Đây là một thực trạng khiến nhiều nhà dinh dưỡng băn khoăn. Song song đó thì tỉ lệ thừa cân, béo phì gia tăng ở các thành phố lớn, lên đến 10%-15%. Đâu là nguyên nhân và giải pháp thực tiễn cho thực trạng này?
Báo động thực trạng dinh dưỡng trẻ em: “Kẻ thiếu, người thừa”
Học sinh tiểu học (độ tuổi từ 6-12) là những đối tượng đặc biệt đối với những người làm công tác dinh dưỡng. Đây là lứa tuổi cơ thể và tâm lý trẻ bắt đầu chuyển qua một giai đoạn mới, cần được ưu tiên về dinh dưỡng để phát triển toàn diện. Tuy nhiên, hiện nay, rất nhiều trẻ trong độ tuổi này đang bị “đói” năng lượng và không ít trẻ cận kề với nguy cơ suy dinh dưỡng. Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng quốc gia, trên 50% trẻ em ở độ tuổi học đường có khẩu phần ăn không đủ mức năng lượng dẫn tới tình trạng thấp còi; có khoảng 40%-60% trẻ bị thiếu các vi chất cần thiết, giúp cho phát triển tối ưu về thể chất lẫn tinh thần.
Trong khi đó, tại một số thành phố lớn, tỉ lệ thừa cân, béo phì gia tăng nhanh và đạt tỉ lệ báo động 10%-15%; ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM thì tỉ lệ này lên đến hơn 20%.
Giáo dục dinh dưỡng ngay từ trên ghế nhà trường
ThS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng quốc gia, nhấn mạnh nguyên nhân chủ yếu của thực trạng “thiếu” và “thừa” trên là “do các em và người chăm sóc chưa được trang bị đầy đủ kiến thức khoa học và thực hành về dinh dưỡng hợp lý, về rèn luyện thể lực”.
Cũng theo một đại diện của Viện Dinh dưỡng quốc gia, cần đề cao việc giáo dục dinh dưỡng. Nếu không làm tốt việc giáo dục thì còn bao nhiêu trường hợp “thiếu đói” dinh dưỡng xảy ra.
Chính vì vậy, trong thời gian qua, rất nhiều chương trình được triển khai nhằm tăng cường kiến thức về dinh dưỡng cho học sinh trong nhà trường, giúp nhận thức được tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với sự phát triển của trẻ. Cách đây 1 năm, Viện Dinh dưỡng quốc gia đã hợp tác với Nestlé Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai chương trình “Giáo dục dinh dưỡng học đường - Nestlé Healthy Kids” dành cho trẻ từ 6-12 tuổi. Thông qua một phần mềm giáo dục dinh dưỡng trên website: http://ddhd.viendinhduong.vn và áp dụng những phương pháp giảng dạy, công cụ mới lạ, chương trình đã thu được những kết quả khả quan sau 1 năm triển khai thí điểm. Hơn 10.000 học sinh của 13 trường tại các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Ninh Bình, Cần Thơ đã được phổ cập kiến thức dinh dưỡng.
Hiện nay, Viện Dinh dưỡng quốc gia đang thảo luận cùng Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo để phát triển nhân rộng chương trình, hướng tới trong tương lai mỗi trường sẽ có một giáo viên dinh dưỡng.
Bình luận (0)