Chụp ảnh nhé! Mua đi…. Tiền chụp ảnh...
Tôi mặc lên mình chiếc áo có hình quốc kỳ VN và tay cầm quyển sách hướng dẫn du lịch Một hành tinh đơn côi (Lonely planet) mà dân Tây “balô” hay sử dụng. Sau đó tôi xoa xoa cho đầu mình bù xù một chút, tập nói một ít tiếng Anh với giọng hơi ngọng nghịu và một hai câu tiếng Nhật. Tự nhìn mình trong gương: trông cũng khá giống một Tây “balô”!
8g30. Tôi đeo máy ảnh, đi bộ từ tượng đài Cảm tử đến Nhà hát Rối nước trung ương. Vừa đi vừa thỉnh thoảng chúi đầu vào quyển sách rồi ngơ ngác nhìn xung quanh với bộ dạng của một kẻ đất khách quê người.
Đến trước bốt bán vé rối nước, một chị bán hàng rong liếc nhìn tôi nghi hoặc rồi thấy tôi có vẻ đúng là... Tây “balô” nên lập tức sà đến. Chị đon đả nói bằng một thứ tiếng Anh cụt lủn: “Mua cho tôi!” (Buy me!) rồi cầm một túi chuối gí gí vào mặt tôi.
Tôi trả lời bằng tiếng Anh: “Không! Cảm ơn”. Thấy thế chị ta vỗ vỗ vào vai tôi, rồi đập đập vào quang gánh nói: “Ảnh nhé! Ảnh nhé!”. Tôi giả bộ: “Sao mà chụp được?”. Chị ta nói: “Tôi... ảnh... anh!” (I... photo... you!) và dùng tay chân để diễn tả thêm. Vừa nói chị vừa đặt quang gánh lên vai tôi.
Tôi đưa máy ảnh cho chị. Với vẻ rất quen thuộc chiếc máy kỹ thuật số, chị lùi lại và bấm máy rồi đưa lại cho tôi. Tôi nói: “Cảm ơn” rồi cất máy trở lại bao. Lúc này chị lại cầm lấy túi chuối: “Chụp ảnh rồi! Mua đi!”. Tôi hỏi: “Bao nhiêu?”. “Hai đô”. 2 USD cho 4, 5 quả chuối? Tôi lắc đầu rồi bước đi.
Chị lập tức bám theo cố nài tôi mua. Tôi nói “không” một lần nữa. Thấy vậy chị kéo kéo áo tôi nói: “Tiền chụp ảnh!” rồi chìa tay về phía tôi. Tôi lắc đầu. Lúc đó thấy chị nói bằng tiếng Việt: “Mới sáng đã gặp thằng châu Á. Hãm thế cơ chứ lại”.
Tôi tiếp tục đi bộ ra khu chợ Hàng Bè. Đây là khu chợ rất nhiều du khách tìm đến. Đi bộ quanh chợ một lúc, đã thấy hai chị bán hàng gánh rong đang chờ. Và khi tôi vừa bước đến gần thì lập tức: “Chụp ảnh nhé!”...
Thằng… tôi là Nhật hay Hàn?
Điểm tiếp theo trong hành trình làm Tây “balô” của tôi là Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đi bộ từ bãi đỗ ôtô, tôi lướt qua khu vực mà những người bán hàng rong hay “làm việc”. Khi đến gần, mấy chị bán áo thêu và mấy anh bán postcard nhìn tôi với ánh mắt của những thám tử: “Thằng này không hiểu là Nhật hay là Hàn?”.
“Chắc là Nhật! Bọn Hàn ít đi một mình lắm”. Thấy tôi đi chậm lại và nhìn hơi kỹ vào một cái áo thêu, lập tức chị bán áo bước đến: “Mua đi!”. Hành động đó như một phản ứng dây chuyền khiến tất cả những người còn lại đều quây quanh tôi: “Mua đi. Áo nhé? Postcard nhé!”.
