xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lòng tốt không mất đi

Hồng Đào

Đừng tưởng giữa cuộc sống bon chen này, sự vô cảm và thờ ơ đã lấn át lòng nhân ái, vị tha. Chỉ lẩn khuất đâu đó thôi, khi được khơi lên, lòng tốt sẵn sàng lan tỏa

Hình ảnh bé Nguyễn Quốc Huy (bị văng khỏi bụng mẹ trong vụ tai nạn giao thông thảm khốc ở tỉnh An Giang mà Báo Người Lao Động đã liên tục thông tin) nhoẻn nụ cười trong vòng tay hạnh phúc của người thân cùng đội ngũ y - bác sĩ trong ngày trở về mới đây đã làm nhiều người xúc động. Huy đã khỏe mạnh, vui vẻ trở về với cuộc sống, với gia đình. Trong chuyến trở về, hành trang của cha con Huy còn có gần 300 triệu đồng của các nhà hảo tâm hỗ trợ.

Nhìn bé Huy, chúng ta nhớ lại hình ảnh của “chú lính chì” Thiện Nhân - cậu bé 8 năm trước bị mẹ vứt bỏ trong rừng ở tỉnh Quảng Nam, bị súc vật cắn đứt một chân và bộ phận sinh dục. Trước hoàn cảnh của bé, chị Trần Mai Anh (Hà Nội) đã đưa về nuôi dù chị có con và gia đình không khá giả.

 

Bé Nguyễn Quốc Huy trong vòng tay những người thân Ảnh: THANH VÂN
Bé Nguyễn Quốc Huy trong vòng tay những người thân Ảnh: THANH VÂN

 

Bằng tình người, tình yêu bao la của một người mẹ, chị Mai Anh đã luôn sát bên bé Nhân qua rất nhiều cuộc phẫu thuật trong và ngoài nước để tìm lại “bản lĩnh đàn ông” cho bé. Chị đã thức trắng nhiều đêm, rã rời, mệt mỏi vì niềm tin Nhân sẽ khỏe mạnh, bình thường như những đứa bé khác. Nhìn hình ảnh Nhân với cái chân duy nhất chạy nhảy, đá bóng, leo cầu thang, chạy xe... nhiều người không kìm được nước mắt. Nhân chính là hiện thân lòng tốt của con người, của tình người đối với người.

Đồng hành với mẹ Mai Anh là hàng trăm, hàng ngàn mạnh thường quân góp tiền hoặc những lá thư chia sẻ, động viên để “chú lính chì” dũng cảm tiến về phía trước. Nhiều người còn cùng chị Mai Anh tổ chức chương trình ca nhạc mang tên Thiện Nhân để gây quỹ phẫu thuật cho rất nhiều bạn nhỏ không may, giúp các em tìm lại giới tính thật của mình. Nụ cười tinh nghịch, đôi má phính bầu bĩnh cùng lúm đồng tiền xinh xắn của bé Nhân giúp chúng ta tin rằng lòng tốt không mất đi mà được sinh sôi, nảy nở.

Những năm gần đây, ở TP HCM, nhiều chị bán vé số, anh xe ôm, cô mua ve chai, em sinh viên nghèo... không còn trăn trở, lo lắng cho mỗi bữa ăn trưa vì đã có quán cơm Nụ Cười với giá chỉ có 2.000 đồng. 2.000 đồng hiện chỉ mua được ly trà đá chứ nói gì bữa ăn trưa. Thế nhưng, họ đã có những bữa ăn ngon, sạch sẽ, tươm tất và hoàn toàn được tôn trọng, bình đẳng vì họ có trả tiền.

Một trong những người sáng lập quán cơm Nụ Cười cho biết ban đầu khách ngán ngại, cứ đứng lấp ló ở ngoài, nhân viên quán phải mời họ vào và từ đó trở thành khách quen. Rồi có những người sang trọng, có thu nhập tốt muốn biết quán làm ăn thế nào cũng ghé ăn thử, sau đó đưa đến quán khi thì vài chục ký gạo, khi thì vài trăm ngàn đồng, khi thì mớ rau... Với thông điệp nụ cười cho đi sẽ nhận được nụ cười, các thành viên của quán đã làm việc chăm chỉ, không vụ lợi.

Quán cơm Nụ Cười bây giờ đã lan tỏa, có thêm quán Nụ Cười 2, Nụ Cười 3 và sẽ còn nhiều Nụ Cười nữa ra đời để cung cấp bữa ăn ngon cho người nghèo. 

 

Hành động hơn là không làm gì hết 

Mới đây, người dân TP HCM rủ nhau đi mua cà chua. Có người mua 3 kg, 5 kg... thậm chí 10 kg để về ăn dần và cho hàng xóm. Nhiều người ban đầu nghi ngại ăn cà chua gì mà nhiều thế nhưng rồi khi hiểu ra thông điệp “đó không chỉ là rau quả, đó là sự chia sẻ”, mọi người truyền tai nhau để ủng hộ. Nhìn thấy cà chua của nông dân ở tỉnh Lâm Đồng rớt giá thảm hại, bỏ đầy đường cho gia súc ăn, một nhóm bạn trẻ ở TP HCM đã quyết tâm làm điều gì đó để hỗ trợ nông dân. Họ đã đến Lâm Đồng đặt vấn đề và được nông dân hoàn toàn ủng hộ. Dù số lượng bán ra chẳng là bao, không giúp nông dân cải thiện được nhiều nhưng với các bạn trẻ, ý nghĩa của việc làm này chính là hành động hơn là ngồi yên, không làm gì hết.

 

BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM):

Cảm thấy ấm lòng!

 

img

 

Bé Nguyễn Quốc Huy nhập viện trong hoàn cảnh rất đáng thương. Một ca sinh thường đã khó, sinh ra trong điều kiện như thế thì vô vàn nguy cơ. Cứu bé Huy là nghĩa vụ của chúng tôi nhưng bên cạnh đó, trong những ngày bé điều trị tại đây, lãnh đạo Bộ Y tế, UBND TP HCM và nhiều người dân đã đến thăm hỏi, chia sẻ với gia đình và với tập thể nhân viên bệnh viện đang ngày đêm cố gắng giành giật sự sống cho bé. Đó là nguồn động viên rất lớn và thực sự khiến chúng tôi cảm thấy ấm lòng.

BS Phạm Thị Thanh Tâm, Trưởng khoa Hồi sức sơ sinh Bệnh viện Nhi Đồng 1:

Đầy tình người

 

img

 

Khi có những thông tin đầu tiên trên báo chí, rất nhiều người dân đã đến thăm bé Nguyễn Quốc Huy, tiếc là không thể gặp vì khi đó bé phải nằm trong khu cách ly. Họ đã lặng lẽ để lại quà, có những người gửi số tiền khá lớn nhưng nhất định không để lại tên tuổi, có người tặng sữa. Một mạnh thường quân còn ủng hộ cả sữa mẹ từ ngân hàng sữa mẹ do anh thành lập. Chưa bao giờ khoa chúng tôi có nhiều khách ghé thăm và bộ phận trợ giúp xã hội của bệnh viện có người ra vào tấp nập như thế. Cảm động hơn, ngày đón bé về và nhận khoản tiền đóng góp từ đơn vị trợ giúp xã hội, cha bé Huy nhất định gửi lại một khoản tiền kha khá, nhờ bệnh viện chuyển đến các bệnh nhân khó khăn khác, dù nhà anh rất nghèo. Anh làm thế vì “thấy nhiều người còn khổ hơn mình”.

ÔNG Đào Lê Hòa An, Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam:

Hãy nêu nhiều gương tốt

 

img

 

Có người ngán ngại, cho rằng cuộc sống ngày nay ít tình người, mọi người sống với nhau thờ ơ, vô cảm. Điều này là không đúng. Lòng tốt, sự trắc ẩn, tình yêu thương vẫn tồn tại trong mỗi con người nhưng chưa được phát huy, thể hiện đúng lúc. Để lòng tốt được lan tỏa, các cơ quan truyền thông hãy nêu nhiều gương tốt, lối sống tích cực hơn.

Yếu tố giáo dục trong mỗi gia đình ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển tâm lý, tính cách của mỗi người. Chắc chắn những người hỗ trợ bé Nguyễn Quốc Huy, bé Thiện Nhân, các bạn trẻ đi bán cà chua cho nông dân, các anh chị hiến máu tình nguyện... là những người được giáo dục trong gia đình tốt. Để lòng tốt được phát huy, cha mẹ chính là tấm gương gần nhất đối với con cái. Ông bà ta nói “Trăm nghe không bằng mắt thấy, trăm thấy không bằng một làm” là thế. Người lớn hãy hướng con cháu đến những việc làm tích cực, bắt đầu từ việc nhỏ nhất: thăm các bạn ở trại trẻ mồ côi, đập ống heo giúp đỡ đồng bào bị bão lũ, giúp đỡ người già cả, người neo đơn...

BÀ Lê Thị Minh Tâm, chuyên viên tham vấn tâm lý hỗ trợ sức khỏe tâm thần sinh viên Trường ĐH RMIT (TP HCM):

Tinh thần tương thân tương ái vẫn còn đầy

 

img

 

Không thể tưởng tượng xã hội sẽ như thế nào nếu con người mất đi lòng tốt, tình yêu thương, sự quan tâm đến người khác? Xét về văn hóa Việt Nam, tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách vẫn đang được phát huy trong cuộc sống hiện đại. Chúng ta nên phát huy tính tốt, tính tích cực trong mỗi người để lòng tốt được nhân rộng, lan tỏa trong cộng đồng.    A.Thư - H.Đào ghi

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo