xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc thi viết "Người Thầy kính yêu": Tấm lòng cô Phượng ở Trường Đa Phước

Phạm Thị Ngọc (Trường THPT Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP HCM)

Sau 28 năm cống hiến cho Trường THPT Đa Phước và ngành giáo dục, cô Phượng vẫn miệt mài ngày ngày lên lớp mang đời sống văn chương và tấm lòng nhân hậu đến học sinh

Đa Phước là một xã vùng ven của huyện Bình Chánh, TP HCM, Trường THPT Đa Phước tọa lạc trong một con đường nhỏ thuộc xã. Đa phần đời sống người dân vô cùng khó khăn, nên việc đầu tư cho con em đi học còn nhiều hạn chế.

Cuộc đời gắn với sự nghiệp trồng người

Hiểu được tâm tư và hoàn cảnh của học sinh, muốn giúp cho hành trình đến trường tìm con chữ của các em không dở dang, cô Võ Thị Mỹ Phượng - giáo viên môn ngữ văn - từ việc giúp đỡ bữa ăn trưa cho một học sinh lớp 12 có hoàn cảnh khó khăn, đã có sáng kiến và đề xuất lên chi bộ nhà trường xây dựng bữa cơm tình thương bằng sự ủng hộ của các thầy cô và nhân viên nhà trường.

Cô Mỹ Phượng về Trường Cấp 2-3 Đa Phước năm 1994, lúc đó trường còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất cũ kỹ, sơ sài, không đủ phòng học để dạy học sinh. Vì thế, nhà trường mượn tạm Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trân lúc ấy cũng chưa xây đẹp như bây giờ. Buổi sáng cô dạy học ở trường chính, buổi chiều cô dạy ở lớp bên trường mượn.

Gia đình cũng nghèo, cô Phượng không có phương tiện để đi dạy mà ngày ngày đi bộ qua cánh đồng và những con đường đất mọc đầy cỏ dại để đến lớp. Quốc lộ 50 ngày ấy rất xấu, gập ghềnh những ổ voi ổ gà, trời nắng thì bụi, mùa mưa tầm tã cùng với thủy triều lên thì nước ngập, chỉ một sơ sẩy nhỏ là có thể té ngã và quần áo sẽ dính đầy bùn đất, giáo án bài vở của thầy cô bị ướt nhẹp...

Nhưng vì rất nhiều thế hệ học trò của xã nghèo, cô đã không quản khó khăn, đêm đêm miệt mài bên trang giáo án, để ngày ngày lên lớp mang những bài giảng thơ ca, những bài học về đạo đức, truyền đạt và dạy dỗ rất nhiều thế hệ học trò...

Ngày 6-5-2002, Trường Cấp 2-3 Đa Phước được đổi tên thành Trường THPT Đa Phước trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, theo Quyết định 1862/QĐ-UB của UBND TP HCM. Về trường mới, cơ sở vật chất cũng còn thiếu thốn nhiều, khuôn viên trường chưa xây dựng được không gian xanh. Cô Phượng cùng tập thể thầy cô, nhân viên chung tay trồng cây xanh lấy bóng mát cho trường.

Với học trò, cô Phượng dành cả tấm lòng bao dung bảo bọc như những đứa con trong gia đình; với đồng nghiệp, cô hòa nhã, thân thiện, quan tâm và sẻ chia kinh nghiệm giảng dạy của mình cho các cô giáo trẻ mới về trường.

Cô Phượng tâm niệm: "Dạy học là một nghệ thuật. Người giáo viên khi đã chọn nghề dạy học là phải có tâm yêu nghề, đặc biệt, mục tiêu hướng tới và niềm hạnh phúc nhất trong cuộc đời của người thầy là đào tạo bồi dưỡng được thật nhiều học trò giỏi"...

Cuộc thi viết Người Thầy kính yêu: Tấm lòng cô Phượng ở Trường Đa Phước - Ảnh 1.

