xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thưởng ngoạn… mưa lũ

Quang Tám – Viết Hai – Kim Ngân

Các loại thời tiết khắc nghiệt như mưa Huế, bão ở Đà Nẵng, lũ tại Hội An… đều có thể biến thành những sản phẩm du lịch đặc sắc, khác biệt

Với mong muốn tạo ra hiệu quả du lịch trong điều kiện thời tiết có nhiều yếu tố bất lợi của khu vực ven biển, Liên hiệp Khoa học Phát triển du lịch bền vững (STDe) đã đưa ra dự án phát triển sản phẩm du lịch từ mưa, bão, lũ tại miền Trung.

Mưa Huế lên tour

Tại Thừa Thiên - Huế, chương trình khai thác sản phẩm du lịch trong mưa sẽ được tỉnh tổ chức vào tháng 10-2012. Đây là một trong chuỗi hoạt động của Năm Du lịch 2012 đã được UBND tỉnh giới thiệu tại buổi họp báo ở Hà Nội vừa qua. Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết chương trình có sự phối hợp giữa chính quyền địa phương với STDe và Tổng cục Du lịch.

img

Du khách thích thú ngắm nhìn phố cổ Hội An trong lũ. Ảnh: LÊ VIẾT HAI

Theo ông Dũng, dự kiến một “không gian mưa Huế” sẽ được xây dựng tại Công viên 3-2 hoặc khách sạn Century nằm bên bờ sông Hương để du khách ngắm cảnh mưa trên sông và hình ảnh cầu Trường Tiền trong mưa… Chương trình còn thiết kế các điểm vui chơi giải trí và thưởng thức giá trị nghệ thuật như nhạc nước, múa rối nước, nghe thơ, vẽ tranh, chụp ảnh… kèm theo nhiều dịch vụ, hàng hóa lưu niệm, ẩm thực với chủ đề mưa Huế.

Để việc ngắm Huế trong mưa thuận tiện, Thừa Thiên - Huế sẽ đưa xích lô, xe đạp và du thuyền vào vận chuyển du khách. Mỗi phương tiện sẽ được thiết kế khác nhau và du khách có mẫu áo mưa riêng. Bản đồ chỉ dẫn mưa Huế cũng được thiết kế để du khách có thể ngắm và thưởng thức “đặc sản” này ở một số địa điểm nổi bật của TP, như Nghinh Lương Đình, Phu Văn Lâu, chùa Thiên Mụ, Đại Nội, đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu…  “Sau Năm Du lịch 2012, chúng tôi sẽ phát triển sản phẩm du lịch này vào mùa mưa các năm tới. Đây là một bước thử nghiệm và dần dần sản phẩm sẽ định hình” - ông Dũng khẳng định.

Nhiều ý kiến cho rằng đây là chương trình thú vị, sẽ hấp dẫn du khách vì mưa Huế rất thơ mộng. Tuy nhiên, không ít người trong cuộc vẫn băn khoăn. Ông Phan Quốc Vinh, Trưởng Phòng Kinh doanh - Công ty CP Du lịch DMZ Huế, lo ngại: “Du khách đến với chương trình để ngắm mưa nhưng trời không mưa thì sao?”. Theo ông Vinh, để chương trình thành công, người dân phải tham gia vì họ là chủ nhân của sản phẩm du lịch này, có nhiệm vụ giới thiệu mưa Huế đến du khách...

Thống kê cho thấy vào mùa mưa - từ tháng 9 đến 12, du khách đến Huế rất đông, khoảng 500.000 lượt người.

Kỳ thú lũ Hội An

Mùa lũ ở phố cổ Hội An - Quảng Nam từ lâu đã hấp dẫn du khách. Hội An có vẻ đẹp rất riêng trong mùa mưa lũ. Khác với nhiều nơi, người dân phố cổ rất bình thản đón lũ về, nhịp sống của họ không có nhiều xáo trộn. Đi thuyền trên những con phố ngập trong nước phù sa đỏ ngầu ở Hội An có một cảm giác rất lạ. Ta có thể chạm tay vào mái ngói rêu phong hay ngọn cây bên đường, ngắm hình ảnh những căn nhà hắt xuống mặt nước lung linh, quan sát nhịp sống người dân trên tầng nhà tránh lũ…

Ý tưởng về tour du lịch mùa lũ ở Hội An xuất phát từ thực tiễn. Du khách nước ngoài thường không bỏ lỡ cơ hội nhìn ngắm những căn nhà, góc phố cổ kính ngập chìm trong nước, vậy là họ thuê thuyền rong ruổi và mê mải chụp hình, quay phim những khoảnh khắc độc đáo. Một nhóm nhà khoa học của STDe đã đến Hội An quan sát, ghi nhận, hình thành ý tưởng và xây dựng dự án gửi nhiều nơi để xin tài trợ thực hiện nhưng chưa được hồi âm, ngoài sự ủng hộ của chính quyền TP.

Dự án này nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Một số người phản đối: “Ai lại du lịch, đi chơi trong khi người khác chạy lũ? Phản cảm quá!”. Một thành  viên Ban Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn Hội An băn khoăn: “Một người dân thiệt mạng đã là không được, một du khách nước ngoài có mệnh hệ gì lại càng rắc rối”. Thế nhưng, thực tế là nhu cầu vẫn lớn nên nhiều du khách vẫn thuê thuyền đi lòng vòng phố cổ trong mùa mưa lũ.

Trong khi đó, ông Trần Văn Nhân, Phó trưởng Phòng Thương mại - Du lịch Hội An, nhận xét: “Tour mùa lũ nếu triển khai sẽ có nhiều thuận lợi cho việc phát triển du lịch Hội An, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ”. Ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND phường Minh An, trung tâm phố cổ, cũng hào hứng: “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ tour này và mong nó sớm đi vào hoạt động. Khi đó, bà con phố cổ sẽ có thêm thu nhập, hoạt động kinh doanh và việc làm của họ không bị gián đoạn bởi mưa lũ”.

Ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy TP Hội An, khẳng định tour du lịch mưa lũ ở phố cổ sẽ sớm được triển khai hoạt động. Theo ông Sự, dự kiến với tour du lịch này, du khách sẽ ngắm phố cổ bằng thuyền trên đường Nguyễn Thái Học, tuyến phố dài nằm song song với đường Bạch Đằng sát sông Hoài. Ở mỗi ngã tư sẽ có phương tiện ngăn du khách rẽ sang phố khác; cách 10-20 m trên đường có một thuyền cứu hộ sẵn sàng. TP khuyến khích và tạo điều kiện cho những hộ kinh doanh trong phố cổ mở cửa hoạt động ở tầng 2… 

“Phương án thai thác tour du lịch này được đặt ra cách đây 4 năm nhưng chính quyền TP đã yêu cầu xây dựng cụ thể, nhất là việc bảo đảm an toàn cho du khách. Có thể sang năm, tour du lịch này sẽ được đưa vào hoạt động vì năm nay phương tiện chưa chuẩn bị đủ”- ông Sự cho biết.

An toàn: Yêu cầu tối thượng

Theo dự án, các loại thời tiết khắc nghiệt như mưa Huế, bão ở Đà Nẵng, lụt tại Hội An… đều có thể biến thành những sản phẩm du lịch đặc sắc, khác biệt. Theo dự án của STDe, ngoài mưa Huế và lũ lụt tại Hội An, mạo hiểm và thiên tai sẽ là 2 loại hình du lịch đặc trưng cho TP Đà Nẵng. Bên cạnh đó, hoạt động cứu trợ, thăm hỏi người dân vùng bão lũ cũng được kỳ vọng sẽ thu hút đối tượng khách thích khám phá, mạo hiểm.

Đại diện nhiều công ty du lịch, hãng lữ hành đều cho rằng cách làm du lịch từ mưa, bão, lũ tại miền Trung như dự án của STDe gợi mở một hướng nhìn mới, tiếp cận mới, tạo ra những sản phẩm du lịch mới, độc đáo làm phong phú các sản phẩm du lịch Việt Nam. Các cơ quan quản lý địa phương cũng tỏ ra mặn mà với đề án này.

Tuy nhiên, không ít nhà quản lý cũng tỏ ra thận trọng. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 2-12, một lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho rằng ý tưởng này lạ lẫm và độc đáo nhưng thực hiện sẽ không đơn giản. Lúc đó, phải tính toán đến nhiều vấn đề liên quan như cơ sở vật chất, thuyền bè, phương tiện cứu hộ, thực phẩm, nhân lực phục vụ... Trong thiên tai, việc bảo đảm an toàn cho du khách là yêu cầu tối thượng. Đưa khách đi du lịch trong lúc này có thể xung đột với những chỉ đạo trong tình huống khẩn cấp. Liệu các phương tiện đi lại có bảo đảm tuyệt đối an toàn cho du khách khi diễn biến thời tiết vẫn chưa thể dự đoán chính xác?
Yến Anh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo