Đánh rơi chiến thắng trước tuyển Nga vào phút cuối, may mắn vượt qua Xứ Wales ở những phút bù giờ rồi để Slovakia cầm hòa không bàn thắng, màn trình diễn phập phù của “tam sư” khiến người hâm mộ khó có thể nhận diện dung mạo đích thực của tuyển Anh với tư cách một ứng viên nặng ký. LĐBĐ Anh (FA) còn lật ngửa quân bài, rằng chỉ khi tuyển Anh vào đến bán kết, hợp đồng của Hodgson mới lập tức được gia hạn cho đến sau World Cup 2018. Ngược lại, việc ông ra đi là chuyện dễ đoán nếu đội không qua nổi “ải” Iceland.
Thật ra, không cần FA dụng chiêu “khích tướng”, HLV Hodgson cũng hiểu rõ điều gì cần làm trước đối thủ chỉ xếp hạng 34 thế giới, đến từ quốc gia vỏn vẹn 300.000 dân, ngang bằng thành phố nhỏ Leicester. Trong tay HLV L.Lagerback, Iceland không chỉ sở hữu lối chơi phòng ngự chắc chắn mà còn là một cỗ máy tấn công ở mức trung bình khá. Họ có đến 4 pha lập công tại vòng bảng so với 3 của tuyển Anh; trung bình 4,3 cú sút có 1 bàn thắng trong khi các chân sút Anh phải dứt điểm đến 14,3 lần. Tuyển Anh có 47 cú sút nhưng chỉ kiếm được 3 bàn thắng.
Thủ quân Rooney tự tin cho rằng chỉ cần ghi được bàn thắng sớm, tuyển Anh sẽ yên tâm chờ chiến thắng chung cuộc trước Iceland. Vấn đề của đội Anh là vài trụ cột có vẻ bị tâm lý khiến họ chơi không thật sự thanh thoát, như tiền đạo Kane và Lallana. Theo báo chí Anh, tiền đạo D.Sturridge sẽ được vào sân ngay từ đầu, chơi dạt sang phải thay cho Sterling để hỗ trợ Kane.
Ngoài ra, Rooney còn tiết lộ việc anh và đồng đội phải tập miệt mài bài sút phạt 11 m để có thể tránh được nỗi ám ảnh đè nặng đội suốt nhiều giải đấu lớn trong vòng vài chục năm qua.
Tuyển Anh chưa từng thất bại trước Iceland với 1 thắng, 1 hòa kể từ năm 1982. Trong khi đó, Iceland chẳng có gì để mất sau khi đánh bại Hà Lan ở vòng loại, buộc Bồ Đào Nha phải chia điểm rồi quật ngã cả “ngựa ô” Áo.
Bình luận (0)