xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Gấu biển” của gia tộc 5 đời vươn khơi

Bài và ảnh: Hồng Ánh

Đã 4 tháng qua, ông Trần Kim Hoa (SN 1950; ngụ phường 6, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) phải bỏ thói quen chiều chiều cùng người anh Trần Phượt (SN 1943, cùng ngụ phường 6) ra cửa Đà Diễn nhìn con nước để mách con cháu làng biển này biết lúc nào thì tàu ra, tàu vào tốt nhất.

Từ "thợ săn cá mập"…

Vết mổ u đại tràng của ông tuy đã lành nhưng cũng đã lấy ở ông rất nhiều sức lực. Thay vì ra cửa biển, ông lại ngồi nhà mở định vị, để kịp thời nhắn tin, nhắc nhở con cháu đang ngoài khơi, khi phát hiện tàu nào đó đến gần ranh đỏ của vùng chồng lấn.

Ông chỉ vào màn hình rồi bảo đây là vị trí 2 chiếc tàu của ông đang khai thác cá ngừ đại dương ở vùng biển Trường Sa. Chiếc tàu này là PY-96969-TS có công suất 460 CV hiện con trai ông là Trần Kim Chẩn (SN 1984, cùng nhà) làm thuyền trưởng. Chiếc lớn kia PY-96039-TS 550 CV được ông trao cho người cháu Nguyễn Văn Hiệp (SN 1982, gọi ông bằng dượng) cầm lái. Cả 2 chiếc đều đang di chuyển gần bên trong lằn ranh màu đỏ. "Vào vùng tranh chấp là thiết bị trên tàu sẽ cảnh báo và tôi sẽ lập tức nhắn tin cho chúng. Còn qua vùng ranh đỏ là tuyệt đối không được vì xâm phạm vùng biển các nước, vi phạm IUU" - ông Hoa giải thích và chia sẻ thêm: "Giá cá ngừ mấy năm nay đứng hoặc giảm là vì xuất khẩu khó khăn do vướng thẻ vàng IUU. Chỉ có gỡ được thẻ vàng thì ngư dân mới dễ thở".

“Gấu biển” của gia tộc 5 đời vươn khơi- Ảnh 1.

Một gia tộc 5 đời sống bám biển, ông thấu hiểu điều đó. Ban đầu, ông theo cha là Trần Phụ (SN 1915) hành nghề lưới cá chuồn. Sau năm 1975, một số Việt kiều gửi tiền về quê thu mua cước cá làm từ vây, đuôi cá mập với giá rất cao nên ông tập tành chuyển sang nghề câu cá mập. "Ngày ấy cá mập còn nhiều nhưng nghề này cực kỳ nguy hiểm" - ông kể.

Theo ông Hoa, vùng biển Trường Sa có không dưới 50 loài cá mập, sợ nhất là loài cá mập ngừ (theo tên gọi của ngư dân). Đây là loài cá mập lớn, có sức mạnh phi thường và rất hung tợn. Thường những người câu dính loài này phải cắt dây câu, thả đi, không dám bắt.

Lần đó thuyền ông câu dính một con cá mập ngừ lớn, khoảng 400 kg. Ông tiếc bộ vây, đuôi lớn của nó nên quyết bắt. Mất hơn 2 giờ để dìu cho cá đuối sức, khi kéo lại gần tàu, nó ngất ngư, nổi bụng trên mặt nước mà vẫn không thể nào kéo được lên tàu vì quá nặng. "Tôi phải cầm dao nhảy xuống biển, rạch bụng cá để lấy hết thức ăn và nội tạng ra mới kéo nổi cá lên tàu" - ông kể thêm. Lần ấy, tàu cá ông về bến mang theo con cá mập ngừ này, cả làng ra xem... Ngày đó, một bộ vây, đuôi cá mập lớn có thể làm ra hơn một ký cước cá với giá bán gần 1,5 lượng vàng.

Nói về em mình, ông Trần Phượt bảo: "Nó liều lắm, như con gấu ấy. Tôi cùng nó theo cha săn cá mập, học nghề nhưng tôi chẳng bao giờ dám nhảy xuống biển khi cá dính câu. Trên thuyền mình làm chủ nhưng dưới biển, cá mới là chủ".

… Đến "cha đẻ" nghề câu cá ngừ

Nói đến danh xưng "vua câu cá ngừ" mà người ta hay gọi, ông Hoa phá lên cười: "Vua cái con khỉ. Nói ăn cắp nghề thì dở nhưng tao cũng chỉ mày mò, học lỏm thôi".

