Qua theo dõi báo, đài, các ý kiến tranh luận về kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông đang diễn ra rất sôi nổi, có thể chia làm 2 "trường phái", tạm gọi là "Nhóm ủng hộ nồng độ cồn bằng 0" và "Nhóm ủng hộ nồng độ cồn lớn hơn 0".
Một nhận xét chung là những ý kiến của 2 nhóm này đều rất sinh động, thực tế, thuyết phục … rất dễ tìm được sự ủng hộ của nhiều người cùng quan điểm. Tuy nhiên phải nói rằng dù cho mỗi nhóm đều có cái "lý" của mình, có luận cứ riêng nhưng nhìn chung chỉ là những nhận xét mang tính cảm quan của cá nhân, chưa có số liệu cụ thể hoặc có căn cứ khoa học vững chắc để chứng minh quan điểm của mình là đúng.
Trong khi chờ nhà nước có một quyết định đúng đắn, tôi đề xuất giải pháp giải quyết hài hòa sự tranh cãi giữa hai nhóm. Giải pháp này dựa trên căn cứ khoa học và được sử dụng ở các nước phát triển. Nếu áp dụng tốt sẽ chiều lòng được "người thích nhậu" và cả những "người ghét nhậu"!
Phương pháp này được xây dựng dựa trên lý thuyết Quản lý rủi ro (Risk Management) hiện đại và Phương pháp xác định Năng lực điều khiển hành vi dưới tác động của nồng độ Cồn (Behavioral Control).
Lý thuyết Quản lý rủi ro (QLRR) được áp rất thành công trong nhiều lĩnh vực ở nhiều nước trên thế giới và cả ở tại Việt Nam, thành công nhất là trong lĩnh vực Hải quan.
Nguyên tắc cơ bản của việc áp dụng QLRR là việc chúng ta phân loại những đối tượng, hành vi, tình huống… thành nhiều mức độ khác nhau. Những gì thuộc mức rủi ro thấp thì chúng ta không tập trung "nguồn lực" vào đó nhiều mà dùng nguồn lực ấy kiểm soát, ngăn chặn, xử lý mức rủi ro cao hoặc rất cao.
Khái niệm "Kiểm soát rủi ro" (KSRR) là việc chúng ta xác định rạch ròi những rủi ro nào chúng ta quản lý được thì chúng ta quản lý thật chặt, còn những loại rủi ro nào chưa quản lý được thì phải "chấp nhận" nó nhưng cố gắng làm sao để hậu quả gây ra ở mức tối thiểu.
Vậy áp dụng vào lĩnh vực kiểm soát nồng độ cồn trong khi tham gia giao thông đường bộ như thế nào? Đó là việc chúng ta cũng phân loại theo các mức độ rủi ro từ thấp đến cao cho người điều khiển phương tiện giao thông, loại phương tiện và kết hợp hai đối tượng này ở từng tình huống theo bảng dưới đây. Từ đó, có sự phân phối mức độ quan tâm, kiểm soát, xử lý hợp lý.
Với Phương pháp xác định năng lực điều khiển hành vi dưới tác động của nồng độ cồn, ở Mỹ đã áp dụng phương pháp kiểm tra độ tỉnh táo từ lâu và vẫn còn áp dụng. Đó là việc họ kết hợp thổi nồng độ cồn (xác định người tài xế có nồng độ cồn ở mức trung bình cao), đồng thời kiểm tra mức độ tỉnh táo, khả năng kiểm soát hành vi của người điều khiển phương tiện.
Nếu tài xế vượt qua được bài kiểm tra sẽ được đánh giá là đảm bảo tỉnh táo để tham gia giao thông và sẽ không bị xử phạt. Đối với điều kiện cụ thể của Việt Nam, chúng ta có thể sử dụng thêm các bài kiểm tra khác để xác định người sử dụng rượu bia có còn "tỉnh táo" hay không. Đi trên vạch bề rộng 20cm, xỏ thanh gỗ hoặc sợi dây qua lỗ… là trong nhiều cách thử tỉnh táo.
Như vậy, áp dụng Phương pháp này, các cơ quan chức năng cũng không cần phải dàn quân, căng mình ra để rà soát, kiểm tra nồng độ cồn với tất cả người dân như hiện nay.
Sử dụng phương pháp này, là tạo ra " Vùng Xanh- Không bị xử lý" làm vừa lòng những người ủng hộ "nồng độ cồn lớn hơn 0"; những người tiệc tùng đêm trước; những người có nồng độ cồn tự nhiên do thức ăn, bệnh lý, sử dụng thuốc trị bệnh v.v… Họ không còn lo lắng vì nồng độ cồn lớn hơn 0 của mình vì yên tâm vì sự tỉnh táo của bản thân.
Phương pháp này cũng làm vừa lòng những người không ủng hộ việc sử dụng rượu bia "quá chén" mà tham gia giao thông, vì đã có "Vùng Đỏ- xử lý thật nặng".
Bình luận (0)