Liên hoan Ca múa nhạc (CMN) chuyên nghiệp TPHCM lần 2/2001 (từ 12 đến 16-9-2001 tại Nhà hát Bông Sen số 15 - 17 Nguyễn Thái Bình, Q.1 TPHCM) đã kết thúc. Ngoại trừ giải đặc biệt dành riêng cho chương trình của Nhà hát Giao hưởng và Vũ kịch TPHCM, 9 đoàn tham gia còn lại đều có huy chương vàng và bạc mang về. Tuy nhiên, phía sau những chiếc huy chương ấy không ít đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp đã bộc lộ những yếu kém.
Một số chương trình vẫn còn tính nghiệp dư
Đoàn CMN tỉnh Đồng Nai tung ra liên hoan chương trình chủ đề Từ mùa thu năm ấy, nhưng không được Hội đồng Tư vấn nghệ thuật và công chúng đánh giá cao. Theo nhận xét của giáo sư Quang Hải: “Cấu trúc chương trình này không hợp lý, ngôn ngữ múa và nhạc chỏi nhau”. Đoàn Nghệ thuật Quân khu 7 ra quân rất sôi nổi và hào hùng trong chương trình chủ đề Quê hương và người lính nhưng chỉ mạnh về thanh nhạc.
Đoàn CMN Thanh Hóa trình làng bằng chương trình ca nhiều hơn múa: Giai điệu xứ Thanh. Nhạc sĩ Quốc Trụ nhận xét: “Đoàn Thanh Hóa sắp hàng đơn ca quá nhiều” (6/12 tiết mục). Còn giáo sư Quang Hải nhận xét: “Nét chuyên nghiệp tương đối rõ, phối khí sạch sẽ, nhưng chưa mới”. Ngoài chương trình mang tính riêng biệt đặc trưng của Nhà hát Giao hưởng và Vũ kịch TPHCM, hai chương trình của hai đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của TPHCM tham gia liên hoan lần này đã làm thất vọng cả giới chuyên môn lẫn công chúng. Chương trình Khát vọng tuổi trẻ của Trung tâm Ca nhạc nhẹ TPHCM quá yếu từ dàn dựng, cấu trúc chương trình và biểu diễn. Ông Hoàng Dũng - Giám đốc Nhà hát Giao hưởng và Vũ kịch TPHCM - cho rằng: “Chương trình chưa đủ đô; cấu tạo và biên tập ở dạng tạp kỹ, chưa tìm được nghệ thuật đỉnh cao. Theo nhạc sĩ Quốc Trụ, “chương trình sôi nổi nhưng quá lỗ chỗ, không đều tay. Các tiết mục sử dụng thời trang chỉ để trang trí nhưng lại phản cảm. Diễn viên múa để hở hang không hợp lý”.
Nặng hơn, một cán bộ ở đoàn CMN Thanh Hóa đã phát biểu: “Tại sao cho đến bây giờ trên sân khấu chuyên nghiệp còn tồn tại những tiết mục trình độ văn nghệ quần chúng như thế, xô bồ như thế?”.
Mặc dù được trao huy chương vàng nhưng chương trình Cho màu xanh mãi mãi của Nhà hát CMN Dân tộc Bông Sen vẫn bị đánh giá là một chương trình yếu. Bông Sen có lợi thế diễn trên “sân nhà”, khán giả cổ vũ ngồi chật rạp, nhưng chất lượng, theo đánh giá của NS Lê Ngọc Cường - Cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn, là còn nhiều hạn chế. Điều kỳ vọng của cả ban tổ chức và khán giả là muốn thưởng thức những tiết mục nghệ thuật đặc sắc ở đỉnh cao, xứng tầm của một nhà hát, nhưng đã không tìm thấy trong chương trình của Nhà hát CMN Dân tộc Bông Sen.
Tiền và chất xám...
Hai chương trình xứng đáng nhận huy chương vàng của liên hoan là Miền đất panturanka của Đoàn CMN Bình Thuận và Mùa xuân trên rẻo cao của Đoàn CMN Dân gian Việt Bắc. Cả hai chương trình đều được đồng nghiệp khen ngợi, Hội đồng Tư vấn nghệ thuật và cả khán giả. Nhạc sĩ Quốc Trụ khen: “Chương trình của Bình Thuận tốt, lôi cuốn người xem suốt từ đầu đến cuối”. Ông Hoàng Dũng: “Đây là một chương trình ấn tượng, sinh động, hưng phấn, kinh doanh được”. Tiến sĩ Trần Thanh Pôn - Trưởng Ban Giáo dục Dân tộc, Viện Nghiên cứu Giáo dục và Đào tạo phía Nam: “Với tư cách khán giả, tôi bị thuyết phục bởi chương trình đoàn Bình Thuận”. Được biết, đoàn CMN Bình Thuận là một trong số ít đoàn sống chủ yếu nhờ vào doanh thu từ biểu diễn (doanh thu 350 triệu đồng/năm).
Về tiền, chắc chắn Đoàn CMN Bình Thuận không thể so sánh với Nhà hát CMN Dân tộc Bông Sen nhưng đã có những thành công nhất định. Trung tâm Ca nhạc nhẹ của TPHCM được đầu tư hàng tỉ đồng/năm nhưng lại thất bại tại liên hoan này. Một câu hỏi được đặt ra: Tại sao Đoàn CMN Bình Thuận làm được cái mà các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp TPHCM không làm được? Nhạc sĩ Thanh Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Ca nhạc nhẹ TPHCM - cho rằng: “Vấn đề là ở chỗ làm sao đầu tư chất xám cho người lãnh đạo, chỉ đạo nghệ thuật. Có tiền nhưng không có con người cũng không làm được”.
Những năm gần đây, Bình Thuận đã trẻ hóa hoàn toàn đội ngũ biểu diễn, đội ngũ lãnh đạo và chỉ đạo nghệ thuật. Ông Lê Ngọc Cường - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - nhận xét: “Họ vẫn sáng tạo trên nền tảng của nghệ thuật múa Chăm, nhưng khác với phong cách của NSND Đặng Hùng - người đã từng đạt đến đỉnh cao trên lĩnh vực này. Tôi thật sự ngỡ ngàng trước họ”.
Từ chất lượng của liên hoan, giáo sư Ca Lê Thuần - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn nghệ thuật - đã đúc kết: “Cần có đội ngũ sáng tác, diễn viên khá hơn. Đứng về góc độ vĩ mô, Cục Nghệ thuật biểu diễn phải bồi dưỡng đội ngũ, vì đây là nền tảng để sáng tạo ra cái mới”.
Hữu Thân
Kết quả liên hoan . Huy chương vàng: Nhà hát CMN Dân tộc Bông Sen, Đoàn CMN tỉnh Bình Thuận, Đoàn CMN Dân gian Việt Bắc. . Huy chương bạc: Đoàn Nghệ thuật Quân khu 7, Đoàn CMN Dân tộc Khmer Sóc Trăng, Đoàn CMN Ninh Thuận, Đoàn CMN Thanh Hóa, Đoàn CMN Đồng Nai, Trung tâm Ca nhạc nhẹ TPHCM. . Bằng khen của UBND TPHCM tặng cho các đoàn không thuộc TPHCM . 25 giấy khen của Sở VHTT TPHCM tặng cho 25 tiết mục của các chương trình. . Giải đặc biệt: Nhà hát Giao hưởng và Vũ kịch TPHCM. |
Bình luận (0)