xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dạy thêm: Nhiều hệ lụy!

LÊ XUÂN CHIẾN

“Việc quản lý dạy thêm đang đi vào vòng luẩn quẩn, thực tế việc dạy thêm - học thêm gây ra nhiều hệ lụy và do đó phải dứt khoát nói không với vấn nạn này”. Dưới đây là bài viết tham gia diễn đàn “Bỏ dạy thêm hay bắt đầu dạy chui?” của một giáo viên.

Dạy thêm, học thêm ngày nay có nhiều hình thức: từ dạy thêm công khai tại nhà, thậm chí mở cả trung tâm dạy thêm - luyện thi đến dạy thêm hợp thức tại các trung tâm, rồi dạy thêm “có giấy phép” ngay tại trường. Vấn nạn dạy thêm, học thêm ngày càng tràn lan, biến tướng.

Sao lại thỏa hiệp với dạy thêm!

Giáo viên (GV) chia nhỏ các nhóm học sinh (HS) thành 5, 7 em để dạy ở nhà, gọi là dạy kèm. GV không dạy ở nhà thì đăng ký dạy ở trường, gọi là dạy thêm có tổ chức. Các sở giáo dục - đào tạo đưa dạy thêm, học thêm vào quản lý bằng hình thức yêu cầu GV dạy thêm phải đăng ký, khai báo thời gian, địa điểm dạy thêm, số lượng HS, các tiêu chuẩn về phòng ốc, bàn ghế, ánh sáng, học phí, cam kết không dạy học sinh lớp mình đang dạy chính khóa.

Gương mặt mệt mỏi của học sinh sau giờ tan lớp tại một trung tâm dạy thêm buổi tối ở TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Gương mặt mệt mỏi của học sinh sau giờ tan lớp tại một trung tâm dạy thêm buổi tối ở TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Thế nhưng trên thực tế, do quản lý còn lỏng lẻo, thiếu kiểm tra giám sát nên không tránh khỏi những điều trái quy định như: số lượng HS học quá đông, thu học phí cao hơn quy định, dạy HS lớp mình dạy chính khóa, dạy trước chương trình, không phân loại HS khi chia lớp dạy, dạy bài tập mẫu cho bài kiểm tra ở lớp (một kiểu “bật mí” đề kiểm tra), thiên vị đối với HS học thêm...

Ngành giáo dục đã ban hành nhiều văn bản chấn chỉnh dạy thêm, học thêm nhưng hiệu quả còn rất hạn chế. Các cơ sở giáo dục hợp thức hóa quy định về dạy thêm, học thêm bằng văn bản, giấy tờ hơn là chấp hành đúng trong thực tế. Thông tư 17 năm 2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định: “HS có nguyện vọng học thêm phải viết đơn xin học thêm gửi nhà trường; GV có nguyện vọng dạy thêm phải có đơn đăng ký dạy thêm; trong đơn có cam kết với nhà trường về việc hoàn thành tốt tất cả nhiệm vụ của GV theo quy định; hiệu trưởng nhà trường xét duyệt danh sách giáo viên dạy thêm”.

Thông tư này mở rộng cánh cửa cho dạy thêm - học thêm có tổ chức, đưa vào quản lý, công khai. Quy định này rất dễ bị hợp thức hóa. Có HS nào học thêm mà dám không chịu viết đơn không? Đã là GV trong biên chế, ai mà chẳng đủ tiêu chuẩn để dạy thêm (trừ khi đang bị kỷ luật). GV thì có thu nhập chính đáng, nhà trường được trích phần trăm tiền quản lý phí, vậy có hiệu trưởng nào lại không ký đơn cho GV dạy thêm? HS viết đơn xin học thêm, nghĩa là các em tự nguyện, nhà trường không bắt buộc. Hiệu trưởng đã duyệt đơn cho phép dạy thêm, nghĩa là GV không tự ý dạy thêm, họ “chính danh” vì được cấp phép hẳn hoi. Tất cả đều đúng quy định, hợp thức. HS tự nguyện học thêm, phụ huynh đồng ý, vậy còn kêu ca nỗi gì?

Có thật sự là “nhu cầu chính đáng”?

Có quan điểm cho rằng nhu cầu học thêm của HS là chính đáng, thu nhập dạy thêm của GV cũng chính đáng, có gì phải cấm? Xin thưa, chỉ cần học thêm 3 môn, lịch học của HS sẽ kín cả tuần, các em không có thời gian để tự học, tự nghiên cứu, sáng tạo, trải nghiệm cuộc sống. Sự thụ động, rập khuôn sẽ chiếm chỗ trong tư duy của các em, nhất là những em không đủ sức khỏe hoặc lười biếng. Nên nhớ khả năng tự học, tự nghiên cứu là điều rất cần trong giáo dục, bồi dưỡng nhân tài.

Về thu nhập dạy thêm, chính đáng ra sao khi phụ huynh nghèo phải gồng lên trả tiền học cho con? Thù lao được hưởng là chính đáng nhưng đưa HS vào tình thế phải đi học thêm là không chính đáng. Phụ huynh vì mong muốn con em bằng bạn bằng bè, sợ GV phân biệt đối xử nên phải cho con đi học thêm. Nhiều em học không tệ nhưng phụ huynh muốn con mình phải học khá, giỏi, ép các em đi học thêm nhiều môn, vô hình trung vừa biến các em thành nạn nhân của bệnh thành tích vừa tiếp tay cho dạy thêm, học thêm.

Có người cho rằng dạy thêm, học thêm là nhu cầu chính đáng, có cầu ắt có cung. Biện hộ như vậy là không thể chấp nhận, xa rời thực tế đang nhức nhối về dạy thêm, học thêm. Học thêm khác học bồi dưỡng, học phụ đạo. Nạn dạy thêm, học thêm gây tốn kém thời gian, tiền bạc, tạo sức ì và sự thụ động tiếp thu kiến thức... Hơn nữa, không tránh khỏi việc GV lợi dụng dạy thêm kiếm thu nhập ngoài lương.

Dù sự thật phũ phàng là lương nhà giáo hiện nay xếp thứ... 14 trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp. Một giáo viên THPT (đạt chuẩn) đứng lớp thời gian 12 năm có mức lương chỉ 5 triệu đồng (kể cả phụ cấp đứng lớp), thực là khó sống bằng lương trong thời bão giá này. Một số GV dạy thêm cũng vì miếng cơm manh áo, dạy được lớp nào thì dạy, kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình. Nhưng cũng không ít GV có nguồn thu nhập đáng kể từ dạy thêm: vài chục triệu một tháng, thậm chí gấp đôi, gấp ba, nhất là mùa luyện thi.

Vậy thì dễ có chuyện dạy thêm trở thành dạy chính. Mỗi khi đồng tiền chi phối thì tiêu cực rất dễ nảy sinh. Bao giờ GV chưa sống được bằng lương, lấy dạy thêm cải thiện thu nhập hoặc lợi dụng dạy thêm để trục lợi thì vẫn còn đó vấn nạn dạy thêm, học thêm. Đáng thương cho con trẻ phải học nhồi nhét suốt cả tuần, học như cái máy, không có thời gian nghỉ ngơi, giải trí. Phụ huynh đã trả học phí, lại còn trả khoản học thêm nặng hơn học phí gấp nhiều lần!

Hãy dạy khả năng tự học cho các em!

Thiết nghĩ, để chấm dứt dạy thêm, học thêm, trước hết phải thay đổi từ gốc, đó là chương trình dạy học. Chương trình phải được giảm tải, vừa sức HS, coi trọng kỹ năng ứng dụng và thực hành, đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá. Nhà trường, gia đình và xã hội không chạy theo thành tích. Phụ huynh không thỏa hiệp, tiếp tay cho dạy thêm. Không tổ chức dạy thêm trong trường, thay vào đó là dạy bồi dưỡng đối với HS giỏi, phụ đạo đối với HS yếu, kém. Cần động viên, khuyến khích HS tự học ở nhà. Những năm gần đây xuất hiện nhiều thủ khoa ĐH là HS nông thôn, tự học, không học thêm. Điều đó cho thấy nếu HS có kỹ năng tự học, sẽ học rất giỏi, đạt thành tích cao.

DIỄN ĐÀN: Bỏ dạy thêm hay bắt đầu dạy chui? (Bài tham gia diễn đàn gửi về giaoduc@nld.com.vn)

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo