Dù tiếng Anh hồi học phổ thông đã đạt IELTS 6.5 và sau đó tập trung bồi dưỡng rất nhiều trước khi du học nhưng lúc sang Anh, Bảo Trâm (trường BSc Economics - University of Warwick) vẫn… không hiểu gì cả! Nhiều du học sinh khác dù đã chuẩn bị kỹ càng nhưng vẫn gặp phải một số khó khăn trong cách học, chưa thích nghi với gia đình chủ trọ, cách ăn uống… dẫn đến bị sốc, ảnh hưởng nặng nề đến kế hoạch du học.
Tập nghe đài để quen tiếng
Đông đảo bạn trẻ tìm hiểu du học Vương quốc Anh
Nhờ kiên trì cả năm trời, Bảo Trâm đã bắt nhịp được với lớp học. Theo Bảo Trâm, xem truyền hình ở Anh không hiểu được là bình thường. Để nghe tốt thì phải chịu khó đọc phụ đề và sau đó bỏ dần dần.
“Kinh nghiệm là chỉ xem một chương trình, không nên xem dàn trải nhiều, khi hiểu rồi mới xem qua kênh khác. Khi đó nghe sẽ hiểu hơn” - Bảo Trâm tiết lộ.
Thích nghi cách dạy và học
Nhiều du học sinh ra nước ngoài học lúc đầu rất dễ bị đuối vì đã có thói quen chép bài đầy đủ. Ở nước ngoài, giáo viên không đọc chép, sinh viên phải tự lực. Giáo viên chỉ phát tài liệu rồi chờ học sinh tự đọc sách và hỏi lại.
Do đó, Bảo Trâm khuyên các bạn chuẩn bị du học nên thay đổi cách học để thích nghi. Nên đọc sách tìm hiểu, trước khi gặp giáo viên phải chuẩn bị sẵn danh sách câu hỏi vì họ không có nhiều thời gian để giảng dạy chi tiết. Ngoài ra, do thầy cô chỉ lên lớp vài lần nên khi có dịp gặp thì sinh viên phải tranh thủ đặt câu hỏi. Thông thường, trong 6 tháng đầu, sinh viên sẽ học không nổi, điểm không được cao.
Kết bạn xuyên quốc gia
“Hãy mạnh dạn kết bạn với học sinh nước ngoài thay vì chỉ tụ tập với đồng hương hoặc các bạn châu Á” - Đặng Vân Trang, cử nhân quan hệ quốc tế London School of Economics, khuyên.
Vân Trang cho rằng nên kết bạn với những người học cùng lớp, cùng khóa để có thể giúp nhau trong học tập, chia sẻ bài vở khi ôn thi. Kết thân với các bạn quốc tế tưởng chừng như khó khăn hơn vì khác biệt ngôn ngữ và văn hóa nhưng nếu mình không chủ động trò chuyện, chia sẻ với họ thì không phải lúc nào họ cũng sẵn sàng thân thiện với mình trước. Chỉ cần cố gắng nói chuyện nhiều hơn với người cùng học với mình thì sinh viên sẽ thấy kết bạn xuyên quốc gia không có gì khó cả.
Thích nghi với gia đình bản xứ
Ở nước ngoài, du học sinh có 3 lựa chọn về nơi ở: nhà người bản xứ, thuê nhà và ký túc xá. Trong đó, ở nhà người bản xứ thì học được văn hóa, cách sống nhưng phải tập thích nghi mới có thể vượt qua khó khăn ban đầu.
Nguyễn Trí Hiếu, đang theo học tại John Leggott College, chia sẻ một số kinh nghiệm khi ở gia đình bản xứ: “Nếu bạn là người nấu ăn được và muốn bản thân được chăm sóc tốt nhất thì nên chọn nhà có lựa chọn tự mua đồ và tự nấu ăn vì sẽ cảm thấy thoải mái hơn, thậm chí còn tiết kiệm ăn chung. Sống để hòa hợp với gia đình chủ nhà thì yếu tố quan trọng nhất là cởi mở, tiếp thu cái mới. Khi chia sẻ về con người, gia đình và đất nước họ thì mình cũng sẽ nhận lại được điều tương tự”.
Theo Hiếu, không nên ở trong phòng quá nhiều, không nên thường xuyên đi chơi, dành thời gian quá nhiều với bạn bè. Vì như vậy, gia đình chủ nhà sẽ mất dần tình cảm với mình. Cũng không nên thắc mắc hay hiểu nhầm khi gia đình chủ nhà không mời mình tham gia các chuyến đi của riêng họ vì họ cũng cần có không gian riêng.
“Để tránh bất cứ mâu thuẫn nào, hãy đối mặt trực tiếp với vấn đề và nói chuyện ngay với gia đình người bản xứ, không nên đi kể lung tung với bạn bè…” - Trí Hiếu khuyên.
Bình luận (0)