xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Con ơi, mẹ ở đây..."

Lan Chi

Tôi nhận ra rằng, chỉ có tình yêu thương, sự tin cậy, lòng kiên trì, phương pháp giáo dục đúng đắn; đặc biệt, phải tôn trọng con trẻ thì mới có thể giúp nó vượt qua những tật chứng của lứa tuổi...

img

Trong một thời gian dài, con gái đã không hé môi về những chuyện nó đã làm...
 
Trời càng về khuya, tôi càng bấn loạn. Tôi lại gọi cho cô giáo chủ nhiệm của con. Nhưng mới vừa nói được mấy tiếng: “Cô ơi, cháu vẫn chưa về...” thì tôi đã nghẹn lời. Cô giáo chủ nhiệm của cháu đã ngoài bốn mươi nhưng chưa lập gia đình nên có lẽ cũng không hiểu hết những gì mà tôi - một người mẹ đang trãi qua. Tuy vậy, cô vẫn hết lời an ủi. Chúng tôi cố nhớ lại xem trong lớp cháu chơi thân với bạn nào. “Hình như bé Mai chơi thân với bé Duyên ở quận 9 mới chuyển về. Ba của Duyên vừa mất, mẹ em ấy phải về quê lo cúng giỗ nên gởi cháu cho mấy người dì ở thành phố. Nhưng thú thật, tôi cũng không biết chắc cháu ở với dì nào”.

Tôi nhớ, có lần đón con, thấy hai đứa đứng chơi với nhau ngoài cổng. Sau đó con nhờ tôi chở bạn về vì đã trễ mà không có ai tới đón. Tôi đã chở cô bé về đến đầu một con hẻm gần cao ốc Thuận Kiều. Nhớ ra điều này, tôi phóng xe đến đó. Tôi hỏi dò từng nhà. Nhưng chẳng ai biết “bé Duyên học ở trường Hồng Bàng, mới ở quận 9 chuyển về”. Khi tôi gần như tuyệt vọng thì có một đôi vợ chồng đèo nhau trên xe máy dừng lại trước cổng căn nhà cuối cùng trong hẻm. Nghe tôi hỏi, hai vợ chồng sốt sắng: “Cháu Duyên ở với tụi tôi nhưng cháu đã theo các anh chị đi chơi”. Họ gọi điện để tôi nói chuyện với Duyên. Con bé có vẻ lo lắng: “Hồi chiều con thấy bạn Mai đi với bạn Hương ở lớp 8/16 cũ...”. 

Tôi biết nhà Hương ở quận Tân Phú vì các cháu học chung với nhau từ lớp 4 ở trường tiểu học Chính Nghĩa. Có mấy lần chồng tôi đã chở con đến nhà bạn chơi. Tôi gọi đến nhà Hương. Ba của Hương bảo: “Nó xin đi tới 9 giờ (tức 21 giờ) mà giờ vẫn chưa thấy về. Khi nào cháu về, tôi sẽ gọi cho chị”.

Lúc đó đã gần 22 giờ. Tôi quanh quẩn ở Parkson Hùng Vương, hi vọng tìm thấy con sau xuất chiếu cuối cùng ở MegaStar. Không thấy tôi về, chồng tôi gọi điện. Biết không giấu được, tôi thú thật: “Con nó đi đâu mất tiêu rồi anh ơi... Em chờ từ chiều tới giờ vẫn không thấy nó...”. Và tôi lại khóc. “Con với cái! Cưng chiều quá nên hư”- ông xã tôi không nén được bực dọc. Tôi cố kềm nén bởi lúc đó nếu tôi trả lời thì hai vợ chồng sẽ gây gổ. Điều cần nhất bây giờ là tìm con chứ không phải đổ lỗi ai đã làm hư nó.

22h30. Ba của Hương gọi. Tôi mừng quýnh nhưng rồi lại thất vọng khi anh nói: “Con Hương vẫn chưa về chị à. Tụi này thiệt kỳ. Gọi không chịu bắt máy”. Trong nỗi lo sợ đến thắt ruột gan, tôi vẫn tìm thấy một chút an ủi khi nghĩ hai đứa đi với nhau, dù gì thì cũng đỡ hơn...