Tôi lắc đầu. Một cậu bán postcard mà tôi đã gặp nhiều lần khi dẫn khách đi tour đến Văn Miếu nhìn tôi nghi hoặc và nói với mấy người xung quanh: “Thằng này nhìn trông cứ quen quen”.
Đúng lúc đó một chiếc xe 45 chỗ đỗ xịch lại. Những người bán hàng rong lập tức chạy đến mục tiêu mới. Lần này là một đoàn khách Pháp. Họ bám theo đoàn khách này từ bãi đỗ xe, đi qua bia hạ mã và đến bốt bán vé tham quan.
Đến đây, đoàn khách phải dừng lại để hướng dẫn viên mua vé. Đó là thời điểm mà những người bán hàng hoạt động hết công suất. Xung quanh tôi là hỗn độn những tiếng “postcard?”, “áo thêu”, “một dollar”. Mấy chị bán áo đang giơ áo sát vào mặt những du khách. Hướng dẫn viên mua vé xong liền hô to: “Xin đi theo tôi!”.
Đoàn khách liền lục tục đi theo hướng dẫn. Mấy anh bán postcard cố chạy theo vớt vát bằng cách kéo kéo áo mấy ông khách. Rồi thì họ tản ra. Một cậu chàng đen nhẻm cầm postcard thấy tôi cầm máy ảnh đứng đó liền nói: “Đi xe máy không?” (Motorbike?)... Một đoàn khách Hàn Quốc từ trong Văn Miếu đi ra, và những người bán hàng lại tiếp tục...
Nạn bán hàng rong, postcard còn phổ biến ở những danh thắng khác của Hà Nội như khu phố cổ, chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh...
Đang đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, bỗng có một cô bé khá xinh xắn bước lại gần cúi đầu: “Konichiwa!”. Chắc tại cô ta tưởng tôi là người Nhật. Tôi hơi bất ngờ và đáp lại: “Konichiwa!”. Lập tức cô gái nói liên hồi bằng tiếng Nhật. Tôi bẽn lẽn và đành nói thật với cô bé tôi là... người Việt, chỉ có ý định đóng giả Tây “balô” để viết bài mà thôi. Hóa ra cô bé đó tên Nhung, quê ở Thanh Hóa, vốn là sinh viên khoa tiếng Nhật của Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội lên đây tìm gặp khách du lịch để rèn luyện ngoại ngữ.
Đi vào chợ Đồng Xuân, thấy một chiếc áo in dòng chữ “Good morning Vietnam” và một hình người đạp xích lô khá đẹp, tôi hỏi người bán hàng (bằng tiếng Anh): “Bao nhiêu tiền?”. Bà bán hàng trả lời: “Ba dollar”. Lập tức cô bé bán hàng phụ giúp nhắc: “Bọn Tây “balô” “ki” lắm. Bác nói hai đô thôi”.
Quả thật, sau khi thấy tôi lưỡng lự, bà bán hàng nói lại: “Hai dollar? Mua nhé!”... Trong bộ dạng một người Tây “balô” mới thấy những người bán hàng khá “nể” dòng khách du lịch này. Cụ thể là họ ít khi bán đồ quá đắt. Còn nhớ lần đó vào Sài Gòn, trên khu phố Bùi Viện buổi sáng trong bộ dạng một chàng Tây “balô”, tôi mua một chai nước La Vie với giá 5.000đ. Buổi chiều khi nói giọng Bắc mua hàng, chai nước đó đã có giá... 10.000đ.
Về nhà, trút bỏ lốt Tây “balô” để trở về làm... ta, tôi chợt nghĩ nếu ta có thể dẹp được hết những nạn bán hàng rong, chèo kéo du khách... nhưng rồi lại thấy phân vân: “Nếu dẹp bỏ hết, họ sẽ làm gì? Giá như có một sự tổ chức tốt hơn để họ có chỗ bán hàng lưu niệm kiếm sống mà không phải chạy theo và níu kéo du khách...?”.
Bình luận (0)