Nhiều giáo viên môn văn tại TP HCM cho rằng giáo viên đang rất nỗ lực để đổi mới trong giảng dạy nên cần sự đổi mới cách ra đề. Tuy nhiên, đề thi ngữ văn năm nay lại mang tính cơ bản, trong “ngưỡng” an toàn.
Thiếu đổi mới, đột phá
Cô Nguyễn Thị Ngọc Diệp, nguyên tổ trưởng tổ văn Trường THPT Giồng Ông Tố (quận 2, TP HCM), nhận định trước kỳ thi, nhiều giáo viên nghĩ và kỳ vọng vào đề thi sẽ có tính đột phá, xứng tầm nhưng đề thi năm nay lại an toàn đến ngạc nhiên. Điểm khác duy nhất so với đề thi 2 năm trước đây là ở câu số 4, đó là thay vì trích dẫn văn bản thì năm nay không trích. Nhưng đó không phải là đổi mới mà chỉ là khác đi một chút.
“Với đề thi này, xét ở góc độ bảo đảm mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH, CĐ thì ổn. Nghĩa là học sinh không phải đi học thêm cũng có thể đạt từ 5-6 điểm. Điểm 7 trở lên phải là những học sinh có tư duy tốt, làm bài chỉn chu, gọn ghẽ mới có thể đạt được” - cô Diệp nói.
Cô Nguyễn Thị Minh Ngọc, giáo viên Trường THCS - THPT Đinh Thiện Lý (TP HCM), phân tích: Nội dung đề từ đầu đến cuối ngang nhau, thiếu đột phá. “Cách ra đề 2 năm nay cực kỳ cơ bản, không ứng dụng được cái hay của những đề dạng so sánh trước đây để kích thích tư duy của học sinh” - cô Ngọc nhận xét.
Theo cô Ngọc, phần nghị luận xã hội bàn về sự hèn nhát và dũng khí cũng không mới vì đề có 2 vế đúng là chân lý và học sinh chỉ cần chứng minh chân lý đó nên rất bó hẹp. Trong khi phần này cần ra dạng mở nhiều góc độ khác nhau để kích thích tư duy phản biện của học sinh.
“Nếu cứ ra đề như thế này thì lâu dần sẽ thành lối mòn cho cả người học lẫn người chấm. Trong khi đó, những vấn đề mang tính thời sự, nhân văn, lay động lòng người như những người lính phi công hy sinh khi làm nhiệm vụ lại không đưa vào đề. Đó là những vấn đề có giá trị, học sinh cần cảm nhận” - cô Ngọc nói.
Trong khi đó, cũng có ý kiến cho rằng nội dung đề thi đáp ứng tốt mục đích “2 trong 1”. Cô Phan Thị Thanh, giáo viên Trường THPT Vĩnh Viễn (TP HCM), nhận định nhìn chung, đề thi năm nay hay, đáp ứng tốt yêu cầu đánh giá tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH. Đề lại có tính giáo dục về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, lối cư xử - ứng xử trong cuộc sống và đề cũng có tính phân hóa cao.
Ngữ liệu trích dẫn tuyệt đối chính xác!?
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng câu 1 đề thi ngữ văn trích dẫn sai đoạn thơ của Lưu Quang Vũ. Nhà thơ Lưu Quang Vũ trong bài thơ “Tiếng Việt” đã ví: “Ôi Tiếng Việt như đất cày, như lụa” nhưng trong đề thi lại trích là “Ôi Tiếng Việt như bùn và như lụa”.
Về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Minh Ngọc phân tích: xét về góc độ làm đề là hoàn toàn khoa học, không sai. Đó là: đề trích xuất văn bản theo nguồn rõ ràng, trích đúng theo văn bản. Cụ thể là trích theo: “Tiếng Việt” - Lưu Quang Vũ, thơ Việt Nam 1945-1985, NXB Giáo dục, 1985, tr.218). Đề trích dẫn chi tiết đến từng tên NXB, số trang thì không thể nói là sai được. Xét ở góc độ văn học, “như đất cày như lụa” hay “như bùn như lụa” đều hàm ý chỉ sự mộc mạc, gần gũi, tinh tế của tiếng Việt.
Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Hữu Chương, giảng viên ngôn ngữ Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, cho rằng nguyên tắc khi trích văn bản là phải chính xác. Trong văn chương, thơ ca mỗi từ ngữ đều được các nhà văn, nhà thơ lựa chọn, cân nhắc kỹ và có dụng ý riêng. Việc trích dẫn sai đã làm giảm đi ý nghĩa, vẻ đẹp của câu thơ.
Tối 2-7, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có ý kiến về vấn đề này như sau: Về nội dung phần đọc hiểu: Trích đoạn thơ trong bài thơ “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ được hội đồng ra đề thi trích dẫn từ bài thơ “Tiếng Việt” của nhà thơ Lưu Quang Vũ trong cuốn Thơ Việt Nam 1945-1985 (Ban tuyển chọn và chú giải: Nguyễn Đức Nam (chủ biên), Bằng Việt, Nguyễn Văn Long, Nguyên An, Nguyễn Quốc Túy); NXB Giáo dục - 1985 (sách được xuất bản trong thời gian nhà thơ Lưu Quang Vũ còn sống).
Nội dung trích dẫn: “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa/Óng tre ngà và mềm mại như tơ”. (Nguyên bản dòng thứ 3 và 4 từ trên xuống trang 218, sách đã dẫn). “Trong quá trình biên soạn đề thi, hội đồng ra đề thi đã kiểm tra kỹ lưỡng, bảo đảm độ chính xác tuyệt đối của ngữ liệu được trích dẫn, đáp ứng yêu cầu của đề thi (minh chứng kèm theo)” - Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia 2016 cho biết.
Đề thi vật lý thiếu điểm nhấn
Thầy Đoàn Hồng Hà - giáo viên môn vật lý Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP HCM) - nhận định đề vật lý kiến thức hoàn toàn nằm ở lớp 12, tương đối cơ bản, trải khá đều cho tất cả nội dung của chương trình. Về mặt cấu trúc, đề thi này không có sự thay đổi nào đáng kể so với các năm trước. 30 câu đầu rất dễ, gần như cho không 6 điểm. Để làm được 20 câu sau, đòi hỏi thí sinh phải có khả năng ôn luyện tốt, tư duy cao, biết vận dụng kiến thức, nói chung phải có khả năng làm toán tốt mới làm đúng được. Tuy số câu phân loại có tăng nhưng độ khó lại gia giảm. “Có thể nói, ban ra đề đã lựa chọn phương án an toàn. Theo tôi, đề thi năm nay cần một số điểm nhấn về hình thức hỏi và kiến thức để đánh giá được năng lực của thí sinh và dần thay đổi hình thức dạy và học” - thầy Hà đề xuất.
L.Thoa
Bình luận (0)