chỉ tặng trẻ nhỏ mà trong đó có một khoản tiền rất ít, chỉ vài xu, với ý nghĩa mừng tuổi đầu năm mới. Với trẻ em, ngày Tết cổ truyền được tặng bao lì xì, được mặc áo quần mới và được ăn bánh kẹo là ba niềm vui lớn nhất.
Phong tục tặng bao lì xì cho trẻ nhỏ của người Việt Nam là đầy ý nghĩa, rất tốt. Qua đó, cho thấy người Việt Nam đã rất sáng tạo trong việc biến phong tục lì xì thành cái riêng của mình, không như nguồn gốc của nó.
Liên quan đến việc tặng bao lì xì, có thời điểm những năm sau 1975 bị hạn chế, có lúc được khuyến cáo không nên cho trẻ vì sợ lứa tuổi này biết đến tiền quá sớm sẽ trở nên hư hỏng. Tuy nhiên, đó là một phong tục từ xưa nên hiển nhiên nó vẫn tồn tại cho đến giờ.
Giá như việc lì xì vẫn giữ nguyên ý nghĩa, mục đích như lúc xưa là mừng tuổi, mang niềm vui cho trẻ thơ thì quá tuyệt vời. Thế nhưng, những năm gần đây, việc tặng bao lì xì có sự biến tướng đáng phê phán. Đó là lì xì cho cả người lớn trong dịp Tết.
Tôi nghĩ rằng nếu thủ trưởng cơ quan nhân dịp đầu năm lì xì cho nhân viên mình với một khoản tiền nho nhỏ thì đó là một niềm vui, như tặng một cái lộc cho cấp dưới. Hay việc con cháu tặng cha mẹ, ông bà; anh em, bạn bè tặng nhau một bao lì xì với ý nghĩa cầu mong mọi điều tốt lành thì cũng chẳng ai phê phán, vì đó là điều tốt.
Tuy nhiên, điều đáng buồn là có hiện tượng cán bộ cấp dưới lì xì cấp trên. Hay khi đến thăm nhà sếp vào dịp Tết, thay vì mừng tuổi cho con họ vài đồng bạc mệnh giá nhỏ nhưng còn mới thì cấp dưới lại bỏ vào bao thư cả tiền triệu… Đó là hình thức hối lộ, lấy lòng cấp trên rất tinh vi, rất đáng buồn và đáng chê trách.
Trước đây, hiện tượng bánh trung thu bạc triệu gửi con sếp từng xuất hiện thì giờ, phong tục lì xì Tết cũng bị biến tướng, nặng mùi tiền bạc. Theo tôi, để giải quyết vấn đề này thì không cơ quan nhà nước nào có thể dùng mệnh lệnh hành chính hay văn bản pháp luật được cả. Bởi lẽ, đây là góc độ văn hóa mà như thế thì không bao giờ sử dụng được mệnh lệnh hành chính, nếu sử dụng phương pháp này là rất duy ý chí.
Thiếu môn học về phong tục, tập quán
Trước năm 1975, khi hoạt động cách mạng, tôi biết ở miền Nam có một môn học rất hay dành cho học sinh lớp 12: Môn Văn minh Việt Nam.
Môn học này cung cấp cho học sinh những kiến thức rất có giá trị về phong tục, tập quán của người Việt Nam. Nhà trường chỉ giảng dạy môn này cho học sinh lớp 12 vì đây là lứa tuổi sắp trưởng thành, đã đủ trình độ nhận biết và đến khi ra trường, các em sẽ biết cách cư xử, biết các lễ nghi cúng tế, nền văn hóa dân tộc mình.
Trong khi đó, giờ đây, nền giáo dục chúng ta đang thiếu môn học tương tự. Chúng ta chẳng có môn học nào giáo dục học sinh về các phong tục Việt Nam cả.
Muốn xóa bỏ điều xấu, sự biến tướng trong phong tục lì xì, theo tôi, cần có chính sách chấn hưng văn hóa dân tộc, triển khai từ trong trường học đến ngoài xã hội. Phải làm sao cho trẻ biết được ý nghĩa của phong tục này từ lúc còn nhỏ và quảng bá ra xã hội cho người dân hiểu. Theo tôi, chỉ có những phương tiện thông tin đại chúng mới đảm nhận tốt được điều này.
Hại chính mình!
Lì xì là một trong những góc nhìn được bàn luận sôi nổi tại chương trình Lắng nghe và Trao đổi với chủ đề “Văn hóa ngày Tết” do HĐND TP HCM cùng Đài Truyền hình TP (HTV) tổ chức sáng 1-2. Tại chương trình, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm lưu ý ngày Tết, nếu để các cháu nhỏ chỉ nghĩ đến chuyện được lì xì thì sẽ không ổn.
GS-TSKH Trần Ngọc Thêm, nhà nghiên cứu văn hóa, nhấn mạnh truyền thống Việt Nam không bao giờ coi trọng quá đáng vật chất, không bao giờ coi trọng mệnh giá tiền lì xì. Song, do ảnh hưởng của kinh tế thị trường, nhiều người đã coi trọng mệnh giá đồng tiền, làm hỏng trẻ em, khiến các cháu cũng coi trọng đồng tiền. Ứng xử như vậy là hại chính mình, con cháu sẽ có thái độ coi trọng đồng tiền mà xem nhẹ tình cảm với cha mẹ, ông bà.
L.Duy
Lì xì tiền triệu, tiền đô
Trước đây, vào ngày Tết, trẻ em háo hức chờ được người lớn lì xì. Trẻ em quan tâm đến tờ tiền mới, đẹp được người lớn lì xì hơn là mệnh giá của đồng tiền. Tờ tiền mới cứng có khi làm trẻ vui hơn là tờ tiền có giá trị cao nhưng cũ. Bởi vậy, trước Tết, người lớn thường tìm đổi những đồng tiền có mệnh giá nhỏ nhưng phải mới, để lì xì cho trẻ. Đó là một mỹ tục.
Những năm gần đây, lì xì lại trở thành tục lệ trong một bộ phận người lớn. Họ cũng háo hức chờ Tết đến như cơ hội tốt để lì xì cho sếp. Sếp cũng háo hức chờ năm mới để được nhận lì xì mừng tuổi từ cấp dưới. Có khi họ tế nhị mừng tuổi cho con của sếp với một bao lì xì nhiều triệu đồng, thậm chí cả tiền đô. Từ việc mừng tuổi trước đây trẻ em chỉ xem trọng tiền mới thì bây giờ, các cháu lại quan tâm nhiều hơn giá trị của bao lì xì. Tờ tiền lì xì giá trị cao, dù có cũ một chút vẫn khiến trẻ em vui hơn tờ tiền mới nhưng mệnh giá thấp.
Chuyện lì xì của người lớn đã ảnh hưởng đến trẻ em khi mà hiện nay, cả trẻ em lẫn người lớn đều quan tâm đến giá trị của phong bao lì xì hơn là những đồng tiền mới còn thơm mùi giấy mực, mang ý nghĩa tượng trưng mừng tuổi.
TS Đinh Văn Hạnh
(Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại TP HCM)
Rốt cuộc là chuyện người lớn với nhau
Thực tâm thì bản thân tôi cũng muốn rộng rãi, hỉ xả một tí đầu Xuân vì ngày còn bé thơ, tôi cũng thích được người lớn lì xì, dù chỉ là vài cái kẹo hay vài xu lẻ để đánh đáo. Vả lại, gặp người già thì như cha mẹ mình, gặp những người khó khăn nghèo khổ đã đành nhưng gặp các cụ khá giả, tôi vẫn muốn lì xì để mừng tuổi cho vui. Gặp trẻ nhỏ thì muốn lì xì cho các cháu để động viên học hành, cầu chơi ngoan học giỏi.
Nhưng vấn đề lại không giản đơn như vậy vì những năm gần đây, việc chuẩn bị tiền đi lì xì người già hay con trẻ trở thành gánh nặng cho nhiều người vào những dịp Tết Nguyên đán. Gánh nặng là bởi khi đến nhà lãnh đạo hay bạn bè, không ít trẻ nhỏ hỏi thẳng: “Sao cô, chú không lì xì cháu?”. Không đưa lì xì là trẻ không chịu đi. Mà đưa bao nhiêu cho vừa? Bây giờ, bỏ vào bao lì xì 10.000-20.000 đồng là trong lòng rất ngại, nếu được 100.000-200.000 đồng thì yên tâm hơn nhưng như thế thì đâu đủ khả năng để đi chơi nhiều nhà?
Điều quan trọng nữa là ngay bản thân nhiều người lớn đã coi tiền lì xì của con hay của cha mẹ như một khoản thu nhập của gia đình vào dịp Tết. Có trường hợp khách vừa ra khỏi nhà là cha mẹ đã “tịch thu” tiền lì xì của con hay con “xin lại” của cha mẹ già. Cân phân mà nói, không “tịch thu” hay “xin lại” thì cũng khổ, vì để cho con cầm khoản tiền lớn là không nên. Vả lại, bạn bè lì xì cho con hay cha mẹ mình thì mình cũng phải lì xì lại cho con và cha mẹ già của họ kia mà.
Đấy là chưa kể có trường hợp lì xì như một cách để ngoại giao. Tết, sếp mời đến nhà “giao lưu”. Gặp con cái hoặc cha mẹ già của sếp mà làm lơ, trong khi ai cũng mừng tuổi rồi lì xì búa xua thì ngượng chết! Có sếp ra giêng còn nhắc khéo: “Sao Tết này không ghé nhà anh chơi?”...
Rốt cuộc thì lì xì cũng chỉ là chuyện người lớn với nhau chứ không vì trẻ nhỏ hay người già như giá trị nguyên nghĩa của nó. Nhiều người bảo lì xì là một kiểu “đồng tiền đi trước đồng tiền khôn”, là “đầu tư” cho các mối quan hệ… Ngẫm cũng không sai nhưng giá như đừng vướng bận tới nó thì việc thăm viếng nhau ngày vui Xuân sẽ thoải mái hơn nhiều.
Huy Đặng
Bình luận (0)