Sáng 9-3, từ rất sớm, những chuyến xe đưa học sinh từ 14 trường THPT trên địa bàn TP Thủ Đức đã "đổ bộ" sân Trường THPT Nguyễn Hữu Huân để tham dự chương trình "Đưa trường học đến thí sinh", do Báo Người Lao Động và Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM tổ chức. Chương trình được Đài Truyền hình TP HCM truyền hình trực tiếp và nhiều học sinh đã thể hiện sự háo hức, mong chờ.
Thông tin mới nhất về thi và xét tuyển
Mở đầu chương trình, hơn 2.000 học sinh chăm chú nghe PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT, thông tin về một số điểm mới trong Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2024, đồng thời lưu ý những điểm quan trọng trong quy chế tuyển sinh.
Bà Thủy cho biết kỳ tuyển sinh năm 2024 vẫn giữ ổn định như năm 2023, mọi quy trình trong xét tuyển đều thực hiện online. Thí sinh có thể tham gia xét tuyển sớm ở các trường nhưng vẫn phải đăng ký lại trên hệ thống. Bà Thủy đặc biệt lưu ý thí sinh phải đặt nguyện vọng 1 vào ngành - trường mình yêu thích nhất.
Là người đặt câu hỏi đầu tiên với ban tư vấn, em Lê Huỳnh Tấn Đạt, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, cho biết đã đăng ký tham gia kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM. Nếu kết quả thi đợt 1 không như mong muốn, em có thể tiếp tục thi đợt 2 không?
ThS Phạm Thị Bích, Phó Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo - ĐHQG TP HCM, cho biết năm nay tổ chức 2 đợt thi. Cả 2 ngày thi 7-4 và 2-6 đều vào sáng chủ nhật, vì vậy học sinh hoàn toàn có thể đăng ký tham dự.
"Nếu thi 1 đợt, thí sinh sẽ lấy kết quả đó để nộp vào các trường ĐH có xét tuyển theo kỳ thi đánh giá năng lực. Với thí sinh đăng ký thi cả 2 đợt, hệ thống sẽ tự động chọn ra kết quả tốt nhất và gửi đến dữ liệu của các trường ĐH mà các em đã đăng ký xét tuyển. Đề thi tương đương đề minh họa đã công bố" - ThS Bích thông tin.
Thông qua các câu hỏi, có thể thấy học sinh TP HCM đã có những định hướng ngành nghề cho tương lai rất cụ thể. Các em có sự so sánh, cân nhắc lựa chọn giữa các ngành tương đồng. Các câu hỏi mang tính chuyên môn cao, quan tâm về cơ hội việc làm sau khi ra trường, đặc biệt là quan tâm nhiều với ngành mới mở.
Là người hướng ngoại, thích nghệ thuật, em Đỗ Ngọc Tiến, Trường THPT Nguyễn Huệ, cho biết đang tìm hiểu về các trường có đào tạo ngành công nghệ điện ảnh, truyền hình. Theo thầy Nguyễn Hoàng Quân, Giám đốc Tuyển sinh Trường ĐH Văn Hiến, đây là ngành mới của trường. Trường sử dụng 4 tổ hợp xét tuyển, trong đó có 2 tổ hợp thi năng khiếu. Sau đợt xét tuyển đầu tiên vào ngày 10-5, trường sẽ thông báo thời gian thi môn năng khiếu.
Tìm hiểu sâu nhiều ngành "hot"
Một học sinh cho biết bản thân khá tự tin giao tiếp tiếng Anh, đang quan tâm ngành logistics. Dù em đã tìm hiểu trên mạng nhưng vẫn chưa hình dung được sau khi ra trường sẽ làm việc ở đâu.
PGS-TS Nguyễn Minh Tâm, Trưởng Khoa Điện - Điện tử Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho biết ngành logistics đang thuộc Khoa Kinh tế của trường. Nhiều năm nay, ngành logistics được nhiều người quan tâm bởi nhu cầu nguồn nhân lực rất lớn. Sinh viên ra trường dễ dàng tìm được việc làm tại các cảng biển, doanh nghiệp nước ngoài… với mức lương hấp dẫn.
Một học sinh lo lắng cho biết có học lực trung bình nhưng lại rất thích ngành công nghệ thông tin - khoa học máy tính và muốn chọn trường có mức điểm chuẩn vừa phải.
ThS Trần Lê Trọng Phúc, Phó trưởng Phòng Quản lý Đào tạo Trường ĐH Mở TP HCM, cho biết ngành khoa học máy tính bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau. "Tùy từng trường mà học sinh chọn phương thức xét tuyển phù hợp. Em nên tham khảo điểm chuẩn các năm để đặt nguyện vọng cho phù hợp" - ThS Phúc nhấn mạnh.
Em Đoàn Đại Minh, Trường THPT Thủ Đức, cho biết dù đang học lớp 11 nhưng đã quan tâm đến các ngành mới của Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn. TS Đào Văn Tuyết, giảng viên Khoa Kỹ thuật và Khoa học máy tính Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn (SIU), thông tin trường có thêm ngành mới là công nghệ giáo dục, công nghệ y khoa và trí tuệ nhân tạo. Hiện tại, nhu cầu lao động đã tốt nghiệp ngành công nghệ y khoa tại các bệnh viện tăng rất nhiều.
Em Nguyễn Thanh Thương, Trường THPT Hoa Sen, cho hay đang quan tâm ngành y của trường ĐH tư vì có thể dễ trúng tuyển hơn. Theo TS Nguyễn Thanh Phương, Trưởng Phòng Quan hệ doanh nghiệp và việc làm sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, khối ngành y điểm chuẩn khá cao. Trường đang hợp tác đào tạo với các bệnh viện lớn ở TP HCM. Nếu theo ngành này, 50% chương trình thời gian đào tạo sẽ học trực tiếp tại các bệnh viện lớn. Những ngành học khác tại trường có mức học phí dao động 50 - 60 triệu đồng; riêng ngành y, mức học phí cho 6 năm học trên 900 triệu đồng.
Tìm hiểu kỹ trước khi "chốt đơn"
Một học sinh Trường THPT Bình Triệu phân vân giữa ngành tài chính ngân hàng và thương mại điện tử. Em tiết lộ mình là người hướng ngoại, năng động, vậy thích hợp với ngành nào?
ThS Đỗ Quang Vinh, Phó Ban Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công Thương TP HCM, đưa ra lời khuyên: "Với cá tính năng động, học sinh nên chọn ngành thương mại điện tử. Trước khi "chốt đơn", học sinh cần tham khảo thêm người quen và hỏi ý kiến gia đình".
Dự định theo học CĐ, em Nguyễn Thị Hòa thắc mắc học mất thời gian bao lâu, sau khi tốt nghiệp có thể liên thông lên ĐH hay không? Thầy Nguyễn Hữu Thọ, Giám đốc Trung tâm Tư vấn - tuyển sinh Trường CĐ Kỹ thuật - Du lịch Sài Gòn, cho biết hệ CĐ có nhiều ưu điểm. Mức học phí sẽ nhẹ nhàng hơn so với học ĐH. Trong vòng 2 năm rưỡi, sinh viên đã tốt nghiệp và có thể đi làm. các em cũng có thể liên thông ĐH theo hệ vừa học vừa làm.
Một học sinh khác bày tỏ cảm thấy áp lực khi phải lựa chọn ngành nghề tương lai. Em chia sẻ bản thân muốn theo học những ngành về nhân văn nhưng cha mẹ lại muốn em học những ngành liên quan tự nhiên.
Gỡ rối cho học sinh, TS Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho biết nếu gặp trường hợp "nội bộ chưa thống nhất" thì cần dành thêm thời gian để tìm hiểu sâu hơn giữa 2 nhóm ngành. Trong trường hợp bản thân không tìm được cách dung hòa, thích nghi được thì nên thuyết phục cha mẹ và chứng minh rằng bản thân có khả năng học tập thật tốt.
Báo Người Lao Động trao tặng 20 suất học bổng
Những câu hỏi của nhiều học sinh trong chương trình thể hiện các em rất trưởng thành, biết tự chuẩn bị những hành trang trên con đường lựa chọn nghề nghiệp, lựa chọn lĩnh vực ngành nghề đào tạo mà mình muốn theo đuổi. Trong chương trình, các thành viên ban tư vấn đã giải đáp phần lớn những vấn đề mà các em quan tâm nêu ra; từ đó giúp các em có quyết định chọn nghề, chọn trường đúng đắn hơn.
Ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, nhận định chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" là sự kiện quan trọng với học sinh THPT, đặc biệt là khối 12. Theo ông, việc học tập, ôn luyện, nắm bắt thông tin tuyển sinh, lựa ngành, chọn trường, đăng ký nguyện vọng, bí quyết thi cử, tìm kiếm học bổng... được học sinh quan tâm. Các em luôn cần đến những chuyên gia tư vấn tuyển sinh, khảo thí, các thầy cô giàu kinh nghiệm về hướng nghiệp... nhằm định hướng, giải đáp cặn kẽ cho mình. Chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" đã giúp các em giải đáp được những băn khoăn đó.
Trong khuôn khổ chương trình, Ban Tổ chức đã trao 20 suất học bổng, mỗi suất trị giá 2 triệu đồng, tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đạt thành tích học tập tốt trên địa bàn. Số học bổng này được trích từ chương trình "Học bổng hỗ trợ học sinh - sinh viên dân tộc thiểu số, học sinh nghèo" của Báo Người Lao Động.
Chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" lần thứ 23 năm 2024 nhận được sự đồng hành của: Công ty CP Phân bón Bình Điền, Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank), Tập đoàn Vingroup, Công ty CP Thương mại và Truyền thông Thời Đại (Sun Group), Trường ĐH Văn Hiến, Trường CĐ Kỹ thuật - Du lịch Sài Gòn, Công ty CP Uniben, Trường ĐH Tài chính - Marketing.
Các đơn vị hỗ trợ - đồng hành: Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, Trường ĐH Mở TP HCM, Trường ĐH Công Thương TP HCM, Trường ĐH Tư thục Quốc tế Sài Gòn (SIU).
Bình luận (0)