Trời về khuya càng lạnh. Tôi ngồi chờ nhưng niềm hi vọng cứ vơi dần. 23h30. Xuất chiếu cuối cùng của MegaStar Hùng Vương đã xong từ lâu. Chồng tôi cũng đã đến. Anh bảo tôi về nhưng tôi làm sao về được khi con tôi không có ở nhà? Cháu đi chơi hay bị bắt cóc, dụ dỗ? Liệu một đứa trẻ chưa tròn 15 tuổi có thể làm gì để chống đỡ trước những hiểm nguy? Và điều khiến tôi hoang mang nhất là tôi không hiểu vì sao con lại không về?

“Về thôi em”- chồng tôi lại nằn nì. “Hay là báo công an hả anh?”- tôi tuyệt vọng. Nhưng chồng tôi lắc đầu: “Thôi, về nhà rồi tính. Chắc không sao đâu. Con nó cũng đã lớn rồi”. Lần này tôi nghe lời anh.

Nhưng tôi cứ ngồi trước cửa nhà vì sợ con về không có ai mở cửa. Tôi chờ trong vô vọng. 4 giờ sáng, tôi lại cãi chồng, xách xe đi tìm con. Tôi vừa chạy xe, vừa nói như niệm thần chú: “Con ơi, mẹ ở đây nè...”. Tôi đã nói không biết bao nhiêu lần câu ấy...

5h30, mẹ Hương gọi cho tôi: “Ba con Hương mới ghé nhà mấy đứa chơi chung đám với tụi nó nhưng hai đứa không có tới đó chị à”. Tôi cảm thấy mình không còn thở được nữa. Những gì đã trãi qua khiến tôi kiệt sức.

Ngày... tháng... năm...
Tưởng chỉ có mình con Trang, ai dè nó lại rủ thêm mấy đứa nữa. Bọn này thoạt nhìn mình đã không ưa. Nghe đâu tụi nó học chung trường Bình Phú với con Trang, hơn mình một lớp. Cả bọn đi taxi tới một quán cà phê Internet. Mình có 50 ngàn nhưng phải hùn 20 ngàn trả tiền taxi. Vô quán, tụi nó kêu thứ nước gì mình cũng không biết. Hơi khó uống nên mình chỉ hớp một miếng rồi thôi. Đói bụng. Mẹ lại gọi. Mẹ gọi dễ đến một trăm lần rồi. Hết gọi lại nhắn. Mình không đọc mà xóa ngay vì sợ nếu đọc thì sẽ lung lay quyết tâm... Một đứa bạn con Trang thấy mình cứ lấy điện thoại ra vô hoài, nó giật lấy đập mạnh xuống sàn nhà. Mình thấy sợ.
img
Con tôi nói, những trò bài bạc như vầy xảy ra thường xuyên trong lớp mà nhà trường không hay biết...
 
23h30, quán đóng cửa. Cả bọn kéo ra đường. Xe cộ thưa thớt. Mình nhìn lên bảng hiệu bên đường và biết ở đây là quận 6. Từ quận 6 về nhà mình ở quận 3 không biết có xa không?Mình muốn về nhưng lại sợ mấy đứa bạn con Trang vì tụi nó dọa, đứa nào bỏ cuộc là sẽ bị xử đẹp.

Lang thang một hồi mình bắt đầu thấm mệt. Buồn ngủ. Không biết tụi này sẽ dẫn hai đứa mình đi đâu. Lại thấy sợ. May quá, có ai đó gọi mấy đứa kia nên tụi nó bỏ đi. Chỉ còn mình với con Hương. Trời lại đổ mưa. Hai đứa tấp vào mái hiên Chợ Bình Tây, co ro vì lạnh. Mình bỗng nghĩ đến những chuyện báo chí hay đăng. Trời ơi, nếu bây giờ mà gặp bọn ma cô hay bọn bắt cóc trẻ con để bán ra nước ngoài thì mình phải làm sao? Mình sẽ la thật to và chạy. Nhưng lỡ chúng đánh thuốc mê thì sao? Hoặc là bọn chúng có súng... Trời ơi, giờ nhớ lại vẫn thấy sợ run người.

5 giờ sáng. Đường sá đã bắt đầu đông xe cộ. Mình với con Hương hỏi một bác công nhân quét rác đường về Chùa Ông. Theo hướng bác chỉ, hai đứa rán lết về trường cũ. Lúc đó, mình chỉ nghĩ đơn giản, hồi học trường Chính Nghĩa, nhiều khi mẹ rước trễ, mình ngồi chơi ở sân chùa mà chẳng thấy sợ gì. “Tao đói bụng quá”- con Hương than. “Tao cũng vậy. Đói muốn xỉu luôn”. Hai đứa lục lọi tất cả túi áo, túi quần, cặp sách còn được 20 ngàn nên quyết định ghé vô chỗ bà bán xôi. 2 dĩa xôi đậu xanh, 1 chai nước suối uống chung.
 
Mình vừa ăn, vừa nhìn ngó mông lung, bụng rối bời.Giờ làm sao mà về nhà đây? Biết ăn nói thế nào với ba, với mẹ?Lần này chắc là bị đòn nát đít rồi. Mẹ cũng không cứu nổi mình đâu. Trước mắt là hôm nay phải nghỉ học vì đuối quá rồi... Mọi ngày giờ này đang chuẩn bị đi học. Mẹ đang làm đồ ăn sáng cho mình. Ước gì bây giờ có mẹ...Trời ơi, mình có bị hoa mắt hay ảo giác không vậy? Đúng là mẹ kìa. Mẹ đang dừng đèn đỏ ngay ngã tư trước mặt. Mẹ cũng đã trông thấy mình...

Tôi thật sự không tin vào mắt mình. Khi xe dừng đèn đỏ, tôi đưa mắt nhìn quanh, cái nhìn không định hướng nhưng vẫn đầy hi vọng rằng con tôi đang đứng, ngồi đâu đó. Trời ơi, ngay phía bên kia đường, có hai đứa trẻ ngồi nơi quán xôi vỉa hè mà ngày xưa tôi vẫn thường ghé mua cho con. Một trong hai đứa, chính là bé út của tôi. Không chờ đèn xanh, tôi ngó quanh rồi lao qua đường. Con bé cũng lật đật đứng lên. Tôi dựng xe, ôm chầm lấy con....
 
Tôi gọi điện cho chồng. Anh lặng đi hồi lâu. Tôi lại gọi cho ba mẹ bé Hương đến đón cháu và dặn đi dặn lại là không nên rầy la, đánh mắng cháu trong lúc này.
 
Ngày... tháng... năm...
Ba không nói gì, anh hai cũng không nói gì. Mình lấm lét vào phòng lấy quần áo đi tắm. Tắm xong ra đã thấy trên bàn có một dĩa cơm tấm bì sườn, món ăn sáng khoái khẩu của mình. Chờ mình ăn xong, mẹ nói đã xin phép cho mình nghỉ hôm nay và bảo mình đi ngủ. Mẹ phải đi làm nên giao anh hai trông chừng mình. Ngủ dậy, mình thấy một mảnh giấy trên gối. Mình nhận ra chữ của mẹ: “Con của mẹ, dù con xấu hay tốt; dù con có làm điều gì lầm lỗi thì con vẫn là con của ba mẹ. Gia đình, đó nơi nơi ấm áp nhất của mỗi người chúng ta con ạ. Ba mẹ rất yêu con và sẽ mãi mãi như vậy”. Mình úp tờ giấy vào mặt. Nước mắt chảy ướt tờ giấy từ lúc nào...

Con bé có vẻ ngoan hơn, kết quả học tập cũng khá hơn. Nhưng sao thỉnh thoảng nó lại xin phép đi chơi với bạn và lần nào cũng về trễ. Mình hỏi đi chơi với ai thì nó không nói. Có nhiều hôm, mình phải đứng ngoài đường chờ nó đến nửa đêm. Tuy vậy, mình vẫn không tài nào biết được nó đi với ai vì nó chỉ xuất hiện khi mình đang mãi nhìn về hướng khác để ngóng chờ. Nếu mình vặn hỏi thì nó tỏ ra bực bội và im lặng, hoặc có lúc nó quát lại mình. “Anh hết chịu nổi rồi. Con với cái!”- mỗi lần như vậy chồng tôi lại gầm lên.

Anh lo lắng, buồn phiền đến nỗi bạc cả đầu, người gầy tọp đi. Tôi động viên anh hãy kiên nhẫn với con. Tôi đi gặp ba mẹ của bạn con để bàn cách dạy dỗ các cháu; tôi vào trường gặp cô chủ nhiệm đề nghị tổ chức các hoạt động xã hội từ thiện để các con tham gia; tôi nhờ thầy cô giáo dạy kèm tâm tình với con để hiểu các cháu đang nghĩ gì, cần gì... Và tôi vẫn kiên trì đứng đợi con mỗi lần nó đi chơi về muộn...

Ngày... tháng... năm...
Thật tình là mình không muốn làm cho ba mẹ buồn. Mình đã cố gắng rất nhiều. Nhưng bọn con Trang không tha cho mình. Chúng cứ bám riết khiến mình hoảng sợ. Mà mình thấy con Trang rất lạ. Nó là con gái mà không mặc áo ngực, lại đi mặc cái gì đó bó sát để người ta không thấy ngực; nó cắt tóc như con trai, ăn mặc đi đứng nói năng cũng như con trai. Thái độ của nó cũng kỳ. Hình như nó “ghen” khi thấy mình chơi thân với con Hương. Có lần nó còn đánh mình, nó cắn mình, cởi áo mình ra... Mình rất sợ nhưng không biết làm sao...

Cuối cùng thì con cũng đã nói ra những điều làm nó lo sợ. Tôi thấy thương con và nghĩ, nó đã tin tưởng nên mới chịu nói ra như vậy. Tôi liên hệ với nhà trường nơi Trang học và lần tìm ra gia đình của cháu. Đó là một gia đình công chức khá giả. Ba mẹ Trang cũng vô cùng đau khổ vì đứa con gái bất trị của mình. Bỗng dưng rồi giờ đây, tôi có thêm rất nhiều bạn bè - những bậc cha mẹ có con chưa ngoan...

Ngày... tháng... năm
Hôm nay là lần thứ ba mình đến thăm trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ em tàn tật Thị Nghè. Mỗi lần đến đây, mình lại buồn vui lẫn lộn. Vui vì mình là người may mắn hơn các em, mình lành lặn cả thể chất lẫn tâm hồn, mình có ba mẹ và anh hai... Còn buồn vì mình không biết tận hưởng niềm hạnh phúc ấy, mình đã làm khổ ba mẹ quá nhiều.Đôi lúc mình muốn chết vì thấy mình quá vô dụng...

Ngày... tháng... năm...
Thằng Khương đã bỏ mình đi theo con Ngân. Hụt hẫng. Mình dùng dao lam rạch vào cổ tay để dọa nó. Anh hai biết và méc mẹ. Thế là mẹ lại khóc. Mẹ lại viết cho mình... Lạ thật, những lời nói của mẹ nhiều khi khiến mình bực bội, nhưng những trang viết của mẹ thì lại có sức mạnh vô biên. Giờ đây, mình lại đâm ghiền cái mà mẹ gọi là “nhật ký viết cho con” của mẹ...

Ngày... tháng... năm...
Hôm nay cô chủ nhiệm biểu dương mình trước lớp vì đã tích cực tham gia công tác xã hội. Cô còn thưởng cho mình vì kết quả học tập tiến bộ vượt bậc. Tháng này mình đã lên được hạng 23. Sẽ cố gắng để thi chuyển cấp thật tốt...

Nhưng một lần nữa, con bé lại bướng bỉnh, không nghe lời nên cả ba nguyện vọng đều trượt. Nhìn con buồn, tôi không còn đủ sức để trách móc mà chỉ biết an ủi con. Không còn con đường nào khác, tôi đành phải cho con học lớp 10 ở trường tư. Cô hiệu trưởng của trường nguyên là trưởng phòng giáo dục - đào tạo một quận nội thành đã nghỉ hưu. Đặc biệt hơn, cô là con gái của một chiến sĩ Tiểu đoàn 307 năm xưa. Chúng tôi có quan điểm giống nhau về giáo dục nên thường xuyên liên hệ, trao đổi làm cách nào để các cháu ý thức được việc học hành là để trở thành người hữu ích của xã hội. Các hoạt động ngoại khóa, về nguồn, văn nghệ, thể dục, xã hội từ thiện được trường đặc biệt chú trọng.

Tôi không thể nói hết niềm vui sướng của mình khi thấy con thay đổi từng ngày. Nói thì đơn giản nhưng khoảng thời gian gần 4 năm qua là những chuỗi ngày tôi học làm mẹ, làm thầy, làm bạn với con. Từng chút một, tôi đã chiến đấu để giành lại con mình trước những bất thường của cuộc sống. “Con được như bây giờ, công đầu thuộc về em”- chồng tôi hay nói như vậy.
 
Đúc kết lại, tôi nhận ra rằng, chỉ có tình yêu thương, sự tin cậy, lòng kiên trì, phương pháp giáo dục đúng đắn; đặc biệt, phải tôn trọng con trẻ thì mới có thể giúp nó vượt qua những tật chứng của lứa tuổi “không còn là con nít nhưng cũng chưa phải người lớn”.

Giờ đây, con đã đi học xa. Sẽ có rất nhiều ngày con không về nhưng những ngày tháng trước mặt đối với chúng tôi không còn là những ngày dài vô tận...
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo