Tại hội thảo mùa hè năm 2022 do ĐHQG TP HCM và Trường ĐH Indiana (Mỹ) tổ chức, vấn đề tài chính và tự chủ ĐH được các chuyên gia trong nước và quốc tế đặc biệt quan tâm.
Tự chủ nên phải tăng học phí
Với tham luận "Vai trò của ĐH công lập trong thế kỷ XXI", PGS-TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM), đã đưa ra nhiều vấn đề về tự chủ của các trường ĐH công khi vừa phải duy trì các nhiệm vụ của cơ sở đào tạo công lập vừa phải cạnh tranh với các ĐH ngoài công lập cũng như bảo đảm các xu hướng giáo dục hiện đại. Bà cho rằng trong bối cảnh phát triển của nền kinh tế tri thức thì vai trò của giáo dục, đặc biệt là giáo dục ĐH, lại càng mang tính chất quyết định hơn bao giờ hết đến tốc độ phát triển kinh tế - xã hội.
Sinh viên đóng học phí tại một trường ĐH tại TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Việt Nam hiện có 237 trường ĐH (chưa bao gồm các trường khối an ninh, quốc phòng), trong đó 172 trường công lập và 65 trường ngoài công lập. Mặc dù số lượng các trường ĐH đáp ứng tương đối nhu cầu của dân số quốc gia nhưng tỉ lệ người học tiếp cận với giáo dục ĐH ở mức dưới 30%, thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á. Với mục tiêu của giáo dục ĐH là phát triển, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, thực trạng này đang cho thấy sự thiếu tương xứng giữa cung ứng nguồn nhân lực qua đào tạo ĐH với định hướng phát triển nền kinh tế tri thức của quốc gia. Các trường ĐH công lập chiếm hơn 81% số sinh viên ĐH với 1.359.402 sinh viên (năm 2021), giữ vai trò nòng cốt trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng tốt cho thị trường lao động. Khác với các trường ĐH tư, trường ĐH công lập có sứ mệnh duy trì và tiếp tục phát triển đào tạo các ngành/chuyên ngành học mà có ít người học lựa chọn nhằm đáp ứng sứ mệnh, nhiệm vụ và yêu cầu cho sự nghiệp phát triển của quốc gia.
Tuy nhiên, thách thức mà các trường ĐH công lập phải đối mặt trong thời gian tới là vấn đề tài chính. Các trường ĐH công lập hiện nay đang hướng đến thực hiện tự chủ ĐH, sẽ không còn được nhận kinh phí thường xuyên và chi đầu tư từ ngân sách nhà nước. Xu hướng này khiến các trường công phải xem xét đến việc điều chỉnh tăng học phí để tạo nguồn thu cho ngân sách hoạt động. "Học phí cao sẽ làm chậm quá trình mở rộng quy mô đào tạo nguồn nhân lực có trình độ ĐH" - bà Lan nói, đồng thời cho hay các trường ĐH công luôn gặp thách thức trong việc thu giữ đội ngũ giảng viên giỏi, đặc biệt khi các trường ĐH tư có chế độ chính sách ưu đãi đa dạng và hấp dẫn.
Kinh nghiệm tồn tại và phát triển từ ĐH bạn
Chia sẻ kinh nghiệm về mô hình tài chính của ĐH Indiana, GS Venkat cho biết ông tham gia công tác tại ĐH này từ năm 1987. Trong giai đoạn đầu, 75% ngân sách hoạt động của trường đều từ nguồn tài trợ của chính quyền bang do đây là ĐH trọng điểm của bang Indiana. Nguồn ngân sách này được phục vụ cho việc thúc đẩy các hoạt động giáo dục sinh viên, bồi dưỡng sự vượt trội trong công tác nghiên cứu và tạo điều kiện tiếp cận để hỗ trợ các nhu cầu của bang và chính quyền liên bang. Các khoản trợ cấp khác cho trường chiếm 10% tổng ngân sách. Nguồn thu học phí là 10% và các nguồn thu từ từ thiện, phụ trợ, phí dịch vụ là 5%.
Các nghiên cứu chuyên sâu chỉ ra rằng các trường ĐH công lập tầm cỡ thế giới tại Mỹ vẫn phụ thuộc đáng kể vào sự hỗ trợ của chính phủ, cả trực tiếp và gián tiếp cho các hoạt động vận hành của trường, bao gồm các khoản trợ cấp và các khoản vay cấp cho sinh viên, hỗ trợ nghiên cứu khoa học, xây dựng trường cùng các khoản phân bổ đặc biệt khác. Nhưng GS Venkat cho biết chính quyền bang luôn có xu hướng cắt giảm nguồn tài trợ cho các ĐH và khuyến khích các trường tự tìm những nguồn thu khác. Trong những năm gần đây, chính quyền bang Indiana chỉ tài trợ không hoàn lại khoảng 25% chi tiêu ngân sách cho trường. Vấn đề đặt ra là trường ĐH luôn "khát" tiền nhưng các nhà tài trợ muốn ta phải tự kiểm soát.
Để giải quyết bài toán này, GS Venkat cho biết ĐH Indiana đã tìm kiếm nguồn thu chủ yếu từ học phí của sinh viên. Cụ thể, trường đã tăng học phí đối với các sinh viên ngoài bang theo học tại đây. Đồng thời, ông cho rằng đào tạo cao học là một phân khúc có thể đa dạng hóa nguồn thu. Hiện nay thu học phí từ các chương trình đào tạo cao học online của ĐH Indiana là khá lớn. Ngoài ra ĐH này còn có nhiều dự án nghiên cứu đột phá mang lại nguồn thu ổn định.
Điều này giúp cho ĐH Indiana tăng nguồn thu từ 2 tỉ USD năm 2020 lên 4 tỉ USD trong năm nay. Trong đó, nguồn thu học phí đóng góp gần 60% tổng ngân sách của trường. Nguồn tài trợ của chính phủ và các tổ chức liên bang chiếm khoảng 15% ngân sách, tài trợ thiện nguyện là 5% và phần còn lại đến từ các quỹ tài trợ. Hằng năm, chính quyền liên bang còn tài trợ qua các dự án nghiên cứu khoảng 200 triệu USD.
Yêu cầu hàng đầu
Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết thời gian qua các trường ĐH ở Việt Nam đã phát huy được tinh thần tự chủ, nhiều trường đã có những bước đi hiệu quả, đạt một số thành tựu đáng khích lệ. Sứ mệnh của ĐH là nghiên cứu và truyền bá tri thức, mang lại lợi ích cho xã hội. Để thực hiện sứ mệnh này, tài chính ĐH là một trong những yêu cầu hàng đầu.
Bình luận (0)