Ông kể khoảng năm 1990, cá mập giảm hẳn. Có những chuyến biển gần 10 ngày không câu được con cá nào, ông phải chuyển lại nghề lưới khai thác cá chuồn. Trong những lần cho tàu chạy ở vùng chồng lấn, ông lại thấy tàu nước ngoài thường xuyên bắt được những con cá ngừ lớn đến trăm ký mà dân biển hay gọi là cá bò gù. Chờ tàu bạn đi xa, ông quay lại, nhảy xuống biển để tìm hiểu. Ông thấy họ dùng sợi cước lớn thả dài xuống biển, mỗi đoạn được cột vào chiếc phao lớn để cố định dây cước nổi trên mặt biển. Từ sợi cước ấy, cứ khoảng 15-20 m họ lại thả một rẻo bằng sợi cước nhỏ, đầu dưới cột vào lưỡi câu móc mồi cá hoặc mực. Chỉ vậy thôi mà họ bắt được những con cá bò gù to. Thế là ông quyết học nghề.

Ông lấy lưỡi câu cá mập để làm lưỡi, dùng cước lớn làm giàn câu và cước nhỏ làm rẻo. Ông mang theo giàn câu thử nghiệm vài chục lưỡi cứ móc mồi thả xuống biển, rồi lo khai thác cá chuồn. Đến khi quay lại, ông cũng bất ngờ vì cá bò gù dính kha khá nhưng phần lớn là cá nhỏ vì cá lớn cắn đứt rẻo câu để thoát. Nhưng sẩy con này, còn con khác.


“Gấu biển” của gia tộc 5 đời vươn khơi- Ảnh 2.

5 thế hệ bám biển

Ông Trần Kim Hoa và ông Trần Phượt là đời thứ 4 của dòng tộc họ Trần 5 đời bám biển. Quê ông ở xã Hoài Hải, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Ông cố của ông là cụ Trần Quyền nổi tiếng là tay sát cá. Nối nghiệp cha, ông nội ông là Trần Tương cũng đi biển khi mới lên 10. Vì đi biển từ rất sớm nên ông Tương là người nổi tiếng thuộc địa hình và con nước. Ngày đó, cả làng biển quê ông, người ta chỉ chờ ông Tương nổ máy ghe bầu là rùng rùng lên ghe đi theo.

Đến đời thứ 3 là ông Trần Phụ (cha ông Hoa, SN 1915) mới dám sắm thuyền lớn hơn để khai thác cá chuồn, cá ngừ vằn ở vùng lộng. Nhờ có thuyền lớn mà năm 1964, sau khi quê hương Hoài Hải của ông bị một trận bom, nhiều người bỏ mạng, ông Phụ đưa cả gia đình 7 người và 3 người bạn chạy một mạch gần 200 km, vào đến cửa Đà Diễn (TP Tuy Hòa) thấy yên ổn mới dừng lại lập nghiệp.

Đến đời ông Hoa, ông Phượt, sắm mỗi nhà 1-2 chiếc tàu đánh cá lớn trên dưới 500 CV để khai thác cá ngừ đại dương. Và nay tiếp tục chuyển sang con là đời thứ 5, lái những chiếc tàu lớn ấy bám biển.

"Người ta hay nói dân biển ít quan tâm đến chuyện học nhưng riêng gia tộc chúng tôi thì khác: Có quỹ khuyến học hẳn hoi với gần 100 triệu đồng. Hằng năm, đến mùng 2 tháng 5 âm lịch là tổ chức tuyên dương, khen thưởng các cháu học giỏi. Có học mới nên người" - ông Hoa quả quyết.

Cứ vậy, nghề câu cá bò gù (mà sau này gọi là cá ngừ đại dương) bắt đầu manh nha ở Phú Yên. Ông Phan Thuẩn - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường 6, TP Tuy Hòa - bảo rằng ngày đó cá bò gù bán rẻ như cho vì không ai ăn. Cá câu được chỉ muối mặn, phơi khô, chờ đến mùa đông, biển động, tàu thuyền chẳng đi biển được mới mang ra chợ bán. Nhưng ông Hoa bền chí, vẫn theo đuổi nghề này. Đến khi một số thương lái Đài Loan sang mua hải sản, phát hiện Phú Yên khai thác được cá ngừ đại dương, họ đặt mua với giá cao thì lúc đó nghề bắt đầu phát triển. "Cũng nhờ ông Hoa mà người ta mới biết được Phú Yên có nghề câu cá ngừ đại dương" - ông Thuẩn khẳng định.

Qua một số thương lái Đài Loan sang Phú Yên thu mua cá ngừ đại dương, ông Hoa đặt hàng mua lưỡi câu, rẻo câu từ bên đó để câu những con cá lớn. Nghề câu cá ngừ đại dương sau đó mới thật sự phát triển.

Ông Lê Đức Tuồng, Trưởng phòng Khai thác và Phát triển nguồn lợi thủy sản - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, bảo rằng Phú Yên là "cái nôi" nghề câu cá ngừ đại dương của Việt Nam thì ông Hoa là một trong những "cha đẻ" của nghề này, chẳng còn gì phải bàn!


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo