Trong chương trình dân hỏi bộ trưởng trả lời phát sóng 19 giờ tối 20-4 trên đài truyền hình Việt Nam, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã bác bỏ con số 34.000 tỉ đồng trong dự thảo nghị quyết đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 vừa được trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 14-4 vừa qua.
Bộ trưởng Luận cho biết việc đưa ra con số ước tính 34.000 tỉ đồng là sự sơ suất rất đáng tiếc đã gây nên hiểu nhầm trong dư luận. “Bộ GD-ĐT xin nhận trách nhiệm về việc này” - ông Luận phát biểu và chia sẻ rằng con số 34.000 tỉ đó không có trong tờ trình và những hồ sơ liên quan mà Chính phủ trình sang Ủy ban thường vụ Quốc hội. Bộ trưởng cho rằng nếu cần phải có đến 34.000 tỉ để biên soạn chương trình và sách giáo khoa mới thì bản thân ông cũng không đồng tình vì lãng phí và phi lý.
Nguồn gốc con số hơn 34.000 tỉ đồng gây hiểu lầm là đến từ “…tổng hợp từ kết quả nghiên cứu của các nhóm chuyên gia khác nhau”.
Giải thích vì sao Bộ trưởng GĐ-ĐT không đích thân trình bày dự thảo nghị quyết trước Ủy Ban Thường vụ vào ngày 14-4, ông Luận cho biết: “Tôi phải đi công tác nước ngoài trên cương vị là chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục các nước ASEAN…”.
Nói rõ hơn về dự thảo đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015, Bộ trưởng Luận cho biết: “…việc trình lần này mới chỉ là công việc bước đầu xin chủ trương, còn sau đấy thì sẽ triển khai rất nhiều những công việc khác”.
“Bộ theo phân công sẽ xây dựng những đề án, các kế hoạch cụ thể. Ví dụ về chương trình mới và sách giáo khoa mới này thì lúc đó Bộ sẽ xây dựng đề án về biên soạn chương trình sách giáo khoa mới, trong đó sẽ nêu tất cả các công việc, các định mức, các quy định chi tiêu, rồi số tiền, các nguồn lực khác cần phải có…Đề án đó sẽ được công bố rộng rãi để xin ý kiến của công luận và của chuyên gia, xin ý kiến của hội đồng giáo dục và phát triển nguồn nhân lực” – Bộ trưởng chia sẻ.
Trước đó, vào ngày 14-4, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã dự thảo nghị quyết đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 vừa được trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ông Hiển lúc đó cho biết: “Để xây dựng chương trình và sách giáo khoa, dạy thử nghiệm và đại trà... sẽ cần 34.275 tỉ đồng. Đó là chưa kể tiền xây dựng cơ sở vật chất ở những trường chưa đủ điều kiện…”.
Con số này đã gây sốc cho các đại biểu cũng như công luận suốt những ngày gần đây.
Bình luận (0)