Cô Võ Thị Mỹ Phượng và 2 học trò là học sinh giỏi văn thành phố. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Để học trò nghèo có bữa ăn trưa

Ngoài việc chung tay xây dựng cho trường, cô Phượng là giáo viên chủ nhiệm và dạy văn nên rất tâm lý, quan tâm tới học sinh, luôn lắng nghe và chia sẻ, tìm ra những nút thắt vấn đề để lý giải cho học sinh hiểu được việc gì nên làm và không nên làm, việc đúng và chưa đúng. Cô Phượng để ý thấy trong lớp chủ nhiệm có học trò tên Ngọc Lợi trong các tiết học buổi chiều luôn mệt mỏi, không tập trung. Hỏi ra, cô biết em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhà ở xã Hưng Long cách xa trường, ba mẹ ly hôn, mẹ em đi làm thuê nuôi 3 chị em ăn học. Vì thế, mỗi ngày em được mẹ cho 2.000 đồng để gửi xe. Không có tiền ăn trưa, những ngày học 2 buổi, em phải đạp xe về nhà ăn vội bát cơm, rồi lại tất tả chạy đến trường cho kịp giờ học buổi chiều trong cái nắng gay gắt.

Thương học trò nghèo, có tinh thần hiếu học, cô Phượng nói: "Vậy thôi buổi trưa em đừng về nhà nữa, xuống căng-tin trường ăn cơm, rồi ở lại nghỉ ngơi chiều có sức học, để cô hỗ trợ em". Lúc đầu Lợi còn e ngại muốn từ chối nhưng bằng tấm lòng chân thật, cô đã thuyết phục được học trò đồng ý. Từ bữa cơm trưa của Lợi, cô Phượng trăn trở sẽ còn rất nhiều bữa cơm nữa mà các học sinh đang cần được sẻ chia. Nghĩ là làm, cô đã trình bày nguyện vọng của mình lên ban giám hiệu. Lúc đó, thầy Nguyễn Duy Tuyển, hiệu trưởng, đã đồng ý.

Thầy Tuyển đã kêu gọi chi bộ chung tay hỗ trợ và rà soát lại trong khối lớp 12 những trường hợp học sinh nghèo, hiếu học, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có ý chí vươn lên trong cuộc sống, không có khả năng ăn trưa để hỗ trợ. Những năm sau, được sự chung sức hỗ trợ của tập thể sư phạm nhà trường, chương trình bữa cơm trưa được nhân rộng cho cả học sinh khối 10, 11 có hoàn cảnh khó khăn, kết quả học lực đạt loại khá giỏi và từ đó được mang tên là "Bữa cơm tình thương" của Trường THPT Đa Phước.

Hằng năm, cứ đến hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, tập thể sư phạm nhà trường lại chung tay cùng cô Phượng xây dựng Quỹ "Bữa cơm tình thương". Đến hôm nay, sau hơn 10 năm lan tỏa, chương trình "Bữa cơm tình thương" đã được sự chung tay góp sức của phụ huynh, các nhà hảo tâm và đặc biệt các học trò cũ của cô Phượng đã ra trường có công việc ổn định cũng chia sẻ bữa cơm nuôi những giấc mơ lớn... 

Trăn trở để sáng tạo

Cô Phượng đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo, trăn trở và nỗ lực với nhiều cách thức và phương pháp tối ưu để mang đến cho học sinh những giờ học môn ngữ văn không chỉ là cô nói - trò nghe, cô đọc - trò chép mà thay vào đó là những làn điệu dân ca, những câu hò ví dặm được đưa vào tiết học phù hợp với nội dung chương trình. Học sinh được hóa thân thành những Chí Phèo, lão Hạc, cô Tấm, nàng tiên... để các em cảm nhận văn học gần gũi, chân thực với cuộc sống hơn. Thành quả đạt được từ sự tận tâm của cô, từ những phương pháp học mới mẻ là nhiều năm liền lớp cô chủ nhiệm đậu tốt nghiệp THPT 100%; trong 8 năm cô bồi dưỡng học sinh giỏi cấp thành phố, các học trò đoạt 13 huy chương: vàng, bạc, đồng. Nhiều thế hệ học trò được cô dìu dắt đã theo ngành sư phạm văn hoặc các trường đại học, cao đẳng.

Tôi về trường công tác từ năm 2015, là nhân viên thư viện. Mỗi lần cô lên thư viện để mượn tài liệu tham khảo phục vụ cho giảng dạy, cô và trò có thời gian chia sẻ. Và tôi cũng học được từ cô tính cẩn thận, kiên trì trong công việc.


ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH


Cuộc thi viết Người Thầy kính yêu: Tấm lòng cô Phượng ở Trường Đa Phước - Ảnh 3.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo