Nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ; dự án Giờ Xanh thuộc Trung tâm Giáo dục Kỹ năng và Truyền thông Cộng đồng (SECC) trực thuộc VP Đại diện Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam tại TP HCM phối hợp cùng Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng và Tan TV tổ chức chương trình Giờ Xanh – Âm nhạc cho Trái Đất 2015 với chủ đề “Kết nối yêu thương cùng âm nhạc” vào ngày 22-3 tại hồ Bán Nguyệt, Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP HCM.
Giờ Xanh là tên gọi Việt hóa dự án Green Talk của UNESCO Văn hóa Giáo dục và Đào tạo, được sáng lập và khởi xướng bởi Ban Quản lý dự án Green Talk lấy hoạt động chủ đạo là “Giờ nhặt rác vì môi trường Việt Nam” với khẩu hiệu “Im lặng hay lên tiếng”. Với Giờ Xanh, rác là nỗi ám ảnh lớn nhất về môi trường tại Việt Nam: Xả rác là hành động dường như “hiển nhiên” dù rác không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị – bộ mặt quốc gia mà còn là nơi ủ dịch bệnh và phát tán bệnh trên diện rộng, làm gia tăng việc ngập lụt do tắc cống, ô nhiễm đất, nước, không khí,… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống con người.
Nếu chương trình “Giờ Xanh - Hưởng ứng Giờ Trái đất” 2014 có sự tham gia tình nguyện viên đặc biệt – Hoa hậu Việt Nam Ngọc Hân thì chương trình Giờ Xanh – Âm nhạc cho Trái Đất 2015 sẽ có phần trình diễn của ca sỹ Lê Cát Trọng Lý cùng các em nhỏ khuyết tật qua các bài hát như: Chênh vênh, Em ước mong sao, Nhiều người ôm giấc mơ… hứa hẹn sẽ tạo nên hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ về tình yêu thương, kết nối con người với nhau thông qua âm nhạc.
Chương trình còn có rất nhiều hoạt động khác như: Gian hàng xanh, Chung kết cuộc thi hát vì Giờ Trái Đất 2015, Bán kết cuộc thi sáng tạo Game Eco… Chương trình được dẫn dắt với VJ Quang Bảo cùng sự có mặt của một số ngôi sao, ca sĩ trẻ khác.
Bà Đinh Thị Vũ Trinh – Giám đốc dự án Green Talk đồng thời là người dàn dựng chương trình Đồng diễn cho biết: “Chương trình hướng đến mục tiêu đánh thức nhận thức và kêu gọi mọi người rèn luyện thói quen bảo vệ môi trường…. Nhân dịp này, chúng tôi cũng mong muốn giúp cho những người khuyết tật, kém may mắn có cơ hội hòa nhập gần hơn với hoạt động cộng đồng, chung tay bảo vệ môi trường như bao người khác”.
Bình luận (0)