Ngày 22-1-2002, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 11/TB-VPCP thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Chính phủ đồng ý với những định hướng cơ bản trong đề án tuyển sinh của bộ, Thủ tướng chỉ đạo: Bộ nghiên cứu, bố trí lịch thi hợp lý; tổ chức thí điểm theo cụm để giảm thí sinh tập trung về hai thành phố; nghiên cứu cải tiến việc ra đề thi theo hướng mỗi khối thi dùng chung một đề thi; các trường sử dụng chung kết quả để xét tuyển theo nguyện vọng; không đặt điều kiện về học lực (đặt ngưỡng) khi đăng ký; trong kỳ thi 2002 chưa mở rộng việc áp dụng phương pháp thi trắc nghiệm...
Vẫn có hai đợt thi, nhưng mỗi đợt có nhiều khối thi
Thủ tướng đã cho phép thi hai đợt và cho phép “nghiên cứu, bố trí lịch thi hợp lý” và lòng dân cũng muốn cho thí sinh được tham gia thi ít nhất hai đợt. Vậy thì không lý gì bắt buộc đợt 1 toàn là trường khối A, đợt 2 là các khối còn lại để cho con em chúng ta thấy như cố ý dồn các em đi qua “một chiếc cầu” độc nhất; “chỉ một ngày” quyết định cả cuộc đời 12 năm học tập. Cho nên, có thể bố trí lịch để... Vẫn là hai đợt thi như đề án, nhưng mỗi đợt đều có các khối thi; sự nghiên cứu hợp lý là tổng số thí sinh hai đợt thi tương đương nhau. Nếu chỉ khối A dồn một đợt thì số lượng thí sinh lớn, có đến khoảng 70% tổng số thí sinh trong mùa thi. Nghiên cứu hợp lý còn có nghĩa là đừng dồn một lúc nhiều trường thi, sẽ không đủ phòng thi để thuê mượn. ĐH Sư phạm Kỹ thuật đã tính là phải lên hai tỉnh miền Đông là Đồng Nai và Bình Dương thuê phòng thi, chứ Thủ Đức không đủ chỗ cho ĐH Nông Lâm, Phân hiệu ĐH Giao thông Vận tải, ĐH An ninh, ĐH Cảnh sát thi khối A. Nếu hai đợt đều có khối A thì đợt 1 thí sinh có thể thi vào ĐH Bách khoa, đợt 2 còn có thể thi vào ĐH Sư phạm Kỹ thuật hay ĐH Sư phạm, ĐH Nông Lâm, Phân hiệu ĐH Giao thông Vận tải, ĐH Luật (có cả khối C)... Tóm lại, xếp lịch thi như ý kiến đề ra là tương đối hợp lý, thí sinh thi công lập hai lần; còn việc ghi nguyện vọng 2, 3 coi như phụ thêm cơ hội, vì làm sao biết được chính xác điểm chuẩn trường nào thấp để ghi chuyển qua.
Tổ chức đề thi chung sẽ công bằng hơn cho thí sinh
Việc bộ ra đề thi chung các khối cho cả nước đã thực hiện từ thập niên 60 cho đến cuối thập niên 80. Có thể nói là có kinh nghiệm “đầy mình”. Hiện nay, phương tiện thông tin hiện đại hơn nhiều thì việc ra đề thi chung không phức tạp và thi chung đề cũng có những ưu điểm của nó như: Biết được trình độ chung của học sinh trong cả nước, biết thí sinh trường nào có trình độ ở mức nào, chọn sinh viên du học chính xác hơn, cấp học bổng theo kết quả thi tuyển sẽ chính xác, công bằng hơn có đủ cơ sở cho việc rút kinh nghiệm cho việc giảng dạy ở THPTã... Nếu nói làm như vậy không thấy đặc thù từng trường thì thật ra đặc thù ấy đã nói lên khi chia khối thi. Muốn nhấn mạnh thêm thì có thể khi trường định điểm chuẩn xét tuyển đặt ra việc nhân hệ số môn học cốt lõi của trường. Hơn nữa, dù đề riêng, hay chung gì thì cũng tuyển từ điểm cao xuống trong số thí sinh nộp đơn vào trường đó cho đến khi đủ chỉ tiêu thì thôi. Việc này còn có lợi là nếu điểm chuẩn quá thấp thì tuyển thí sinh ở trường khác điểm thi còn cao, làm như vậy khắc phục được “hiện tượng từ lâu chỉ chọn được đa số sinh viên trong tốp học lực trung bình khá, nay chọn được thêm một phần là sinh viên nhóm học lực khá, giỏi”.
Tổ chức xét tuyển vào trường ngoài công lập
Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, “các trường sử dụng chung kết quả thi để xét tuyển theo các nguyện vọng mà thí sinh đã đăng ký” và theo đề án của bộ cho ghi nguyện vọng thứ 2 vào một ĐH và nguyện vọng thứ 3 vào CĐ. Chúng tôi đề nghị: Trường ngoài công lập chỉ nhận đăng ký dự tuyển, nhưng không tổ chức thi mà chỉ xét tuyển theo kết quả thi tú tài và học bạ lớp 12.
Công việc này ĐH Mở - Bán công đã thực hiện hơn chục năm nay. Qua theo dõi, từ năm 2001 về trước ở các trường ngoài công lập có thi tuyển chúng tôi ghi nhận đa số là thí sinh có học lực chung trung bình khá trở lại. Bây giờ, áp dụng xét tuyển theo hai tiêu chuẩn: Điểm trung bình ba môn học ở lớp 12 (theo khối tuyển) và điểm ba môn thi tốt nghiệp (theo khối tuyển). Tuyển như vậy, trường ngoài công lập được tuyển cả học sinh học lực khá, giỏi vào trường. Xét thấy cần nêu đặc thù thì chọn môn nhân hệ số. Thời gian tuyển của ĐH, CĐ ngoài công lập có thể chậm lại vài tuần.
ĐH Mở - Bán công hiện cũng đề nghị tiếp tục xét tuyển (tuy xét tuyển, nhưng vẫn là hệ tập trung, được tham gia thi tuyển sinh và học cao học...). Việc tuyển bằng phương thức xét tuyển còn có mặt ưu điểm của nó, tính riêng tại TPHCM sẽ giảm được 120.000 lượt thí sinh trong một mùa thi.
Tóm lại, nếu Bộ GD-ĐT thực hiện theo đề nghị trên thì một thí sinh có thể thi vào hai trường ĐH công lập và dự tuyển vào một trường ĐH ngoài công lập, vừa đáp ứng nguyện vọng của phụ huynh vừa thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Một ngày sau khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến về đề án cải tiến tuyển sinh ĐH, CĐ, THCN của Bộ GD-ĐT, Báo Người Lao Động nhận được bài viết của nhà giáo lão thành Trần Trọng Miêng, nguyên chuyên viên cao cấp (làm công tác tuyển sinh hơn 40 năm) của Bộ GD-ĐT. Điều ông muốn khẳng định là thí sinh có thể dự tuyển vào 3 trường ĐH mà không mâu thuẫn với đề án được Thủ tướng thông qua! Ông khẩn thiết đề nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT lắng nghe vì đây là vấn đề hợp lòng dân, và ngày thi không còn bao xa... |
Bình luận (0)