Đề tài lịch sử về Thăng Long - Hà Nội đã thể hiện trong một số phim như: Đêm hội Long Trì, Kiếp phù du, Đề Thám, Sao tháng Tám, Hà Nội mùa đông năm 46... Nhưng tất cả vẫn là quá ít ỏi cho một Thăng Long xưa và một Hà Nội ngày nay.
Thiếu truyền thống văn hóa người Hà Nội
Đạo diễn Hải Ninh bày tỏ: Hà Nội kéo dài qua các triều đại từ Lý, Trần, Hồ, Lê, Mạc, Lê - Trịnh, Tây Sơn, Nguyễn và thời đại Hồ Chí Minh. Các sáng tác hướng về 1000 năm Thăng Long - Hà Nội có thể khai thác đề tài trong 10 thế kỷ đó. Nhà văn Võ Thị Xuân Hà lo lắng Hội Điện ảnh Hà Nội bấy lâu đã có nhiều tìm tòi để có được những tác phẩm hay về Hà Nội và con người thủ đô. Nhưng sự tìm tòi này liệu cứ mải miết đi tìm những cái to lớn mà bỏ đi những nét riêng, rất riêng của người dân Hà thành? Theo chị, trong các nhà văn hiện đại, có lẽ Nguyễn Huy Tưởng viết về người Hà Nội với nỗi niềm trăn trở nhất. Vậy mà trong Sống mãi với thủ đô, ông cũng chỉ đề cập đến một giai đoạn ngắn. Đến khi đạo diễn Lê Đức Tiến đưa tác phẩm này lên truyền hình, người xem chỉ thấy khí thế hào hùng của người Hà Nội trong kháng chiến. Nét riêng của người Hà Nội với cuộc sống thường ngày, với truyền thống văn hóa thể hiện trong tác phẩm văn học đã bị lu mờ.
Liệu có cuộc bứt phá?
Vậy thì làm thế nào để có được những tác phẩm điện ảnh vừa thể hiện tính cách anh hùng, lại vừa thanh lịch về con người Thăng Long - Hà Nội? Theo NSND Hải Ninh, việc đầu tiên chúng ta cần làm là đầu tư cho kịch bản, không kéo dài quá hai năm, bởi từ ngôn ngữ văn học sang ngôn ngữ điện ảnh, từ những miêu tả trên các trang giấy, đến việc xây dựng hình ảnh của một bộ phim lịch sử là một quá trình phức tạp, công phu và mất rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, qua thực tế đã thấy, không dễ gì có được những tác phẩm hay, vì vậy cũng khó có cơ sở khẳng định sau một cuộc thi có thể thu được những tác phẩm hay. Chúng ta có thể làm lại các tác phẩm văn học có giá trị như Hoàng Lê nhất thống chí, Lũy hoa... mà truyền hình thể hiện chưa thành công.
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Lợi - nguyên Phó Giám đốc Hãng phim Truyện VN I, phát biểu nước ta có hai danh nhân văn hóa thế giới là Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh. Phim truyện nhựa về Chủ tịch Hồ Chí Minh chúng ta đã làm nhiều, nhưng về Nguyễn Trãi thì chưa. Bây giờ chúng ta có thể làm phim về Nguyễn Trãi, chủ yếu là thời Đại cáo bình Ngô xây dựng đất nước trong thời bình, hướng về ba nội dung chủ yếu: Nguyễn Trãi củng cố nền chính trị, ngôi vua, dìu dắt Lê Thái Tông lúc mới lên ngôi sau khi Lê Lợi mất; Nguyễn Trãi với việc đấu tranh giữ gìn hòa bình và phát triển văn hóa truyền thống dân tộc, chống rập khuôn mù quáng theo lễ nhạc nhà Minh; Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ xả thân cứu hoàng phi Ngọc Giao và hoàng tử Hạo thoát khỏi âm mưu của nguyên phi Nguyễn Thị Anh và bọn gian thần (hoàng tử Hạo sau này là vua Lê Thánh Tông - một vị vua sáng triều Lê, xứng đáng nối dõi sự nghiệp vẻ vang của Lê Lợi và Nguyễn Trãi).
Biên kịch Đoàn Trúc Quỳnh lại cho rằng, không nhất thiết cứ phải là những bộ phim quy mô, binh đao tốn kém quá sức mà chất lượng chẳng ra sao. Chúng ta cần chọn lọc ra cho được những câu chuyện nhỏ, sự kiện hay mà hấp dẫn, điển hình để làm phim ít tốn kém nhất. Phải “liệu cơm gắp mắm”, thà làm ít, làm nhỏ mà hay còn hơn ôm đồm, muốn làm phim hoành tráng, nhiều tập nhưng lại đuối sức, biến thành phim dở!
Bình luận (0)