Cả lớp toàn là... HSXS
Trong khi ngồi chờ các phụ huynh khác đến đông đủ để cô giáo tiến hành buổi họp, tôi tranh thủ xem sổ liên lạc. Nhìn vào ô kết quả cuối năm thấy ghi đạt danh hiệu “Học sinh xuất sắc” (HSXS), tôi rất phấn khởi. Chưa kịp khoe thì đã nghe vị phụ huynh ngồi bên cạnh hỏi: “Cháu xếp loại gì?”. “Dạ, HSXS. Còn cháu?”. “Cũng HSXS!”. Tôi và vị phụ huynh kia cười sung sướng vì rất tự hào về con mình. Chợt sau lưng có người khều: “Con anh có đạt HSXS không?”. “Có, còn con chị?”. “Cũng!”. Lại cười mãn nguyện.
Lúc này phụ huynh đến đã đông đủ. Qua trao đổi, tôi được biết hầu hết con của các vị phụ huynh đều đạt danh hiệu HSXS. Sự hào hứng của các vị phụ huynh về HSXS từ từ giảm xuống, thay vào đó là sự hoài nghi, thắc mắc, lo âu...
Đến khi cô giáo chủ nhiệm công bố chính thức kết quả học tập của các cháu, cả lớp ồ lên như vỡ chợ. Cả lớp có 36 HS thì đã có 34 cháu đạt danh hiệu HSXS, 2 cháu còn lại đạt HS giỏi!
Không thể tin được!
Tôi cố tìm ra lý lẽ để bảo vệ thành tích của con mình. Có thể con mình học trường “điểm” nên mới có nhiều cháu đạt HSXS. Chợt nhớ có cô em có con học trường tiểu học C. bên Phú Nhuận, tôi liền gọi điện hỏi xem kết quả học tập của thằng cháu thế nào. “Nó đạt HSXS anh ạ!”, cô em gái trả lời. Tai tôi bắt đầu hơi lùng bùng. Lại gọi cho một cậu em khác có con học trường tiểu học T. ở quận 12. Câu trả lời cũng “HSXS”. Thật không thể nào tin được... đó là sự thật!
Trao phần thưởng cũng khó
Khổ nhất là lúc bàn đến việc trao phần thưởng, không biết lấy HS nào bỏ HS nào. Cô chủ nhiệm nói tiêu chuẩn của mỗi lớp chỉ có 5 phần quà mà lớp ta có đến 34 HSXS nên không biết chọn em nào, xin phụ huynh cho ý kiến. Một vị phụ huynh đề nghị cô chủ nhiệm cộng thêm điểm các môn phụ như nhạc, họa, tin học... để làm phép loại dần các cháu nhận giải. Ý kiến này lập tức bị một phụ huynh khác phản bác: Điểm các môn phụ không thể quyết định vị thứ các cháu được. Nghe cũng có lý! Cuối cùng, vị phụ huynh làm chi hội trưởng lớp đề nghị mỗi phụ huynh đóng thêm ít tiền để mua quà cho tất cả các cháu. Đúng là không còn cách nào khác hợp tình hợp lý hơn!
NHẬN ĐỊNH |
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện (quận Bình Thạnh) Quách Hoàng Oanh:
Trung bình yếu và... 6 lần làm tròn! !!
Theo tôi, việc “lạm phát” HSXS có nguyên nhân chính là từ cách đánh giá xếp loại mới.
Vì sao? Tôi xin phân tích một trường hợp sau đây: HS A có điểm kiểm tra học kỳ I môn toán là 7, 5 điểm (theo hướng dẫn được làm tròn điểm là 8), môn tiếng Việt là 2, 5 điểm (làm tròn là 3 điểm), điểm trung bình của học kỳ I là lấy điểm toán cộng điểm tiếng Việt rồi chia đôi, kết quả là 5,5 (làm tròn thành 6 điểm); học kỳ II, môn toán 8,5 (làm tròn 9 điểm), tiếng Việt 5,5 điểm (làm tròn 6 điểm), điểm trung bình học kỳ II học sinh A đạt 7,5 điểm (làm tròn 8 điểm); điểm trung bình cuối năm lấy điểm học kỳ I cộng với học kỳ II chia đôi là 7 điểm. HS A đạt tiên tiến. Như cách tính điểm trên đây, từ 1 học sinh trung bình yếu, qua 6 lần làm tròn (nâng) điểm HS A trở thành HS tiên tiến. Cũng bằng cách làm tròn điểm như trên, nhiều HS tiên tiến thành HS giỏi và HS giỏi trở thành HSXS!
GS-TS Lê Ngọc Trà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục:
Cần khen, nhưng phải khen cho đúng!
Tình trạng “lạm phát” HS xuất sắc, giỏi hiện nay là có thật. Theo tôi, vấn đề “lạm phát” này cần được ngành GD-ĐT nghiên cứu và xem xét lại nguyên nhân do đâu, để có hướng điều chỉnh hợp lý ở tất cả các bậc học. Riêng ở bậc tiểu học nên có sự “rộng rãi” hơn về cách đánh giá, bởi vì ở độ tuổi này các cháu rất cần sự khen ngợi, động viên nhằm khuyến khích các cháu thi đua học tập tốt. Tuy nhiên, cũng cần phải khen cho đúng với năng lực HS, không nên quá đáng.
Y.Thy ghi
THƯ PHỤ HUYNH |
Cần tổ chức lại việc học ở bậc tiểu học
Là phụ huynh có con đang còn nhỏ, nhưng với hiện trạng học tập trong xã hội bây giờ, tôi cảm thấy lo cho các cháu. Các cháu hiện đang học lớp lá đã phải đi học thêm để tập viết, vào lớp 1 phải biết đọc, viết và cả những phép tính cộng, trừ. Trong khi ngành giáo dục khuyến cáo các thầy cô giáo không nên dạy thêm ở nhà. Theo một hiệu trưởng trường tiểu học: Bài thi học kỳ lớp 1 như là bài thi đại học, gồm 9 câu và làm trong 35 phút. Nếu hướng dẫn đến đâu thì làm đến đó, không hướng dẫn thì không biết cách để làm tiếp. Các giáo viên nói: Học sinh ngày nay càng ngày càng lười, không ép không học. Vậy do HS hay do nền giáo dục. Vậy mà ở lớp tiểu học đa số lại là HS xuất sắc? Nhiều phụ huynh có con sắp vào lớp 1 có chung một nỗi lo lắng, cứ mỗi kỳ học, kỳ thi, mỗi lần lên lớp lại phải tìm thầy học trước. Chúng tôi phải làm sao đây? Thiết nghĩ, ngành giáo dục cần tổ chức lại việc học ở bậc tiểu học ngày nay.
(Một phụ huynh ở quận 3)
Bình luận (0)