Khi mới đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), một số việc làm của ông Đinh La Thăng như cấm cán bộ lãnh đạo ngành đánh gôn, đi xe buýt ít nhất 1 lần trong tuần, đề xuất phí hạn chế xe cá nhân… thực sự gây sốc. Công luận đã phản ứng, cho rằng đó là những hành động bốc đồng, thiếu kinh nghiệm quản lý. Tuy nhiên, hàng loạt chuyến vi hành và “trảm tướng” của Bộ trưởng Đinh La Thăng trên các mặt trận hàng không, đường bộ, đường sắt dần khiến người dân thay đổi cách nhìn.
Điểm cộng cho tư lệnh ngành
Không chỉ Bộ trưởng Thăng, nhiều quan chức cũng nóng ruột khi dân kêu than. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến không ít lần trực tiếp thị sát tình hình quá tải tại các bệnh viện tuyến trên, kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm ở các chợ... Mới đây nhất, sáng 4-8, bộ trưởng bất ngờ đến Công ty TNHH Đầu tư thương mại XNK Bảo Khang (đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp, TP HCM) và phát hiện đơn vị này quảng cáo thực phẩm chức năng không đúng quy định. Bà Tiến đã yêu cầu chấn chỉnh, thay đổi biển hiệu, đồng thời chỉ đạo Sở Y tế TP HCM tiếp tục giám sát quá trình khắc phục. Ngay trong chiều hôm đó, bà Tiến cũng đã đội mưa vào nhà dân ở xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP HCM kiểm tra tình hình dịch tiêu chảy.
Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh các chuyến vi hành của 2 vị bộ trưởng siêng đi thực tế này. Không ít người hoan hô các bộ trưởng sâu sát, quyết liệt, gần gũi với dân nhưng cũng còn ý kiến tỏ ra dè dặt, nghi ngờ. Dù vậy, không thể phủ nhận các chuyến vi hành đã phần nào vực dậy bộ máy nặng nề, ì ạch trong thời gian dài do nạn quan liêu, lười nhác, vô trách nhiệm của một số lãnh đạo tuyến cơ sở.
Nhưng cũng từ đấy sinh ra cơ chế hễ có chuyện là dân nhắn tin, gọi điện trực tiếp cho bộ trưởng. Doanh nghiệp bị hành hay kẹt hàng, kẹt đường cũng gọi bộ trưởng... Công trình thi công rùa, dân kêu, đích thân bộ trưởng cũng phải 2 lần xuống tận nơi kiểm tra, đốc thúc, thậm chí “trảm tướng” tại công trình. Như thế là không ổn! Phải chăng bộ máy cấp dưới yếu quá, tệ quá nên cái gì dân cũng phải cầu cứu bộ trưởng?
Cần đổi chiến thuật cho trận chiến dài
Vấn đề nhân sự là nguyên nhân của rất nhiều nguyên nhân. Ở những nước phát triển, người ta đòi hỏi ngay các chính khách cũng phải thạo việc, nghĩa là có nghề. Tay nghề, bản lĩnh và tính cách là những yếu tố mà lãnh đạo luôn phải lựa chọn trước khi hành động. Một loạt việc làm của Bộ trưởng Đinh La Thăng vừa qua rất... “Trương Phi”, tất nhiên là dân khen. Hầu như ở tất cả các ngành hiện nay, quả thật đều đang rất cần có hàng loạt “thiên địch” như vậy để diệt “sâu rầy”!
Những chiến thuật cấp thời rất cần cho một trận đánh nhưng về lâu dài và cho cả mặt trận thì phải có chiến lược, phương lược bền lâu, vững chắc. Bộ trưởng là người chỉ huy một mặt trận mà trong đó bao gồm các sĩ quan tham mưu và tác chiến, nếu chỉ sa lầy vào một thứ thì chỉ là xách súng đi “bắn tỉa”.
Vả lại, dân gian có câu “thần thiêng nhờ bộ hạ”. Trong truyện Tam Quốc, khi quân của Tư Mã Ý bắt được một người lính của Gia Cát Lượng, tra hỏi biết Khổng Minh tự mình đi kiểm tra lính tráng, quân lương nên thức rất khuya, ông đoán ngay quân Thục của Lưu Bị đang núng thế, đến nỗi quân sư Khổng Minh còn phải làm đủ mọi việc, có nghĩa là không còn mấy người đáng tin cậy nữa. Về sau nhà Thục thua...
Muốn Chính phủ mạnh, trước hết phải có các bộ trưởng “cứng”. Lúc này, bộ trưởng liên tiếp vi hành, cách chức, điều chuyển các quan chức ì ạch, làm việc kém hiệu quả bước đầu tạo được hiệu ứng tốt trong dư luận và làm gương cho cấp dưới. Nhưng nếu chưa hình thành cơ chế thì buông lơi một chút, lại đâu vào đấy, có nghĩa là người tốt cũng khó phát huy được năng lực của mình trong môi trường “vàng thau” lẫn lộn.
Nhiệm vụ của tư lệnh ngành là đưa ra tầm nhìn, vạch chiến lược phát triển của ngành và kế hoạch tổ chức thực hiện. Người dân mong muốn các bộ trưởng sục sâu hơn nữa vào con người, bộ máy và chính sách, để bớt đi các chuyện vụ việc.
Chỉ xử lý tình huống tức thời
Trong thời gian qua, tình hình giao thông đã được cải thiện rõ nét, những tồn tại yếu kém trong đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông bị phát hiện, xử lý khá quyết liệt. Hoạt động quản lý và kinh doanh hàng không cũng bắt đầu chuyển biến. Rõ nhất là việc Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chỉ ra sự độc quyền trong hàng không. Ông Thăng nói thẳng với Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh: “Làm anh cả khó lắm anh Minh ạ!” và cho rằng các hãng hàng không phải cạnh tranh lành mạnh với nhau.
Những chuyến vi hành, phát ngôn cũng như hành động của Bộ trưởng Đinh La Thăng nhận được sự ủng hộ của người dân nhưng dù sao vẫn chỉ trong tức thời, bởi ngoài những động tác “xử lý tình huống” cần có một chiến lược phát triển đột phá và bền vững.
Bộ trưởng Đinh La Thăng nhiều lần lên tiếng xin lỗi người dân. Ông phát bực nói rằng hành khách nhắn tin kêu ca đủ thứ. Tuy nhiên, với cương vị của một bộ trưởng, ông Thăng có trách nhiệm nặng nề hơn, đó là thiết kế một con đường cho ngành giao thông của đất nước có chất lượng, chiều sâu, mang tính khoa học và đầy sức sáng tạo.
Xin không dám nói Bộ trưởng Đinh La Thăng mất bình tĩnh trước những thứ còn ngổn ngang của ngành giao thông nhưng thật sự e ngại ông bị mất quá nhiều thì giờ để tập trung kiến tạo một nền giao thông hiện đại và văn minh cho đất nước trong một thời gian ngắn nhất có thể. Những việc ông Thăng làm và được ủng hộ thực ra là bộc lộ sự yếu kém của bên dưới, những thuộc cấp của ông. Cả một ngành giao thông với đầy đủ ban bệ, cục, vụ, sở, viện khắp cả nước, thế mà một bộ trưởng phải đi giải quyết bát mì hay cái buồng ngủ trong sân bay, cái tin nhắn của hành khách đi máy bay thì quá bất hợp lý.
Lê Thanh Phong
Cú “hích” cho tuyến cơ sở
Chuyện bộ trưởng đi cơ sở để nắm tình hình là hoạt động thường quy. Hơn 1 năm qua, riêng việc ban hành nghị định về tổ chức bộ máy y tế tuyến huyện, tôi đã đến kiểm tra hơn 20 tỉnh thành, từ đó điều chỉnh các chính sách cho phù hợp thực tiễn.
Là tư lệnh ngành y tế, nhiều lúc tôi thấy sốt ruột khi ở đôi nơi, cán bộ cấp dưới còn làm việc ì ạch, quan liêu, vô cảm… khiến người dân phải kêu. Vì vậy, đích thân tôi phải kiểm tra đột xuất để kịp thời giải quyết nhiều vấn đề nảy sinh trong xã hội. Sau khi kiểm tra cũng đã nhắc nhở và đưa ra thời hạn để cán bộ, đơn vị được kiểm tra khắc phục, sửa chữa. Nếu không sửa chữa, sẽ kiểm điểm, xử lý.
Ngoài hệ thống thanh tra cơ sở thì việc bộ trưởng đi vi hành sẽ là cú “hích” để địa phương làm tốt hơn, chứ không thể chờ đến lúc bị kiểm tra mới sửa. Sắp tới, ngành y tế sẽ tăng cường các chuyến kiểm tra đột xuất xuống tận cơ sở. Qua đó, người dân được tiếp cận với tư lệnh đầu ngành, kịp thời phản ánh, giải tỏa bức xúc. Đây cũng là dịp để người đứng đầu ngành có cái nhìn khách quan, kịp thời thay đổi phù hợp với nguyện vọng của người dân. Mặt khác, khi thấy bộ trưởng làm thay việc của mình, cấp dưới sẽ thấy “nhột” mà thay đổi thái độ, tư duy để có hành động tích cực hơn.
N.Dung ghi
PGS-TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật TP HCM:
Bộ trưởng sẽ quá tải
Khi người dân có xu hướng gõ cửa, liên lạc thẳng với bộ trưởng mỗi khi gặp vấn đề bức xúc; nguy cơ quá tải là khó tránh. Ngay như bộ trưởng đủ sức “gồng gánh” lòng tin của xã hội thì cũng không nên để việc gì cũng phải do bộ trưởng, từ bộ trưởng. Điều quan trọng là từ sự can thiệp mạnh mẽ của các bộ trưởng, bộ máy sẽ được thanh lọc và được thổi sinh khí mới. Các nhân tố thay thế sẽ tỏ ra nhạy bén, năng động hơn và làm việc với ý thức trách nhiệm cao hơn. Được như vậy, sự hài lòng của người dân sẽ tăng lên, tương ứng với sự giảm xuống của những lời kêu ca. Bộ trưởng sẽ giảm được thời gian, công sức cần thiết dành cho việc nhận, xem xét, xử lý khiếu nại, tố cáo.
Bình luận (0)