xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cần đánh giá chất lượng đề văn

THIÊN HOÀNG

Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM nên có một ban kiểm định và đánh giá đề thi văn để dần nâng cao chất lượng và có sự đồng đều về mật độ giữa các quận, huyện

Đề kiểm tra học kỳ II môn ngữ văn lớp 9 tại một số quận ở TP HCM vừa qua có nhiều vấn đề chưa ổn. Những đề được báo chí phản ánh, ở mức độ này hay mức độ khác, đều có những điều bất cập. Đây chỉ mới dựa vào những đề thi mà báo chí đề cập đến, còn những đề thi chưa được nêu chưa hẳn vì đã ổn.

Chất lượng không đồng đều

Trước hết là đề thi không đồng đều về chất lượng, quá dài không phù hợp về thời lượng và trình độ học sinh. Đề quá khó khi chỉ phân tích một đoạn trích ngắn không phải là câu có tính chất khái quát nội dung của tác phẩm, chỉ là một trong những chi tiết không đủ tiêu biểu cho tính cách của nhân vật. Có đề thì câu hỏi mơ hồ, thiếu rõ ràng. Đề kiểm tra học kỳ là những đề mà người ra được đánh giá là có trình độ - chuyên viên phụ trách bộ môn của quận và được đầu tư về công sức, thời gian thế mà vẫn sai sót. Vậy những đề khác, chẳng hạn đề do trường ra, sẽ như thế nào?

Học sinh thi vào lớp 10 tại TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Học sinh thi vào lớp 10 tại TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Thêm vào đó còn có tình trạng lộ đề, học sinh chưa thi mà trước đó một vài ngày đã xì xào bàn tán về bài sẽ ra, kể cả đáp án... và cuối cùng đề thi đúng như lời đồn. Đây là sự tình cờ ngẫu nhiên hay lộ đề hoàn toàn có thật? Điều này xảy ra khá thường xuyên, không ở quận này thì ở quận khác, không môn văn thì môn toán. Chuyện không bao giờ dứt điểm.

Kiểm tra học kỳ II là kỳ thi có tính chất quan trọng không chỉ là kiểm tra đánh giá xếp loại mà còn tập dượt để học sinh làm quen với dạng đề của tuyển sinh vào lớp 10. Vậy nên chăng thời lượng thi cũng giống như thời lượng thi tuyển sinh - kể cả hai môn toán và ngoại ngữ. Điều nghịch lý ở đây là độ dài và độ khó của đề thi giống thi tuyển sinh 10 nhưng thời lượng thi lại ít hơn 30 phút dẫn đến sự thiệt thòi cho học sinh và đánh giá về chất lượng cũng không chính xác .

Tình trạng học sinh kêu than thầy cô bảo học một đường nhưng đề thi ra một nẻo là chuyện vẫn thường thấy. “Các thầy cô ở trường em chỉ ôn thơ và xác định đó là trọng tâm đề thi nhưng đề kiểm tra lại là truyện, chúng em không biết đường nào mà lần” - một học sinh than thở.  Đây cũng là vấn đề cần xác định rõ ràng giữa chuyên viên ra đề và thầy cô đứng lớp. Hai bên đổ lỗi cho nhau gây ra sự hiểu lầm làm mất lòng tin đối với học sinh. Thi những môn khác xong các em thường ước tính được số điểm bài thi nhưng với môn văn là rất mơ hồ. Đây cũng là một trong những lý do dẫn đến sự chán học văn của học sinh hiện nay.

Xem lại việc phân cấp ra đề

Tất nhiên, ra đề cho kỳ thi chung là không dễ chút nào và người ra đề phải chịu nhiều áp lực: phải đánh giá đúng trình độ học sinh, đáp ứng yêu cầu đổi mới, dè chừng dư luận tiếng ra tiếng vào... Chưa kể, ra đề thi học kỳ thường không có người phản biện, những sai sót trong đề thi người ngoài dễ thấy hơn là người ra đề. Những áp lực đó đè nặng tâm lý người ra đề.

Không chỉ đề thi lớp 9 mà những đề văn ở các khối khác chắc còn nhiều vấn đề bất cập. Rất cần rà soát lại một cách tổng thể. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM nên có một ban kiểm định và đánh giá chất lượng đề thi ở các trường để dần nâng cao chất lượng và có sự đồng đều về mật độ đề thi giữa các quận, huyện. Dẫu biết rằng sở không thể ôm đồm hết tất cả mọi việc nhưng đây là một vấn đề có ảnh hưởng rất lớn đến việc đổi mới giáo dục. Bởi thay đổi đề thi là một trong những yếu tố then chốt của cải cách giáo dục.

Sở GD-ĐT TP HCM nên chăng có sự thay đổi trong việc phân cấp về việc ra đề thi cuối năm cho học sinh lớp 9 để tránh những sai sót về đề thi như đợt vừa rồi. Bởi đây là kỳ thi có tính chất quan trọng được nhiều người quan tâm hoặc ít nhất cũng có những biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu những sai sót trong khâu ra đề; tránh tạo những dư luận, cái nhìn thiếu thiện cảm không đáng có về ngành giáo dục.  

Đừng biến học sinh thành nhà phê bình

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới, Sở GD-ĐT TP HCM có định hướng sẽ đổi mới về đề thi môn văn. Mong rằng đề thi sẽ mang tính đột phá đi vào thực tế. Học văn, làm văn là để gắn với thực tiễn giúp các em sống tốt hơn, chứ không biến các em thành nhà phê bình hay giống các cụ đồ ngày trước.

 

GÓC NHÌN

Phải gợi mở sự sáng tạo, cảm thụ

Thời gian vừa qua, báo chí đồng loạt đưa tin về những đề văn “có vấn đề”. Đứng trên góc độ là một giáo viên ngữ văn phổ thông, tôi cho rằng chúng ta cần nhìn nhận vấn đề một cách khách quan và cầu thị.

Chúng ta đều thấy rằng đề thi ngữ văn trong những năm gần đây có nhiều thay đổi đáng kể. Đề thường không quá khó, kiến thức khá phổ quát, tập trung đánh giá hai kỹ năng quan trọng: tiếp nhận văn bản và tạo lập văn bản. Học sinh trung bình nếu vững kiến thức, vững kỹ năng và ôn tập kỹ vẫn có thể đạt điểm khá trở lên. Để tránh lối học vẹt, học tủ, đề văn theo hướng mới đã không còn quá chú trọng vào văn bản sách giáo khoa mà đã mạnh dạn đưa những văn bản ngoài sách giáo khoa cho học sinh đọc - hiểu và cảm thụ. Phần nghị luận xã hội có nhiều điểm đổi mới mạnh mẽ khi chọn nhiều vấn đề thời sự, có ý nghĩa giáo dục thiết thực.

Thực trạng ra đề ngữ văn phổ thông hiện nay cũng rất rối bời. Người ra đề được yêu cầu đổi mới nhưng cách đổi mới lại có vấn đề. Không ít đề văn khó hiểu, khó làm, khó kiếm điểm khiến học sinh hoang mang, làm mất cảm hứng của người học. Nhiều học sinh khi rời khỏi phòng thi đã thốt lên đầy vẻ mỉa mai: “Đề vừa sức… với giáo viên”. Tuy nhiên, cũng có nhiều đề văn không vừa sức với giáo viên bởi khi đọc lên, nhiều thầy cô đã phải lắc đầu trước độ rối rắm, tối nghĩa, lòng vòng, mơ hồ của câu chữ.

Đấy là chưa kể đến thời lượng làm bài thi chỉ gói gọn trong khoảng từ 90 đến 120 phút nhưng đề bài lại yêu cầu quá dài, quá nhiều về nội dung kiến thức. Học sinh cắm đầu viết vẫn không kịp. Nhưng có một thực tế mà chúng ta cũng phải ghi nhận là nhiều đề thi học kỳ lại chọn cách ra như đề cho học sinh giỏi, tức là chọn một vài chi tiết khá nhỏ, khiến học sinh buộc phải “chém gió” cho bài văn của mình dài ra vì sợ kiểu chấm “đo gang” của giám khảo.

Đổi mới thi cử tức là ra những câu hỏi phải mang tính chất gợi mở, tránh lối mòn tư duy và những khuôn mẫu chung về hình thức nhưng vẫn giúp học sinh có định hướng về cách viết. Bên cạnh đó, đề thi đổi mới phải tạo khả năng cho học sinh tự do lựa chọn vấn đề và cách giải quyết vấn đề; giúp học sinh phát huy sự sáng tạo, linh hoạt, suy nghĩ và cảm thụ độc lập. Đề mở không những kích thích khả năng tư duy sáng tạo cho học sinh mà còn có thể phân loại được học sinh.

Để làm tốt dạng đề mới này, các học sinh cần có kỹ năng làm bài theo 3 chuyên đề sau: đọc - hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Các thầy cô luôn khuyến khích học sinh học văn là phải bằng cả tâm hồn chứ không chỉ là học dàn ý có sẵn; nuôi dưỡng cảm xúc khi viết bài và trình bày sáng rõ nội dung. Việc đọc nhiều bài tham khảo là tốt, xem dàn ý chi tiết các đề mà thầy cô đã hướng dẫn là tốt nhưng cần nhớ trong thang điểm năm nay có phần điểm cụ thể cho sự sáng tạo. Nếu muốn đạt điểm cao, học sinh cần sáng tạo trong cả hình thức lẫn cảm nhận về nội dung.

Đỗ Đức Anh

(Giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP HCM)

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo