Năm 2014 và những năm tới, nhu cầu việc làm tiếp tục phát triển theo chiều hướng đổi mới công nghệ, nâng cao quản lý, phát triển quy mô sản xuất kinh doanh, quy mô doanh nghiệp… tạo nhiều chỗ làm mới, thu hút lao động với nhiều ngành nghề đa dạng, đặc biệt là nhu cầu việc làm chất lượng cao.
Thiếu nhân lực chất lượng cao
Theo dự báo của TP HCM, sắp tới, TP sẽ ưu tiên phát triển nhân lực cho những ngành có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, bảo đảm nhu cầu lao động chất lượng cao cho 9 ngành dịch vụ, 4 ngành công nghiệp chủ lực (cơ khí chế tạo chính xác và tự động hóa, điện tử và công nghệ thông tin, chế biến thực phẩm theo hướng tinh chế, hóa chất - hóa dược và mỹ phẩm). Những nhóm ngành nghề có nhu cầu lao động nhiều, chiếm tỉ lệ trên 80% tổng nhu cầu nhân lực tại TP như: Quản lý kinh tế - kinh doanh - quản lý chất lượng; du lịch - nhà hàng - khách sạn, marketing - nhân viên kinh doanh; tài chính - ngân hàng (nhân lực chuyên môn cao, ở cấp độ quản lý) - kế toán - kiểm toán; tư vấn - bảo hiểm; pháp lý - luật; nghiên cứu - khoa học; quản lý nhân sự - tổ chức…
TS Trần Đình Lý tư vấn, hướng nghiệp cho thí sinh trong chương trình “Đưa trường học đến thí sinh năm 2013” do Báo Người Lao Động tổ chức tại Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cần Thơ Ảnh: HUY LÂN
Làm thế nào để thí sinh có thể tiếp cận một cách nhanh chóng thông tin về tuyển sinh của các ngành nghề, nhu cầu lao động? Các cơ quan dự báo nguồn nhân lực cần đều tay hơn và chuyên nghiệp trong việc truyền tải thông tin cho xã hội, do đó, thí sinh cần chủ động tìm kiếm thông tin. Trung tâm Dự báo Nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM đang làm rất tốt việc này. Các cơ sở đào tạo cần hỗ trợ thông tin nhiều hơn nữa về nhu cầu nhân lực mà nhà trường đang đào tạo, gắn kết hơn nữa với các đơn vị tuyển dụng để có sự cân đối cung cầu.
Năm 2013, nhiều trường cắt giảm chỉ tiêu khối ngành kinh tế và đây là điều khiến thí sinh e ngại. Tuy nhiên, nhóm ngành này vẫn luôn có nhu cầu tuyển dụng lớn (tuy có giảm về số tương đối). Các trường lớn, có thương hiệu đào tạo chuyên về kinh tế vẫn sẽ thu hút thí sinh. Ngoài ra, nhóm trường đào tạo về kinh tế chuyên ngành nông lâm ngư (đang được nhà nước quan tâm) cũng sẽ được thí sinh quan tâm vì thực tế nhu cầu việc làm lĩnh vực này đang khá lớn.
Chọn nghề: Thích hay phù hợp?
Những ai đã quan tâm và tìm hiểu kỹ về bản thân, về ngành nghề phù hợp và đam mê gắn bó với nghề thì sẽ luôn mặn mà với nghề. Sự phù hợp rất quan trọng và mang tính chất bền vững. Nếu chọn sai nghề, sai ngành thì bạn sẽ rời bỏ nó bất kỳ lúc nào. Nếu bạn không phù hợp thì hoặc là bạn sẽ bỏ nghề hoặc nghề sẽ bỏ bạn!
Thí sinh hãy biết mình là ai và phù hợp với nghề gì? Ngành nào có thể hỗ trợ bạn làm được nghề đó và ngành đó có ở trường nào? Đó là điều rất quan trọng và mang tính chất bền vững. Nếu chọn sai sẽ là một sự lãng phí rất lớn cho bản thân, gia đình và xã hội.
Bạn nên biết lượng sức. Nghĩa là phải “biết người biết ta”. Kinh nghiệm cho thấy có nhiều sĩ tử học giỏi nhưng thi hoài không đậu, có em học khá nhưng thi rất chắc, đậu liền. Ngoài ra, còn nhiều tiêu chí để tham khảo: điểm chuẩn, chỉ tiêu tuyển, nhu cầu xã hội, việc làm sau khi ra trường, điều kiện vị trí địa lý...
Cần phân biệt đúng giữa “thích” và “phù hợp”. Nghĩa là phải tránh xa sở đoản. Có nhiều học sinh thích học để sau này làm bác sĩ nhưng hễ thấy máu là xỉu, thấy người khác xỉu là... xỉu theo liệu có phù hợp? Trong khi họ là người phù hợp với công việc gắn liền với thiên nhiên, hoa viên, cây cảnh. Có bạn thích làm việc với máy tính nhưng cứ hễ ngồi trước bàn phím gõ gõ là hoa cả mắt. Trong khi bạn đó lại có năng khiếu hát rất hay và dẫn chương trình thì quá tuyệt.
Nên chọn theo sở trường, tránh xa sở đoản mới là bền vững. Tuy vậy, cũng không nên quá bảo thủ, cực đoan mà hãy nghe những lời khuyên vì có khi các em không đủ thông tin. Các em nên trắc nghiệm sở thích, nguyện vọng của mình để xem bản thân có bị ngộ nhận hay không trước khi nghiêm túc chọn cho mình một nghề, một ngành học cho tương lai.
Cần xác định sở thích
Theo TS Trần Đình Lý, hiện nay có nhiều bộ test dựa trên các lý thuyết về khoa học tâm lý, có thể giúp bạn trẻ xác định khá chính xác sở thích của mình, nói đúng hơn là xác định xem mình thuộc “nhóm sở thích nghề nghiệp” nào. Lý thuyết Holland về chọn nghề cũng là một nguồn tham khảo để trắc nghiệm rất tốt. Theo thuyết của nhà tâm lý học ứng dụng John Holland thì bất kỳ ai cũng có thể được xếp vào 1 trong 6 nhóm sở thích, ứng với mỗi nhóm sở thích là một môi trường thích hợp để sống và làm việc.
Việc lựa chọn còn tùy thuộc vào quan điểm, tư duy của thí sinh. Có người chọn vì ngành đó có nhu cầu tuyển dụng cao trong ngắn hạn, có người lại trung thành với sự phù hợp của bản thân và nghề/ngành. Còn theo nhu cầu thị trường lao động thì căn cứ kết quả của các cơ quan dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động sẽ rất có ý nghĩa cho thí sinh tham khảo.
Bình luận (0)