xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Con sông Mỹ” vẫn miên man chảy…

Hồng Vân

Bây giờ thì cha tôi và bác Tám đều đã đi xa. Má Hai cũng theo ông bà. Chỉ còn mẹ tôi ở lại với những ký ức vui buồn chắp vá. Con sông cũ vẫn bên bồi, bên lở; những chuyến đò vẫn chở khách ngược xuôi, chỉ có người muôn năm cũ thì không bao giờ về nữa…

Năm nào cũng vậy, chiều mùng 1 Tết cả nhà tôi lại đùm túm nhau từ quê nội ở Tam Bình về nhà ngoại ở Long Hồ. Tiếng là Long Hồ nhưng nhà ngoại lại thuộc 4 xã cù lao bên kia sông Cổ Chiên. Mỗi lần về nhà, mấy đứa nhỏ lại thích đi đò dù bây giờ đã có thể chạy xe tới tận sau hè nhà ngoại.

“Má nhìn kìa, đẹp quá!”. Con gái lớn của tôi chỉ tay ra xa. Con sông Cổ Chiên đang hồi nước lớn, những đám lục bình lãng đãng kéo dài cả khúc sông. Ngày xưa, tôi nhớ không chỉ có lục bình mà những tháng này, từng bầy le le về lặn hụp trên sông. Mỗi khi có dịp đi ghe với cha, tôi lại nằn nì cha cho ghe chạy đến gần để nhìn cho rõ. Nhưng bầy vịt trời rất nhát. Ghe còn ở xa thì chúng đã lặn mất tăm rồi lại nổi lên chỗ khác… Mỗi lần như vậy, cha tôi lại bảo: “Thấy chưa, cha nói mà không nghe”.

 

img

 

Đâu phải tôi không nghe mà tại vì có những sở thích mà người ta không lý giải được vì sao? Cũng như giờ đây, các con tôi về ngoại vẫn thích đi đò thế nhưng khi hỏi vì sao thích thì chúng lại lắc đầu: “Vì nhỏ lớn má chỉ cho đi đò về ngoại”.

Còn tôi, con sông Cổ Chiên đã gắn liền với những năm tháng tuổi thơ sáng chiều từ cù lao qua chợ để đến trường. Cha tôi, một người nông dân rặt ròng nhưng lại hiểu tầm quan trọng của cái sự học. Cha cho bầy con qua thị xã học từ bậc tiểu học. Tôi nhớ mỗi lần tôi làm biếng, kiếm chuyện này nọ để nghỉ học thì cha lại bảo: “Ráng học để sau này không cực khổ như cha”.

 

img

 

Câu nói rất nhẹ nhàng nhưng lại có sức mạnh vô cùng bởi tôi đã thấy cái cực khổ đề nặng lên vai cha mẹ như thế nào. Để nuôi bầy con chục đứa, cha chưa có một ngày nghỉ ngơi; thậm chí những ngày Tết, cha cũng không rời tay lái chiếc đò ngang chở khách qua sông. Cha nói đây là dịp kiếm tiền “rất ngon” vì người đi lại đông đúc, tiền đò lại tăng giá. Tôi nhớ những ngày còn nhỏ, trừ sáng mùng một về ngoại để đòi tiền lì xì thì những ngày còn lại, tôi đều theo cha chạy đò vì chắc chắn buổi tối về, thế nào cha cũng cho một đống tiền lẻ để bỏ ống heo…

“Má lại nhớ ông ngoại rồi…”- con gái thấy tôi im lặng nhìn lục bình trôi thì ghẹo. Tôi cười: “Nhớ chuyện hồi đó ông ngoại mê tuồng cải lương Tuyệt tình ca nên bà ngoại cứ tưởng ông ngoại có bồ... Vậy là bà ngoại với mấy bà cô đi rình bắt ghen, ai dè bị hố một cái quá mạng!”.

Chẳng biết ai kể lại mà mấy chị em tôi thuộc nằm lòng chuyện mẹ tôi và các cô bơi xuồng qua tận bên Cái Bè để đánh ghen. Kết cục là đánh ghen không thành nhưng từ đó mẹ tôi có người em kết nghĩa mà chị em tôi gọi là “Má Hai”. Má Hai là người yêu của bác Tám, bạn thân của cha tôi. Hai người yêu nhau thắm thiết nhưng vì chữ hiếu, bác Tám phải nghe lời cha mẹ đi cưới vợ. Cưới xong, bác Tám không chịu ở với vợ mà lên núi đi tu. Trước khi đi, bác Tám gởi người yêu cũ cho cha tôi trông nom dùm bới lúc đó, má Hai tôi đã có bầu anh hai Phương.

Giữ lời hứa với bạn, cha tôi lén lút tới lui thăm viếng, cho tiền, cho gạo… Được một thời gian thì có người tình cờ trông thấy, méc với mẹ tôi. Vậy là mẹ tôi rủ em chồng, đúng tối mùng ba Tết, bơi xuồng qua Cái Bè, nửa đêm “tập kích” nhà tình địch. Chuyện vỡ lỡ, má Hai đành thú thật mọi chuyện.

Sau này khi có người để ý má Hai, mẹ tôi bắt anh hai Phương về nuôi để má Hai rảnh rang đi bước nữa. Chẳng hiểu sao con nuôi mà anh hai Phương càng lớn càng giống cha tôi như đúc nên những lúc vui đùa, tụi tôi hay nói với mẹ: “Cha giương đông kích tây đó mẹ, anh hai Phương đúng là tác phẩm của cha”. Mẹ tôi chỉ cười. Già rồi, còn gì đâu nữa mà ghen!

Bây giờ thì cha tôi và bác Tám đều đã đi xa. Má Hai cũng theo ông bà. Chỉ còn mẹ tôi ở lại với những ký ức vui buồn chắp vá. Con sông cũ vẫn bên bồi, bên lở; những chuyến đò vẫn chở khách ngược xuôi, chỉ có người muôn năm cũ thì không bao giờ về nữa…

 

img

 

Cứ mỗi lần về nhà, nhìn con nước lớn lục bình trôi rời rạc, tôi lại nhớ cha, nhớ những tháng năm tươi xanh kỷ niệm, nhớ ông Cò Hương trong vở Tuyệt Tình ca và nhớ nhất là câu hát ru của mẹ hồi mới sanh thằng Út: “Con sông Mỹ nước miên man chảy, vạn đại không ai bắc được nhịp cầu…”. “Con sông Mỹ” trong câu ca chắc là con sông Tiền chảy ngang qua Mỹ Thuận. Cha tôi đã kịp nhìn thấy cây cầu dây văng hiện đại nối đôi bờ thương nhớ trước lúc đi xa; còn mẹ tôi đã kịp nhận ra rằng những điều tưởng chừng không thể lại trở thành có thể...

Chiều nay ngồi trên con đò xuôi dòng Cổ Chiên, ngước nhìn chiếc cầu Mỹ Thuận sừng sững nối liền đôi bờ sông Tiền, một cảm xúc rất lạ chợt dâng lên trong lòng. “Con sông Mỹ” nước vẫn miên man chảy, nhưng không chờ đến vạn đại mà nay đã bắc được nhịp cầu. Ở nơi xa ấy hẳn cha cũng vui lòng…

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo